Thứ 6, 29/03/2024 02:24:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:38, 30/07/2012 GMT+7

Dân hiểu, dân tin thì việc gì cũng làm được

Thứ 2, 30/07/2012 | 09:38:00 2,550 lượt xem

(Phóng viên Báo Bình Phước trao đổi với cán bộ lão thành cách mạng ở xã Đắk Ơ)

Ở Bình Phước, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất nhiều người biết đến ông Hai Thài. Đó là một cán bộ lão thành cách mạng của xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập). Ông Hai Thài tên thật là Phan Thành Lan (1924) quê ở Bình Định, tham gia cách mạng năm 1945 và năm 1949 được kết nạp vào Đảng. Ở tuổi gần 90 nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn và rất hào hứng khi nói chuyện với chúng tôi về những tháng ngày tuổi trẻ tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những năm đánh Mỹ gian khổ hy sinh trên vùng đất miền Đông Nam bộ.

Ông Hai Thài (trái) và Bí thư đảng ủy xã Đắk Ơ

Năm 1954, ông được tập kết ra Bắc, tháng 7-1962 ông xin vào Nam chiến đấu. Sau hơn 9 tháng hành quân, ông vào đến miền Đông và cùng đơn vị chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông đã từng kinh qua các chức vụ: Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy (U5), Chánh văn phòng huyện (K28), sau đó làm Trưởng ban Kinh tài của K28 cho đến năm 1975. Sau ngày giải phóng cho đến khi nghỉ hưu (năm 1997), ông Hai Thài có 12 năm làm chủ tịch và 5 năm làm bí thư đảng ủy xã. Ông gắn bó với vùng đất Đắk Ơ như máu thịt và được đồng bào Xêtiêng coi như “già làng của các già làng”.

Không chỉ say sưa kể về thời đánh giặc hào hùng, ông Hai Thài còn đặc biệt quan tâm đến những chuyện hiện nay, nhất là tại địa phương xã Đắk Ơ. Ông tham gia sinh hoạt chi bộ đều đặn, rất hiểu nội dung các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Ông nói: “Công tác xây dựng Đảng ở các địa phương nói chung còn rất yếu. Nhận thức về Đảng của một số đảng viên chưa cao, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra. Việc phê bình rồi tự phê bình từ trước đến nay chưa đến nơi đến chốn. Trong chi bộ, đảng bộ những việc nhỏ (khuyết điểm nhỏ của cán bộ - PV) không được kiểm điểm đến nơi đến chốn nên đến khi xảy ra việc lớn thì đã rồi. Cụ thể là vụ việc một phó chủ tịch UBND xã Đắk Ơ vừa qua, cấp trên phải kỷ luật, địa phương mất cán bộ. Nghị quyết Trung ương 4 tuy đã được triển khai, đảng viên ai cũng biết nhưng chưa thấy tiến bộ...”.

Theo chú thì đưa Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng vào cuộc sống nên làm thế nào? - Tôi hỏi ông.

“Phải đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo Bác Hồ. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục và phải có hiệu quả. Học Bác là học cái gì? Là về đạo đức, tác phong, một lòng một dạ phục vụ cách mạng và nhân dân. Hiện nay cán bộ học và làm theo Bác ở địa phương chưa đạt hiệu quả cao, nói chi đến dân. Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là phải có nhiều biện pháp để triển khai xuống dân, làm cho dân hiểu, dân tin. Dân đã hiểu, đã tin Đảng, chính quyền thì việc gì cũng làm được...”.

Trước đây chú đã được gặp Bác Hồ?

“Đó là vào khoảng tháng 7 năm 1955, tôi đang làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Hôm ấy, đoàn xe của Trung ương vào thăm và làm việc với tỉnh, xe của Bác đi trước. Từ xa, tôi thấy Bác xuống xe và đi bộ rất nhanh. Bác hỏi thăm người này, người kia rồi vào hội trường Lê Hồng Phong của Tỉnh ủy. Bác nói chuyện với cán bộ tỉnh một lúc, bất chợt hỏi: “Các chú muốn cách mạng miền Nam mấy năm nữa thành công?”, rồi Bác trả lời và căn dặn nhiều lắm. Tôi nhớ nhất là lời Bác bảo: “Cán bộ, nhân dân phải đoàn kết, cả nước đoàn kết thì nhất định cách mạng sẽ thành công”. Hôm đó, Tỉnh ủy Quảng Bình chuẩn bị cơm nhưng Bác không dùng mà làm việc xong Người trở về Hà Nội”.

Tại sao chú lại có tên là Thài? - Tôi hỏi ông.

“Tên “cúng cơm” của tôi là Phan Thành Lan, nhưng khi đi vào Nam chiến đấu, tổ chức bảo phải đặt bí danh. Vậy là tôi bỗng nhớ tới một người bạn tuy nhỏ tuổi hơn nhưng rất thân thiết tên là Thài, vậy là lấy bí danh là Nguyễn Huy Thài. Mình là con đầu nên gọi thứ hai, vậy là “chết danh” tên Hai Thài từ đó”.

Ông cười rất sảng khoái, mái tóc bạc lưa thưa, rung rinh sau cây quạt gió. Một ông già đã ở tuổi 89, sức khỏe vẫn tốt, trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Người vợ thân thiết của ông đã mất cách đây mấy chục năm, ông vẫn ở vậy với con cháu. Bây giờ, nhà ông, cháu nội, cháu ngoại đã rất đông đúc. Đàn cháu quây quần bên người ông yêu quý như đàn chim non quần tụ bên cây đại thụ giữa vùng quê đại ngàn Đắk Ơ.

Tiến Bình

  • Từ khóa
1243

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu