Thứ 4, 24/04/2024 18:32:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:54, 06/04/2018 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Người chuyên làm việc “dại”

Thứ 6, 06/04/2018 | 15:54:00 329 lượt xem
BP - Người đàn ông trung niên, bàn tay gân guốc, nhẹ nhàng vuốt ve, chăm sóc con thú hoang bị thương. Giọng nghèn nghẹn, ông hướng mắt về con thú: “Nó bị dân bẫy mang bán, tôi mua lại, chăm sóc để trả về rừng...”.

“BÉN DUYÊN” NGÀNH ẨM THỰC

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Sướng, sinh năm 1963 tại Quảng Nam. Sau ngày đất nước giải phóng, ông theo gia đình vào huyện La Ngà, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Năm 1983, ông nhập ngũ, công tác ở Đoàn 7701, Quân khu 7 tại chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1987, ông rời quân ngũ trở về quê tiếp tục làm kinh tế. Năm 1997, ông lập gia đình. Năm 2004, khi hồ thủy điện Cần Đơn đóng đập, vận hành thủy điện cũng là lúc ông cùng vợ, con đến thôn Bù Tam, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) sinh sống bằng nghề cá và vớt củi bán.

Với ông Nguyễn Hữu Sướng, tự nguyện mua và thả động vật hoang dã trở lại rừng là việc nên làm

Ông Sướng cho biết, dân cư trong thôn khi đó rất ít, họ đánh bắt cá, tôm, tép chủ yếu phục vụ gia đình, ai mua thì bán kiếm sống qua ngày. Tôm, cá ngày càng nhiều, người dân không tiêu thụ hết nên ông Sướng thu mua và bán lại cho thương lái. Ban đầu vài người đam mê câu cá nhờ ông nấu cơm hộ để mang theo ăn. Quen dần, cứ đi câu cá là họ lại đến chỗ ông đặt cơm. Vợ ông, bà Phạm Thị Loan nấu ăn ngon, lại sạch sẽ nên được nhiều người tin tưởng. Từ nguyên liệu thu mua của người dân làng chài, bà Loan mở tại nhà điểm chế biến các món ăn dân dã phục vụ dân câu. Từ đó, dân câu rỉ tai nhau về điểm ăn nhỏ ven hồ này, chỉ cần gọi điện trước, khi đến thì cơm nước đã sẵn sàng phục vụ đi câu cả ngày.

Trước là bến Củi, nhưng từ ngày có cái quán ăn nhỏ ven lòng hồ, dần dần mọi người quen gọi bến ông Sướng. Từ việc được dân câu tin tưởng đặt cơm, thuê ghe, vợ chồng ông Sướng quyết định thử kinh doanh ẩm thực. Biết chuyện, nhiều người ngăn can vì đường sá từ trung tâm Đa Kia (Bù Gia Mập) vào Bù Tam vừa xa lại khó đi, sợ chẳng ai đến. Đắn đo nhưng vợ chồng ông vẫn tin tưởng vào quyết định của mình. Vậy là nhà bè Sướng Loan ra đời. Ông thu mua tất cả thủy sản lòng hồ, xây dựng thương hiệu ẩm thực riêng. Nấu ăn ngon lại sạch sẽ, nhà bè Sướng Loan ngày càng ăn nên làm ra. Khách trong và ngoài huyện, ngay cả khách nước ngoài (nhất là khách Campuchia) cũng đến nhà bè thưởng thức các món đặc sản nơi đây. Nhìn ông với vẻ ngoài tềnh toàng, giống người phụ việc hơn ông chủ nhưng ông biết đến 3 thứ tiếng là Anh, Khơme và Triều Châu (Trung Quốc), vì thế ông có thể giao tiếp với nhiều đối tượng thực khách.

Từ một khu dân cư nhỏ chỉ vài hộ sinh sống, giờ đây khu vực này nhộn nhịp với 3 nhà bè ẩm thực được đầu tư, phục vụ du khách, góp phần quảng bá đặc sản lòng hồ ở Bình Phước.

TÂM NGUYỆN VÌ THIÊN NHIÊN

Chiếc ghe gỗ rẽ sóng, ông Sướng và tôi hướng mắt về cánh rừng suối Ké (rừng Bù Đốp). Trên ghe là con trăn gấm nặng khoảng trên 10kg, 1 con mèo rừng, 2 con chồn hương khỏe mạnh được ông nuôi dưỡng gần 10 ngày sau khi mua của thợ săn. Chỉ tay về cụm rừng, ông Sướng bảo: “Cánh rừng này tôi đã thả hàng trăm con vật hoang dã trở về thiên nhiên”.

Bước lên bãi đất bồi lún qua mắt cá chân, tôi và ông Sướng cố gắng đưa mấy con vật hoang dã lên rừng. Tôi nói muốn ghi lại khoảnh khắc thả thú về rừng, tới bìa rừng, ông Sướng vội dặn: “Chú lấy máy chụp cho nhanh nha. Thú rừng khi được thả rất mừng nên chạy khá nhanh, không chuẩn bị là rất khó chụp”. Từ bao lưới, con mèo rừng và chồn hương được thả ra. Mặc dù đã chuẩn bị nhưng tôi cũng chỉ chụp vội được vài kiểu ảnh mà chưa ưng ý. Chỉ ảnh con trăn gấm là nhìn được vì con vật ban đầu còn ngỡ ngàng.

Ông Nguyễn Hữu Sướng thả con trăn gấm về rừng (ảnh lớn). Con mèo rừng lẩn rất nhanh vào thiên nhiên khi được thả

Nghỉ dưới tán cây lim ven rừng mát rượi, ông Sướng bồi hồi kể chuyện: Hồi mới về đây, rừng còn nhiều thú hoang dã. Tôi đi ghe từ nhà bè lên thượng nguồn, chim, thú nhiều vô kể. Hai bên lòng hồ có lúc còn nhìn thấy cả bò tót, khỉ, chồn, nai xuống uống nước. Giờ rừng mất nhiều, chim thú ít còn chỗ trú, muốn ngắm chúng khó vô chừng. Tôi làm việc này mười mấy năm chỉ mong có ngày nghỉ, khi ý thức với rừng của người dân ngày càng nâng cao, không còn người vào rừng bẫy thú...

Ông Sướng trầm ngâm: Nghĩ nhiều lúc thả thú, một mình trong rừng tôi cứ cười mỉm, vì làm được việc tốt. Đây là việc phải làm và làm với tâm nguyện tất cả vì thiên nhiên. Đa số con vật được thả đều chạy rất nhanh vào rừng, nhưng có con không hiểu sao vẫn quay lại nhìn tôi với ánh mắt như biết ơn. Nhớ nhất là lần con chồn hương chân gần như giập nát vì bẫy. Khi mua lại, tôi không thả ngay mà để nuôi, chữa vết thương cho lành đến hơn tháng trời. Ngày mang con vật đi thả, mặc dù đã vào rừng nhưng nó không đi ngay mà ngoái lại nhìn tôi đến 3 lần mới lẩn vào rừng. Tôi bấm bụng: Mày không tin tao thả mày sao mà nhìn vậy. Thôi cố gắng hòa nhập lại nha, đừng để tao gặp lại lần nữa!

Việc tự nguyện mua và thả động vật hoang dã về với thiên nhiên của ông rất ít người biết. Ông xem đây là công việc thầm lặng và thấy bản thân vui là được nên ít nói ra. Gia đình từ vợ đến con ai cũng ủng hộ ông việc này. Chị Nguyễn Thị Phương Quỳnh (con gái ông Sướng) nói: Khoảng năm 2014, cha tôi mua từ thợ rừng một con rùa quý hiếm. Thợ rừng cho biết đây là con quy, bởi mai của nó có hoa văn giống chữ tượng hình. Cha tôi đã mua con vật gần 12 triệu đồng để thả về rừng. Nhiều người biết bảo cha tôi dại, con vật này hiếm bán được khối tiền, không mang bán mà lại thả về rừng. Cha tôi chỉ cười.

Có lúc đêm khuya khi mọi người đã ngủ say nhưng ông Sướng vẫn cặm cụi trục củi từ lòng hồ để dành bán. Số tiền có được ông đều dành vào việc mua thú rừng để thả. Công việc lặng lẽ từ năm 2004 đến nay và ông không nhớ đã thả bao nhiêu con thú về lại rừng.

Ông Nguyễn Văn Ách, Giám đốc Công ty du lịch Bù Đốp cho biết: Khi còn làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, tôi và anh Sướng thường kết hợp làm công tác phòng, chống cháy rừng. Anh Sướng có cái tâm với rừng. Mỗi khi có cháy rừng hay diễn tập, anh ấy đều tham gia với kỹ năng phòng cháy rất tốt. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng rừng (cây sung đỏ) dọc lòng hồ Cần Đơn, góp phần tạo môi trường sinh thái nơi đây.

Rời nhà bè của ông Sướng, tôi vẫn nhớ như in lời ông kể về thú rừng khi được thả. Chuyện con chồn hương bị thương được ông nuôi nấng, lành lặn trong ngày trở về rừng, quay lại nhìn ông đến 3 lần. Và tôi nhớ nhất là đôi mắt ánh lên niềm vui khó tả khi ông nhìn những con thú ngày trở về với tự do.

Hoàng Thơ

  • Từ khóa
93533

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu