Thứ 7, 20/04/2024 18:54:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:10, 09/08/2019 GMT+7

Nghịch lý thừa phòng học, thiếu giáo viên

Thứ 6, 09/08/2019 | 14:10:00 535 lượt xem
BP - Trong khi nhiều huyện, thị xã của tỉnh đang tập trung giải quyết bài toán thiếu phòng học, thì theo dự báo của Phòng GD-ĐT thành phố Đồng Xoài, năm học 2019-2020 thành phố sẽ tăng gần 1.000 học sinh nhưng lại thừa đến 31 phòng học. Nguyên nhân thừa phòng học tại thành phố Đồng Xoài là do thiếu giáo viên và điều này đã xảy ra từ năm học trước.

Hạn chế tối đa tuyển mới trẻ mầm non và mẫu giáo

Theo kế hoạch phát triển năm học 2019-2020 của Đồng Xoài, toàn thành phố sẽ giảm 1 trường công lập so với năm học trước, do sáp nhập 2 trường tiểu học Tân Thành A và Tân Thành B để thành lập Trường tiểu học Tân Thành. Căn cứ thực tế, Phòng GD-ĐT thành phố xây dựng 2 phương án tuyển sinh và phát triển năm học. Cụ thể, phương án 1, toàn ngành sẽ tuyển 772 nhóm, lớp/27.637 học sinh, tăng 16 nhóm, lớp và tăng 913 học sinh so năm học 2018-2019. Nếu thực hiện theo phương án này, toàn ngành sẽ thiếu 78 giáo viên, trong đó tiểu học thiếu 55, THCS thiếu 23. Do các trường mầm non công lập của thành phố đang thiếu giáo viên nên chủ trương của phương án này là các trường mầm non công lập hạn chế tối đa tuyển sinh trẻ mầm non, mẫu giáo ở độ tuổi 3 và 4, mà chỉ ưu tiên tuyển sinh trẻ 5 tuổi, nhằm đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Vì vậy, thực hiện theo phương án này, thành phố sẽ không thiếu giáo viên mầm non nhưng lại thừa tới 31 phòng học. Trong đó, các trường mầm non công lập dư 22 phòng, các trường tiểu học dư 9 phòng. Mặt khác, huy động trẻ ra nhà trẻ và mẫu giáo không đạt chỉ tiêu đề ra.

Lớp học đông không còn không gian trống, ảnh hưởng đến sức khỏe của cô, trò cũng như chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một lớp có 50 học sinh ở Trường tiểu học Tân Phú (TP. Đồng Xoài)

Phương án 2, toàn ngành sẽ tuyển 833 lớp, nhóm/28.484 học sinh, tăng 77 lớp, nhóm và tăng 1.760 học sinh so với năm học trước. Phương án này cũng tăng hơn phương án 1 là 111 lớp, nhóm và 847 học sinh. Ưu điểm của phương án này là tuyển sinh học sinh nhà trẻ, mầm non ra lớp đảm bảo chỉ tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đồng thời sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất trường học được đầu tư, cụ thể là không dư phòng học. Nhưng nếu thực hiện phương án này, toàn ngành giáo dục thành phố sẽ thiếu 147 giáo viên; trong đó, mầm non thiếu 69, tiểu học thiếu 55 và THCS thiếu 23.

Quá tải học sinh/lớp nhưng nhiều phòng học bỏ không?

Thầy Bùi Viết Lộc, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Đồng Xoài cho biết, trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, trước mắt phòng sẽ chọn phương án 1. Bởi đối với giáo dục mầm non, thành phố đã và đang phát triển mạnh các trường học và cơ sở mầm non tư thục đáp ứng được yêu cầu phát triển về số lượng học sinh. Trong khi đó, bậc tiểu học và THCS vẫn do các trường công lập đảm nhiệm. Ngành giáo dục thành phố lo ngại nhất hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS.

Hầu hết các lớp học tại trường mầm non công lập khu vực nội ô thành phố Đồng Xoài đều có số trẻ/lớp vượt cao so quy định. Trong ảnh: Cô và trò Trường mầm non Hoa Đào tham gia trò chơi

Thầy Bùi Viết Lộc chia sẻ, do chưa được bổ sung giáo viên nên ở cấp tiểu học, THCS phải tăng số lớp/trường và tăng số học sinh/lớp. Hiện nay có những khối lớp ở bậc tiểu học có 50 học sinh/lớp (vượt 15 học sinh/lớp so quy định), THCS là 48 học sinh/lớp (vượt 5-8 học sinh/lớp so quy định). Việc tăng học sinh/lớp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục, nhất là điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, học sinh. Mấy năm nay, do thiếu giáo viên nên các trường mầm non công lập không dám nhận thêm trẻ, cấp tiểu học không thể tách thêm lớp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nghịch lý lớp quá đông học sinh nhưng nhiều phòng học trong trường phải bỏ không vì không có giáo viên để bố trí đứng lớp (toàn ngành dư 31 phòng học). Nhiều lớp ở bậc tiểu học, THCS, trong phòng kê kín bàn học, sát bàn giáo viên, không còn không gian nên ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dạy - học của học sinh, giáo viên. Ngoài ra, việc quá tải học sinh/lớp và tăng lớp/trường ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện quy định về chế độ, chính sách lao động đối với giáo viên. Đồng thời khó khăn cho ngành giáo dục thành phố và UBND thành phố về việc xét công nhận mới và công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia.

Hiện nay, thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy nên nhiều trường học của thành phố đã cắt giảm số lượng nhân viên, nhất là nhân viên bảo vệ, cấp dưỡng tại các trường học, đặc biệt là trường mầm non, dẫn đến nhiều khó khăn cho các trường trong chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn. “Phòng GD-ĐT đã phối hợp Phòng Nội vụ thành phố tham mưu UBND thành phố báo cáo và làm việc trực tiếp với Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT đề xuất xin thêm biên chế giáo viên đứng lớp. Phương án của Sở Nội vụ là điều tiết giáo viên dôi dư từ các huyện, thị xã khác trong tỉnh về thành phố. Mặt khác, Sở GD-ĐT cũng cơ bản thống nhất chủ trương điều tiết giáo viên dôi dư từ các trường THPT, THCS&THPT do sở quản lý về cho thành phố đối với các bộ môn phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cả 2 phương án này vẫn chưa thể thực hiện được” - thầy Bùi Viết Lộc cho biết.

Kim Phụng

  • Từ khóa
88712

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu