Thứ 7, 20/04/2024 11:46:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:30, 29/11/2017 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

“Ngôi nhà thông minh” có tính ứng dụng cao

Thứ 4, 29/11/2017 | 14:30:00 1,956 lượt xem
BP - Không cần di chuyển, chỉ ngồi một chỗ cầm điện thoại di động là người sử dụng có thể điều khiển các thiết bị điện trong nhà như bóng đèn, quạt... Đó là tính năng nổi bật của mô hình “Ngôi nhà thông minh” được anh Nguyễn Văn Sơn (45 tuổi), cán bộ thiết bị Trường tiểu học Thuận Phú 1, xã Thuận Phú (Đồng Phú) chế tạo thành công. Mô hình khi đưa vào ứng dụng thực tế sẽ giúp các hộ dân tiết kiệm điện năng và an toàn khi sử dụng.

Sau thời gian đi nhiều nơi làm thuê, đầu năm 2006, được sự động viên của vợ, anh Sơn nộp hồ sơ thi vào Trường cao đẳng Kỹ thuật Nghệ An, tỉnh Nghệ An và trúng tuyển. Đến năm 2008, anh Sơn tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Sau đó anh nộp hồ sơ xin việc ở Trường tiểu học Thuận Phú 1 và được nhận vào làm cán bộ thiết bị của trường đến nay.

Anh Nguyễn Văn Sơn giới thiệu mô hình “Ngôi nhà thông minh”

Là dân kỹ thuật và có tay nghề về điện dân dụng nên những thiết bị điện của trường bị hư hỏng anh đều sửa chữa nhanh gọn. Quá trình làm việc và sinh hoạt hằng ngày, anh nhận thấy để đóng mở các thiết bị điện trong gia đình, nơi làm việc mất nhiều thời gian, thậm chí nguy hiểm nếu chạm trúng ổ điện hay cầu chì bị rò rỉ điện. Từ thực tế đó, anh nảy ra ý tưởng chế tạo một dụng cụ có thể đóng mở các thiết bị điện an toàn. Sau thời gian suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, tháng 6-2016, anh Sơn đã chế tạo thành công mô hình “Ngôi nhà thông minh”. Mô hình ứng dụng phần mềm bluetooth trên điện thoại thông minh có hệ điều hành Androi để đóng mở các thiết bị điện trong nhà.

Anh Sơn cho biết, mô hình được làm từ các thanh tre, thiết bị điện dân dụng, bóng đèn led, bộ điều khiển thông dụng Arduino (vi mạch), rơ le đóng ngắt, modul bluetooth, cảm biến quang trở và công tắc đóng mở thiết bị điện... Để làm mô hình ngôi nhà 2 tầng, anh dùng keo kết dính những thanh tre nhỏ lại với nhau. Lắp ráp ngôi nhà xong thì xác định vị trí lắp đặt các thiết bị điện trong nhà, rồi gắn linh kiện điện tử và đấu nối bóng đèn led (mô phỏng các thiết bị điện) qua rơ le đóng ngắt. Sau đó, dùng một điện thoại thông minh có hệ điều hành Androi có thể sử dụng được phần mềm bluetooth controller 8 lamp để kết nối bluetooth với các thiết bị. Phần mềm bluetooth controller 8 lamp có thể tải trên CH Play (cửa hàng ứng dụng).

Mô hình “Ngôi nhà thông minh” của anh Nguyễn Văn Sơn đoạt giải ba hội thi sáng tạo kỹ thuật huyện Đồng Phú lần thứ IV, năm 2016-2017. Đặc biệt, mô hình đã lọt vào vòng chung khảo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ IV, năm 2016-2017 và được Hội đồng Ban giám khảo đánh giá cao.

“Với mô hình “Ngôi nhà thông minh”, người sử dụng có thể đóng mở các thiết bị điện trong nhà tùy ý, không cần di chuyển nhiều. Riêng đèn cổng, người dùng không cần bận tâm đến việc quên đóng mở đèn, bởi đã có hệ thống tích hợp cảm biến ánh sáng (quang trở), từ đó yên tâm khi trời tối đèn cổng tự bật và trời sáng đèn tự tắt. Mô hình còn giúp tiết kiệm điện năng và an toàn khi sử dụng các thiết bị điện, trong khi thiết bị điện thông dụng rất dễ mua và giá thành rẻ” - anh Sơn chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Phú 1 Lê Hữu Chinh đánh giá: Với bản tính cần cù, chịu khó cùng tính sáng tạo trong công việc nên anh Nguyễn Văn Sơn luôn được tập thể trường đánh giá cao. 5 năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 2 năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mô hình “Ngôi nhà thông minh” của anh Sơn có tính ứng dụng cao trong các hộ dân và nhà trường. Mô hình giúp tiết kiệm điện năng và đặc biệt là an toàn cho người sử dụng, tránh gặp nguy hiểm khi chạm trúng thiết bị rò điện.

Trường Giang

  • Từ khóa
87336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu