Thứ 5, 28/03/2024 17:44:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:25, 05/12/2016 GMT+7

Người dân ấp Thủ Chánh mong chờ đường dân sinh

Thứ 2, 05/12/2016 | 14:25:00 180 lượt xem
BP - Từ khi đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chơn Thành cơ bản hoàn thành, đáng lẽ người dân vui mừng với tuyến đường nhựa thẳng tắp, đất và vườn ra mặt phố, thế nhưng...

ĐẤT MẶT TIỀN BÁN KHÔNG AI MUA

Đường Hồ Chí Minh đi qua xã Thành Tâm (Chơn Thành) đã khiến cuộc sống của người dân hai bên đường thay đổi. Đường lớn, kéo theo đó là những căn nhà bị biến dạng thành hình thù kỳ quặc, thấp hơn mặt đường từ 4-5m. Và từ lúc có đường lớn, con đường dân sinh của người dân ấp Thủ Chánh, xã Thành Tâm cũng... biến mất. Con đường mới giống như quả đồi án ngữ trước nhà và 16 hộ dân sống hai bên không còn đường nào để đi. Biết là sai nhưng không còn cách nào khác, một số hộ dân đã gỡ một hoặc vài thanh hành lang bảo vệ đường để đi lại.

>> [Video] Người dân ấp Thủ Chánh mong chờ đường dân sinh

Năm 2014 con đường hoàn thành, gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở tổ 8, ấp Thủ Chánh phải gỡ một thanh bảo vệ hành lang để đi. Tối 21-11-2016, bà Hương bị té và gãy tay trái trong lúc di chuyển từ đường Hồ Chí Minh xuống dốc để về nhà. Như đã quen với sự việc này, bà Hương nói: “Lần này tôi bị nặng, chứ chuyện ngã trầy xước tay chân như cơm bữa. Từ mặt đường xuống nhà tôi cao gần 4m lại dốc, đi yếu tay là ngã liền. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được nhà nước làm lại đường dân sinh. Đất giờ đã là mặt tiền đường lớn nhưng muốn bán có ai đến mua đâu”.

Những ngôi nhà của người dân thấp hơn mặt đường từ 4-5mNhững ngôi nhà của người dân thấp hơn mặt đường từ 4-5m

Gia đình ông Vũ Đình Sơn ở tổ 8, ấp Thủ Chánh có ngôi nhà đặc biệt nhất ấp. Đặc biệt là bởi khi làm đường, Trung tâm Phát triển quỹ đất đền bù tới đâu thì gia đình ông đập nhà tới đó. Vì thế hiện căn nhà của ông không theo hình dạng nào, hơn 2/3 căn nhà đã bị tháo dỡ, gia đình ông phải sống ở phía sau nhà. Nhà thấp hơn nền đường nên khi mưa lớn, nước ở phía trên tràn vào gây ngập. Để hạn chế tình trạng này, gia đình ông mua xi măng về xây một bờ chắn nhỏ. Ông Sơn cho biết: Việc đi lại bây giờ phải ngó trước sau. Ban đêm phải men theo đường lô cao su mà về. Vào mùa thu hoạch mủ, chủ vườn sẽ không cho đi dù ngày hay đêm. Vì vậy, chúng tôi chỉ có cách ban ngày để xe trên đường rồi men sườn dốc xuống nhà cho nhanh. Còn ban đêm phải chạy lại nơi đã gỡ hành lang bảo vệ để đi xe xuống. Biết gỡ hành lang như vậy là không đúng, nhưng không gỡ thì chúng tôi đi bằng cách nào?

3 năm sống trong cảnh “leo núi”, người dân ấp Thủ Chánh gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc nước từ mặt đường Hồ Chí Minh xối thẳng vào nhà thì tình trạng mất xe máy cũng thường xảy ra. Vào những buổi trưa, người dân tranh thủ để xe trên đường, băng qua hành lang bảo vệ để xuống nhà. Đến khi quay lên thì kẻ gian đã lấy mất xe. Với học sinh, người lớn tuổi, để leo lên đường lớn, họ đã lấy gạch đắp thành cầu thang tạm hoặc làm cho con đường thoai thoải để đi.  

CÓ MẶT BẰNG SE TRIỂN KHAI NGAY

Ông Phạm Nguyên Khang, Trưởng ấp Thủ Chánh cho biết: Hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua ấp Thủ Chánh có 16 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 4 hộ đã chuyển đi nơi khác. 12 hộ còn lại ở giống như có quả đồi trên đầu. Hằng ngày, người đi bộ leo lên cầu thang tạm, đi xe máy thì men đường lô cao su. Quá trình làm đường, đơn vị thi công làm tới đâu người dân giải tỏa đến đó. Đường đã làm xong, rất mong Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có giải pháp để người dân có đường đi lại. Giờ điều mong muốn lớn nhất của người dân ấp Thủ Chánh là khi Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thi công cầu vượt theo gói thầu 45 thì ưu tiên làm đường dân sinh cho dân trước.

Theo Quyết định số 2874/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật và tạm duyệt dự toán gói thầu số 45: Bổ sung, cập nhật khối lượng còn lại của gói thầu số 42 thuộc nút giao quốc lộ 13 với đường Hồ Chí Minh và gói thầu số 45, bao gồm: Đường đầu cầu phần tiếp giáp cầu vượt, dải phân cách giữa quốc lộ 13, đường gom nhánh N6, N11 và mương dẫn dòng nhánh N11.  

Ông Trần Mạnh Quỳnh, Phó phòng quản lý Dự án 3, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Gói thầu số 42 đã bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2014 và đầu 2015. Tuy nhiên, vì vướng mặt bằng nên một số công việc của gói thầu 42 vẫn chưa hoàn thành. Ngày 1-11-2016, đại diện gói thầu số 45 đã ký hợp đồng với Bộ Giao thông - Vận tải và hiện tập kết máy móc để thi công cầu vượt nút giao thông quốc lộ 13 Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An). Đầu năm 2017, khi gói thầu 45 đưa vào thi công, chúng tôi sẽ bổ sung, cập nhật khối lượng còn lại của gói thầu 42. Chỉ cần việc giải phóng mặt bằng hoàn tất, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để nhân dân đi lại dễ dàng.

Ông Tạ Hữu Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Chơn Thành cho biết: Trước đây, trong thiết kế gói thầu 42 có đường dân sinh. Tuy nhiên lúc đó có một số hộ dân thắc mắc, khiếu nại với tỉnh về áp giá bồi thường chưa thỏa đáng. Lúc này các hạng mục lớn đã xong nhưng gói thầu 42 vẫn chờ thêm 6 tháng đợi mặt bằng để thi công đường dân sinh. Tuy nhiên, vì quá lâu nên gói thầu 42 rút quân đi hết. Sau đó, UBND tỉnh họp để giải quyết khiếu nại và bổ sung bồi thường cho dân. Đến nay, các hộ dân đã nhận được tiền đền bù và giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh. Đầu năm 2017, khi gói thầu 45 bắt đầu làm cầu vượt thì đường dân sinh cho người dân sẽ được bổ sung vào gói thầu này.

>> [Video] Người dân ấp Thủ Chánh mong chờ đường dân sinh

Hải Đăng - Thanh Nga

  • Từ khóa
93172

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu