Thứ 6, 19/04/2024 09:44:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:18, 25/11/2014 GMT+7

Ngoại giao thời Tây Sơn

Thứ 3, 25/11/2014 | 16:18:00 2,370 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào ngày 13 tháng Tư năm Kỷ Dậu, Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An sai Thang Hùng Nghiệp mở cửa quan tiếp đoàn của Tây Sơn do cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu. Phúc Khang An ngỏ ý sẽ đem sức mình góp phần vào việc khôi phục lại quan hệ hòa bình giữa hai nước Việt - Thanh, nhưng Phúc Khang An không nhận các cống phẩm của vua Quang Trung, cho đem các cống phẩm về để chờ lệnh của vua Càn Long từ Yên Kinh.

Cũng trong tháng Tư này, vua Quang Trung còn viết cho Thang Hùng Nghiệp một bức thư, yêu cầu Nghiệp mua giúp cho một ít thuốc bắc. Nghiệp cho người đem thuốc sang tặng vua Quang Trung,  yêu cầu nhà vua đến ngày 10 tháng Năm đến Lạng Sơn để gặp.

 Ngay sau đó, Ngô Thì Nhậm dẫn đầu đoàn sứ thần Tây Sơn sang Quảng Tây. Thang Hùng Nghiệp trả lại cho đoàn những tặng phẩm mà vua Quang Trung đã tặng, nhưng lại đòi khi chính thức nộp cống phẩm phải đưa sang nhà Thanh bốn hoặc hai con voi và quế Thanh Hóa. Về quế, Nghiệp nói rõ quế đem sang cống phải là quế Thanh Hóa to và dày.

  Trong một bức thư đề ngày 16 tháng Năm năm Kỷ Dậu, phía Tây Sơn vạch rõ rằng vua Quang Trung không thể lên Nam Quan được, vì đường xa, không muốn làm phí dân tài, dân lực. Vả lại việc đến cửa quân trần tình, đã sai cháu là Nguyễn Quang Hiển thay làm lễ rồi. Voi cống cũng chưa có, vì đất nước vừa trải qua một thời loạn lạc, chưa thể một lúc đi mua được. Còn quế Thanh phải đến cuối mùa Hè mới có.

Về việc Nguyễn Huệ cầu phong, theo ý của vua Càn Long, Phúc Khang An lại ra điều kiện đòi triều Tây Sơn phải đúc người vàng đem cống như các triều đại trước. Ngô Thì Nhậm đã viết cho Phúc Khang An bức thư, trong đó có đoạn: Quốc trưởng nước tôi vùng lên từ thủa áo vải, nhân thời biết việc, đối với vua Lê vốn không có danh phận vua tôi. Mất hay còn là do số trời; theo hay bỏ là do lòng người. Quốc trưởng tôi có ý cướp ngôi của nhà Lê đâu mà lại coi như kẻ thoán đoạt. Trước đây Tôn bộ đường đem quân đến, quốc trưởng nước tôi bất đắc dĩ phải đem quân ra ứng chiến, không hề có ý xâm phạm biên cảnh để mang tội. Nay đại nhân theo lệ cũ của Trần, Lê, Mạc bắt cống người vàng, như vậy chẳng hóa ra Quốc trưởng nước tôi được nước một cách quang minh chính đại mà lại bị coi như hạng ngụy Mạc hay sao? Như thế thì tấm lòng kính thuận sợ trời thờ nước lớn cũng bị coi như việc nhà Trần bắt Ô Mã Nhi, nhà Lê giết Liễu Thăng hay sao?... Mong đại nhân noi theo mệnh lớn, miễn cho nước tôi lệ đúc người vàng để tiến cống...

Trong bức thư viết cho Phúc Khang An này, nhà Tây Sơn đã nói rõ rằng các vua Việt Nam thời trước sở dĩ phải cống người vàng là để chuộc một tội lỗi nào đó đối với thiên triều. Nguyễn Huệ tự coi không có tội gì với nhà Lê và cũng không có tội gì với nhà Thanh. Như vậy đời nào Tây Sơn chịu đúc người vàng để tiến cống. Và sau đó, chính vua Càn Long cũng nhận thấy lệ cống người vàng là vô lý và đã ra lệnh bãi bỏ lệ này. Tháng Bảy năm Canh Tuất, khi tiếp An Nam quốc vương giả ở hành cung Nhiệt Hà, vua Càn Long tặng một bài thơ, trong đó có câu “Thắng triều vãn sự bỉ kim nhân”, nghĩa là việc triều trước bắt cống người vàng là đáng khinh bỉ.

Mặc dù vậy, khi Nguyễn Huệ xin cầu phong, nhà Thanh lại đưa ra những điều kiện này lý do khác. Họ nói, đợi Nguyễn Huệ vào chầu tại Yên Kinh rồi phong vương một thể. Nhưng vua Quang Trung viện cớ là mình chưa được phong vương, sợ có điều bất tiện khi gặp các vị quốc vương các nước ở Yên Kinh. Thế là Càn Long đành phải phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương để có điều kiện đến Yên Kinh triều cận một cách đàng hoàng.

Lời bàn:

Việc vua Quang Trung được vua Càn Long chính thức phong làm An Nam quốc vương là một thắng lợi lớn về ngoại giao của nhà Tây Sơn thời đó. Vì từ đây về mặt pháp lý, nhà Thanh không còn thừa nhận nhà Lê nữa. Và thầy trò Lê Duy Kỳ không còn lý do gì để hoạt động “phục quốc” trên đất Trung Quốc. Còn những cựu thần nhà Lê trên đất Đại Việt vì thế cũng mất hết chỗ dựa để tiếp tục hoạt động chống lại nhà Tây Sơn. Và trước thực lực cũng như sức mạnh ngoại giao chính nghĩa của Tây Sơn, Càn Long, vị vua kiêu dũng của nhà Thanh không những phải quyết định đình chỉ việc động binh trả thù, tiếp nhận sứ thần của Đại Việt mà còn buộc phải ra lệnh bãi bỏ lệ cống người vàng, với lời phê rằng: Việc triều trước bắt cống người vàng là đáng khinh bỉ.

 Với “bang giao hảo thoại”, qua ngọn bút sắc bén, vừa đanh thép vừa kiên quyết nêu cao chính nghĩa, vừa khéo léo, mềm mỏng, hợp tình hợp lý, Ngô Thì Nhậm đã thể hiện xuất sắc thiên tài chính trị của Quang Trung là “khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao”, khi mà nhà Thanh “bị ta đánh thua, nhịn thì thẹn, báo thù thì khó”. Và đây là bài học vô cùng quý giá mà tổ tiên đã để lại cho hậu thế hôm nay cũng như mai sau về việc bang giao với quốc gia láng giềng phương Bắc.

K.N

 

 

  • Từ khóa
109602

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu