Thứ 5, 18/04/2024 21:39:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:23, 22/10/2016 GMT+7

Ngộ độc thực phẩm gia đình - không thể chủ quan

Thứ 7, 22/10/2016 | 07:23:00 102 lượt xem
BP - Lâu nay người ta vẫn cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố nhưng ít ai nghĩ, ngộ độc thực phẩm tại nhà mới chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, ngộ độc tại nhà là vấn đề khó kiểm soát nhất. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thường gặp không ít khó khăn, bởi chính gia chủ không muốn tìm ra nguyên nhân mà vận động những người tham gia “cuộc vui” (chủ yếu là bạn bè, người thân, họ hàng...) giải quyết theo kiểu “tình cảm”.

Đầu tháng 8-2016, tại ấp 7, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại đám giỗ của gia đình làm nhiều người phải nhập viện. Những người trong gia đình tổ chức đám giỗ bị nặng nhất. Sau khi nhập Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đốp và phải chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị vì quá nặng, đến ngày 1-9 những người bị ngộ độc mới được xuất viện. Đây cũng là cảnh báo đến cộng đồng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính do ăn uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện triệu chứng khác nhau tùy theo tác nhân gây ngộ độc, nhiều trường hợp bị nặng có thể dẫn đến tử vong.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm như: nguồn nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo an toàn, chứa sẵn các độc tố gây ngộ độc, bị nhiễm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng. Trong quá trình chúng ta chế biến, nấu nướng không đúng cách, bảo quản không đúng quy định thì thực phẩm chứa chất độc do các hóa chất bảo quản... sẽ có cơ hội phát tác, là nguyên nhân hàng đầu gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình.

 Nhiều người không thể ngờ rằng, tủ lạnh lại là một trong những nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc tại gia đình. Nếu chúng ta không có kiến thức khi sử dụng cũng như bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thì vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Tủ lạnh thường được các gia đình xem là nơi bảo quản thực phẩm hữu ích nhất, là nơi “an toàn” nhất. Trong thực tế, thực phẩm không bị chua, bị hỏng vì tủ lạnh có thể ức chế tốc độ sinh sản của vi khuẩn nhưng không phải bất cứ thực phẩm nào cũng bảo quản theo cách này. Nguy cơ xảy ra ngộ độc từ thức ăn để trong tủ lạnh rất cao. Bởi một phần do để nhiều loại thực phẩm, một phần để thức ăn sống và chín, kết hợp với việc vệ sinh tủ lạnh không thường xuyên nên ngộ độc xảy ra là khó tránh khỏi.

Nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm sẽ dễ dẫn đến ngộ độc cho người sử dụng. Trong ảnh, công nhân Công ty Sung Ju, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành) bị ngộ độc thực phẩm tập thể đang cấp cứu tại Bệnh viện Mỹ Phước (Bình Dương) tháng 4-2016 - Ảnh: S.H

Mặt khác, nhiều loại vi khuẩn có thể tồn tại ở nhiệt độ dưới 0oC. Vì thế, thực phẩm đông lạnh chỉ làm chậm tốc độ sinh sôi của vi khuẩn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy gây ngộ độc. Đơn cử, khuẩn listeria gây triệu chứng bệnh giống bị cảm, nặng hơn là nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não có thể phát triển ở nhiệt độ từ 1-40C và thường tồn tại trong pho mát mềm, thịt, cá...

Biện pháp giảm thiểu nguy cơ ngộ độc

Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại gia đình người nội trợ cần nắm vững 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn. Hãy chế biến thức ăn càng sớm càng tốt ngay khi rã đông để tránh vi khuẩn phát triển. Nếu không để thực phẩm vào tủ lạnh ngay thì hãy hâm nóng thức ăn ở nhiệt độ 600C hoặc cao hơn tùy món.

Đừng để thức ăn ở ngoài quá lâu rồi mới cho vào tủ lạnh. Luôn hâm nóng thức ăn để tránh hỏng, sinh mốc quá nhanh. Sau đó, có thể chia thức ăn thành nhiều phần nhỏ để nguội nhanh hơn khi được đặt trong tủ lạnh.

Vi khuẩn từ các loại thịt sống sẽ lây lan sang thực phẩm đã được nấu chín gây ra ngộ độc thực phẩm. Hãy tách riêng các loại thực phẩm chưa chế biến và đã chế biến trong những ngăn khác nhau. Tuyệt đối không để nước chảy ra từ thực phẩm sống dính vào thực phẩm chín.

Người nội trợ cũng nên dùng dao, thớt riêng trong quá trình chế biến thực phẩm sống và chín. Luôn vệ sinh bàn tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Trừ khi dùng các loại thực phẩm có thể nấu chín mà không cần rã đông, nếu không phải luôn rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu. Không được để phần thực phẩm đã rã đông ngược lại vào tủ lạnh, vì vừa mất chất dinh dưỡng vừa làm biến chất thực phẩm. Chúng ta không nên dùng các loại thực phẩm để ngoài tủ lạnh hơn 4 giờ, đặc biệt là các loại gia cầm, thịt, hải sản, cơm và mì ống đã chế biến sẵn.

Nếu bị các chứng bệnh như: lao, lị, thương hàn, ho gà, bạch hầu, uốn ván, các loại bệnh về da... không nên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm và tốt nhất chữa khỏi bệnh mới tiếp tục làm việc.

Hiện nay, vẫn còn nhiều người nội trợ chưa biết đến sự nguy hiểm từ cách bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng cách gây ngộ độc tại gia đình nên chưa chú ý vấn đề này. Thậm chí có người còn đơn giản cho là cơ thể yếu nên mới có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy hoặc sốt nhẹ... Đây chính là điều cảnh báo cho người tiêu dùng để không thể chủ quan, coi nhẹ nguồn gốc thực phẩm cũng như cách chế biến, bảo quản thực phẩm.

Phương Thúy

  • Từ khóa
57089

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu