Thứ 5, 25/04/2024 17:44:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:19, 22/02/2015 GMT+7

Ngược xuôi nuôi con thành tài

Chủ nhật, 22/02/2015 | 07:19:00 199 lượt xem
BP - Sau nhiều năm bươn chải, mưu sinh bằng nhiều nghề để kiếm sống, trái ngọt của những ngày tháng cực nhọc mà vợ chồng cựu chiến binh Phạm Tiến Thịnh ở khu phố 5, phường Long Thủy (TX.Phước Long) là 5 người con ăn học thành tài. Nay tuổi đã xế chiều, 5 người con đều có kinh tế khá giả và yên bề gia thất, nhưng vợ chồng ông vẫn miệt mài lao động, tạo phúc cho đời.


Vợ chồng ông Phạm Tiến Thịnh - bà Kiều Thị Vỵ

Khi nhắc về các con, gương mặt ông Thịnh lộ rõ vẻ tự hào. Ông nói, dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng đứa nào cũng ham học và học giỏi. Đây chính là động lực giúp vợ chồng tôi cố gắng làm lụng kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học trong những ngày mới vào đất Phước Long (nay là thị xã Phước Long) lập nghiệp.

Đủ nghề mưu sinh

Sinh ra và lớn lên ở xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội), ông Phạm Tiến Thịnh tham gia quân đội năm 1975, làm lính công binh, đóng tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Vợ ông là bà Kiều Thị Vỵ cũng tham gia quân đội và công tác tại lực lượng quân sự địa phương từ năm 1970. Năm 1978, sau khi xuất ngũ, trong một lần ghé thăm Phước Long, ông Thịnh thấy mảnh đất nơi đây màu mỡ, rộng ngút tầm mắt. Sau chuyến đi, ông đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Trên quê hương mới, vợ chồng ông Thịnh chọn nghề và nơi ở khá đặc biệt: Nhặt ve chai và lập nghiệp trên trận địa pháo 105 thuộc thị trấn Thác Mơ cũ (nay là khu phố 4, phường Long Thủy). Ông Thịnh kể lại: Ngày ấy, khu vực này toàn hầm hào, vũ khí quân dụng, mưu sinh nghề này khá nguy hiểm. Mình đào bới tìm mảnh vỏ bom, đạn không cẩn thận gặp mìn mất mạng như chơi. Thật may mắn, suốt 5 năm đào bới, vợ chồng tôi không gặp nạn.

Ngoài nhặt ve chai, vợ chồng ông còn tranh thủ khai hoang đất trồng mì và chăn nuôi thêm. Thấy cha mẹ vất vả, 2 người con lớn một buổi đến trường một buổi lên rẫy phụ cha mẹ. Nhà cách rẫy gần 20km, ông Thịnh phải dựng chòi tạm ở lại. Bà Kiều Thị Vỵ nhớ lại: “Ngày đó, gia đình khó khăn lắm, trong nhà chẳng có gì quý ngoài chiếc giường được đan bằng thân cây lồ ô. Bữa cơm hàng ngày chỉ có canh rau rừng. Hôm nào nhặt được nhiều ve chai thì có thêm vài con cá khô. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, ban điều hành khu phố cũng xin miễn giảm cho chúng tôi không phải đóng góp các khoản làm các công trình xã hội”.

Năm 1992, Nhà máy thủy điện Thác Mơ khởi công xây dựng, vợ chồng ông lại chuyển sang buôn bán thức ăn nhanh, nước uống cho công nhân làm công trình. Khi công trình hoàn thành, bán hàng ế ẩm, ông lại chuyển sang chạy xe ôm. Đến năm 1998, vợ chồng ông gom góp được ít tiền mua miếng đất ở khu phố 5 và xây căn nhà cấp 4 để có nơi tránh nắng, che mưa. Bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó, lại sống có uy tín với người dân nên từ năm 2001 đến 2013 ông được bầu làm trưởng khu phố 5. Vừa tham gia công tác xã hội, ông Thịnh vừa duy trì nghề chạy xe ôm và mở thêm tiệm rửa xe để kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Trái ngọt

Bài thuốc gia truyền về chữa bệnh ngoài da của ông Thịnh: Dược liệu chính để bào chế là củ mật nhân, cây hoàng liên và một số dược liệu khác. Củ mật nhân đem rửa sạch, thái lát mỏng và phơi khô. Hoàng liên lấy cả lá và dây rửa sạch, phơi khô. Bài thuốc này chuyên chữa các bệnh ngoài da như nấm, vảy nến, á sừng… Khi người bệnh mua thuốc về, đem đun nước để ngâm chân, tay nơi bị bệnh. Nếu bị trên đầu thì nấu nước gội đầu, còn bị toàn thân thì nấu nước tắm. Kiên trì chữa trong 1 tháng là có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Ngày mới vào Phước Long chưa có điện, ban ngày đi làm, đêm đến ông Thịnh lại chong đèn dạy các con học. Đền đáp công lao của cha, đến nay 5 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Ông Thịnh không giấu nổi niềm vui khi nói về 5 người con: “Thằng lớn Phạm Mạnh Hưng, sinh năm 1973, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Hà Lan về gen di truyền động vật, hiện đang công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (TP. Hồ Chí Minh). Con thứ hai là Phạm Mạnh Hải, sinh năm 1975, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đang làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô của Đức ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Phạm Mạnh Hà, sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh, đang công tác tại ga Sóng Thần (Bình Dương); Phạm Văn Hiệp, sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Ngân hàng VPBank ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh; con gái Phạm Thị Hạnh, sinh năm 1984, tốt nghiệp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và đang làm việc tại một công ty chuyên về thực phẩm ở Bình Dương”.

Anh Phạm Mạnh Hưng tâm sự: Ngày trước gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ luôn động viên, kèm cặp anh em tôi học nên đứa nào cũng học giỏi. Giờ 5 anh em, ai cũng có việc làm ổn định và kinh tế khá giả.

 Khi các con đã trưởng thành, ông Thịnh bỏ nghề xe ôm và rửa xe. Tâm sự với chúng tôi, ông cười hiền. Tuổi cao rồi, con cái đứa nào cũng thành đạt, tháng nào cũng gửi tiền về cho vợ chồng tôi. Nhưng bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ đã ăn sâu vào máu, ngồi không khó chịu lắm nên vợ chồng tôi vẫn làm việc để sống vui, sống khỏe lúc tuổi già”.

Hướng về cội nguồn

Hơn 4 nhiệm kỳ qua, ông cùng ban điều hành và các đoàn thể xây dựng khu phố 13 năm liên tục giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa. Ngoài tham gia công tác xã hội, ông còn bốc thuốc chữa bệnh ngoài da và bán vé máy bay cho hãng Vietnam Airlines. Ông Thịnh cho biết: “Bốc thuốc là nghề gia truyền. Trước kia, đời sống còn khó khăn, phải bươn chải kiếm tiền nuôi các con ăn học nên tôi không có điều kiện hành nghề. Nay các con thành đạt, vợ chồng tôi mới thực hiện được mong ước bấy lâu là tiếp tục duy trì nghề bốc thuốc do cha ông để lại. 

Tính đến nay, ông Thịnh đã duy trì nghề buốc thuốc được gần 10 năm, chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết và tìm đến ông chữa bệnh. Những người ở xa nhờ ông chuyển thuốc qua đường bưu điện. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở khu phố 5, phường Long Thủy, người được ông chữa bệnh, cho biết: “Tôi bị nấm tay, chân dùng thuốc tây nhiều năm nhưng bệnh không khỏi. Được bác Thịnh chữa trị một thời gian, bệnh của tôi đã lành, không tái phát”.

Đối với người nghèo, ông chữa bệnh không lấy tiền. Ông Thịnh chia sẻ, họ khó khăn, ăn còn chẳng có lấy đâu tiền mua thuốc chữa bệnh, xem như mình làm phúc cho con cháu sau này.

Thùy Hương

 

  • Từ khóa
50962

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu