Thứ 7, 20/04/2024 10:49:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:14, 29/05/2019 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng dữ liệu quản lý lập địa bán ngập phục vụ trồng rừng

Thứ 4, 29/05/2019 | 18:14:00 855 lượt xem
BPO - Đề tài có 2 đơn vị tham gia nghiên cứu gồm Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước và Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu thực nghiệm cơ sở 2, Đại học Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã báo cáo tóm tắt phương án và phương pháp triển khai thực hiện.

Chiều 29-5, thừa ủy quyền của Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Anh Dũng chủ trì họp hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện đề tài “Xây dựng bộ tiêu chí, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý lập địa bán ngập phục vụ cho trồng rừng ở tỉnh Bình Phước”.Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu thực nghiệm cơ sở 2, Đại học Thủy lợi thu thập, phân tích và đánh giá đặc điểm các yếu tố lập địa tỉnh Bình Phước; khảo sát, thống kê và đánh giá các yếu tố lập địa trong vùng bán ngập; đặc điểm sinh trưởng và phát triển rừng đặc trưng tại một số vùng đất bán ngập điển hình; nghiên cứu phân vùng lập địa bán ngập; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lập địa bán ngập; các giải pháp khai thác và quản lý hiệu quả bền vững các vùng bán ngập trên địa bàn tỉnh… Thời gian thực hiện là 12 tháng, với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Hà Anh Dũng phát biểu tại cuộc họp

Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước xây dựng bộ tiêu chí phân chia và hệ thống cơ sở dữ liệu lập địa bán ngập; đánh giá thực trạng lập địa bán ngập trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ quy hoạch trồng rừng trên lập địa bán ngập và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng… Thời gian thực hiện là 18 tháng, với tổng kinh phí khoảng 860 triệu đồng.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành và một số nhà khoa học cho rằng, Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu thực nghiệm cơ sở 2, Đại học Thủy lợi nêu mục tiêu còn chung chung, chưa rõ phạm vi nội dung của vấn đề cần nghiên cứu; chưa đánh giá được những hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng vùng bán ngập, sự cần thiết để thực hiện đề tài. Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước nội dung nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần phân biệt vùng bán ngập với lập địa bán ngập.

Cả 2 đơn vị đều chưa nêu được chỉ tiêu đo tính thời gian ngập nước, thủy văn, chất lượng nước. Thời gian thực hiện đề tài đưa ra là khó khả thi. Đặc biệt, hiện nay đa phần diện tích bán ngập đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà máy thủy điện, một phần đang bị xâm canh lấn chiếm. Vì vậy, các đơn vị phải tính đến phương án phối hợp  thực hiện.

Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả, Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu thực nghiệm cơ sở 2, Đại học Thủy lợi đã được chọn là đơn vị thực hiện đề tài.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Anh Dũng đề nghị đơn vị được chọn thực hiện bổ sung chuyên gia lâm nghiệp, khắc phục những hạn chế theo góp ý tại cuộc họp và trong 15 ngày hoàn chỉnh hồ sơ, đặc biệt phải tính toán chi tiết kinh phí thực hiện đề tài.

Minh Luận

  • Từ khóa
9889

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu