Thứ 6, 26/04/2024 17:33:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:25, 29/01/2017 GMT+7

Ngọc kỳ lân

Chủ nhật, 29/01/2017 | 07:25:00 19,228 lượt xem
BP - Là cây thân gỗ, cao 35-40m nhưng sở hữu tên gọi tuyệt đẹp - ngọc kỳ lân. Điều gì tạo nên tên gọi này? Tới thăm gia đình ông Ba Ấn Độ (Vương Ngọc Chánh Tâm) ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng, chúng ta sẽ thấy rõ vẻ đẹp của loại cây này.

Năm 2005, người bạn đi du lịch Ấn Độ mang về biếu ông Ba cây ngọc kỳ lân. “Bạn nói sau 10 năm, cây sẽ cho lứa bông đầu tiên. Nhưng đầu năm 2012, chỉ sau 7 năm trồng, từ nửa thân cây trở lên mọc 8 cành bông. Phần vì cây ra bông trước 3 năm, phần do bông nở quá đẹp và khi vừa nở có mùi thơm dịu như hương trầm Bắc nên tui quá đỗi vui mừng” - ông Ba cho biết. Đến nay gần 5 năm ngọc kỳ lân nở quanh năm, rực bông từ gốc đến ngọn khiến người chơi bông không ngớt trầm trồ, thán phục, khẳng định ngọc lỳ lân ông Ba trồng nhiều hoa nhất trong hàng vạn cây được trồng ở Bình Phước.

Hiện trong những cây trổ bông đẹp nhất ở Ấn Độ và Việt Nam đã xuất hiện cành bông dài 3m. Điều đặc biệt, trên cành bông của ngọc kỳ lân không có lá, chỉ bông và những lớp búp xanh ngọc nằm san sát nhau. Cây được trồng trong vườn nhà ông Ba đến nay đã có nhiều cành bông dài gần 1m. Ông Ba mê cây cảnh không khỏi tự hào: “Trên mỗi cành chỉ 1-2 bông đang nở phía ngọn, còn lại là những lớp búp to nhỏ trải dài. Với lớp lớp bông nối tiếp này tui tin các cành bông vẫn dài ra mỗi ngày và vượt quá 1m”. Nhìn theo những ngón tay ông Ba lướt nhẹ trên cành bông, tôi thấy chúng không khác gì những chú lân ở tuổi mới lớn tinh nghịch, thông minh, vươn vẻ đẹp của mình đớp ngọc trên không.

Niềm vui của ông Ba trước những cành bông ngọc kỳ lân dài gần 1m

Niềm thán phục vẫn chưa dừng lại khi tôi nhìn kỹ từng bông. Màu đỏ bung ra trên 6 tràng hoa y sắc đỏ trên đầu và trong miệng lân. 6 tràng hoa ghép vào nhau cân đối tạo hình đầu lân đang hướng ánh nhìn lên trời xanh. Có người nói chú lân đang định vị vị trí viên ngọc, có người lại nói chú lân vừa đớp gọn viên ngọc vào miệng và chưa ngậm lại vì muốn khoe thành tích vừa đạt được. Nhìn một viên ngọc màu hồng phấn ánh vàng được tạo nên bởi nhị và nhụy tôi cảm giác đó như là thành quả mà ngọc kỳ lân dành tặng người đã trồng nên cây... Dẫu hình dung theo cách nào, trước vẻ đẹp của bông, mỗi người đều lý giải được vì sao loài cây thân gỗ này lại sở hữu tên gọi độc đáo đến như vậy.

Tiếp tục nhìn vào giữa bông, ngọc kỳ lân thể hiện càng rõ vẻ đẹp của cây. Nhị đực cao vượt trội so với nhụy cái. Thân nhị dài nâng túi phấn lên cao, xòe sắc vàng ươm giữa nắng, trông chúng như một phần lưỡi được chú lân thì ra ngoài đầy ngộ nghĩnh, đáng yêu. Nhụy cái nằm sát đế đài, e thẹn chỉ với chiều cao bằng 1/6 nhị đực. Nhìn theo góc độ nào, từ cành bông đến từng bông, hay những lớp búp, những người khó tính nhất cũng bị thuyết phục bởi vẻ đẹp lạ kỳ của ngọc kỳ lân.

Ngoài ra, việc cây trổ bông quanh năm, lại trổ mỗi ngày, từ nửa đêm đến 14 giờ mới bắt đầu tàn khiến người yêu cây càng thích thú, mê say, dành nhiều thời gian thưởng thức. Nghệ nhân sinh vật cảnh Vương Ngọc Chánh Tâm chia sẻ: “Tối nào đi ngủ quên đóng cửa sổ y như rằng đầu sáng bị đánh thức bởi hương ngọc kỳ lân. Chúng đan trong mùi thơm của lan dạ hạt và luồn vào gió bay thoảng khắp vườn”. Ông Ba cũng cho biết thêm: “Đối với những cây đã nhiều năm trổ bông với san sát cành bông nằm từ gốc đến ngọn thì đứng xa vẫn ngửi được mùi thơm nồng dịu của hoa. Thậm chí có những cây tỏa hương khắp vùng”. Tuy nhiên, theo ông Ba, ngọc kỳ lân có một nhược điểm: Chiều cao không đều giữa nhụy và nhị khiến ong, bướm tới hút mật khó thụ phấn. Gần 5 năm cây trổ đầy bông nhưng mới đậu 1 trái (68 hạt, ươm được 36 cây con). Dẫu đã thử thụ phấn nhân tạo nhưng trái vẫn không đậu. “Thôi thì... việc cây trổ nhiều bông và đã cho một lứa cây con đầu tiên là một niềm hạnh phúc của người trồng cây rồi” - ông Ba nâng từng cành hoa trong niềm vui khôn tả của mình.

C.Thơ - Đ.Hùng

  • Từ khóa
57672

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu