Thứ 3, 23/04/2024 22:43:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:57, 27/10/2016 GMT+7

Người dân Hớn Quản, Lộc Ninh oằn mình sau lốc xoáy

T. Nga - P. Thảo
Thứ 5, 27/10/2016 | 13:57:00 569 lượt xem
BP - 15 giờ 30 phút ngày 25-10, lốc xoáy kèm theo mưa đá xảy ra bất thường quét qua các xã Lộc Khánh, Lộc Hưng, Lộc Thịnh (Lộc Ninh) và An Khương (Hớn Quản) đã làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của nông dân. Phóng viên Báo Bình Phước ghi nhận tại những khu vực lốc xoáy đi qua.

>> [Video] Người dân Hớn Quản, Lộc Ninh oằn mình sau cơn lốc

Cây trồng đang mùa thu hoạch bỗng chốc đổ rạp dưới đất. Người dân 2 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh đành “nuốt đắng” kêu gọi anh em, họ hàng đến phụ giúp dựng lại các gốc tiêu để cứu lấy phần nào tài sản.

TÀI SẢN CUỐN THEO CƠN LỐC

Sáng 26-10, nhân dân xã An Khương mới đi dựng lại vườn tiêu của gia đình. Những cây tiêu xơ xác, tiêu điều, la liệt dưới đất; cao su, xà cừ thì gãy ngang chắn ngay đường đi. Vườn bị nhẹ thì cây oằn mình theo chiều gió, còn phần lớn đã gãy cành, đứt dây. Toàn bộ tài sản của người dân phút chốc đã cuốn theo cơn lốc. Cũng cơn lốc ấy, các ấp Hưng Thịnh, Hưng Thủy và Cần Lê, xã Lộc Thịnh có hơn 13.000 cây cao su kinh doanh, 1.500 trụ tiêu 2-3 năm và 100 gốc cây ăn trái bị gãy, đổ.

Phó chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Vũ Long Sơn đến thăm hỏi gia đình bà Thị Thía ở tổ 3, ấp 8, xã An Khương bị tốc mái (ảnh nhỏ). Vườn tiêu của nhân dân xã An Khương bị gãy đổ (ảnh lớn)Phó chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Vũ Long Sơn đến thăm hỏi gia đình bà Thị Thía ở tổ 3, ấp 8, xã An Khương bị tốc mái (ảnh nhỏ). Vườn tiêu của nhân dân xã An Khương bị gãy đổ (ảnh lớn)

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu ở tổ 2, ấp 2 có 2.800 trụ tiêu bị đổ - nhiều nhất là xã An Khương. Trong đó 1.000 trụ tiêu 5 năm, 1.000 trụ năm thứ 3 và 800 trụ vừa xuống giống. Năm 2015, sau khi thu hoạch đợt đầu tiên, chị Hiếu vay mượn thêm từ các ngân hàng được khoảng 700 triệu đồng để mở rộng diện tích. Những tưởng khi thu hoạch sẽ trả được nợ ngân hàng, nhưng chỉ 15 phút khi cơn lốc đi qua, toàn bộ trụ tiêu của gia đình chị đã bị đổ rạp dưới đất.

Mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này là được hỗ trợ dựng lại trụ tiêu. Với 2.800 trụ, nếu có 10 người phụ cũng phải mất 10 ngày mới xong. Nếu như không được hỗ trợ, chắc vườn tiêu sẽ chết và gia đình tôi trắng tay, khoản nợ ngân hàng 700 triệu đồng chưa biết sẽ xử lý thế nào.

Chị Nguyễn Thị Hiếu tổ 2, ấp 2, xã An Khương

Dọc con đường sỏi đỏ của ấp Hưng Thịnh, chúng tôi thấy cao su gãy đổ vẫn tươi dòng nhựa trắng ứa ra từ gốc, thân cây. Gia đình ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Hưng Thịnh bị thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 450 cây cao su 10 năm bị lốc xoáy xóa sổ. Ngẩn ngơ đứng nhìn vườn cây đang trong thời kỳ cho mủ nhiều, ông Giỏi xót xa: “Chỉ mới hơn tháng nay giá mủ cao su tăng nhẹ với bình quân 290 đồng/độ đã làm ấm lòng nhà vườn. Với 2,2 ha, trong tháng 10 tôi cộng sổ thu được 19 triệu đồng”. Quý 4 cũng là thời điểm sản lượng mủ cao nhất, giá có tăng nên vợ chồng ông phấn khởi bón phân đợt 2 với 18 bao, hy vọng có thu để bù những tháng giá chạm đáy, sản lượng thấp trong năm 2016.

Ông Giỏi kể lại: “Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 25-10, vợ chồng tôi đang ngồi ở nhà bếp thì bỗng thấy trời tối sầm, mưa giông ập đến, từng viên đá trong veo bằng đầu ngón tay rơi xuống trắng xóa trên sân. Đây cũng là lần đầu tiên vợ chồng tôi cũng như người dân Lộc Thịnh nhìn thấy đá của trời (mưa đá). Trong mưa nghe tiếng gió cuồn cuộn rít và chỉ trong chốc lát vườn cao su liền kề nhà tôi bị gió lốc nhổ bật gốc, thi nhau gãy đổ”.

Không như những nông dân miền Tây chọn trồng cây ăn trái, ông Giỏi học quy trình trồng, chăm sóc cao su. Ông tìm mua giống mới năng suất cao ở vườn ươm uy tín để trồng. Nhờ đó, chỉ hơn 5 năm vườn cây cao su 2,2 ha của ông đã đủ tiêu chí mở miệng cạo. Chỉ có 450/1.200 gốc bị đổ nhưng lỗ chỗ nên 2,2 ha cao su của ông Giỏi coi như mất trắng vì phải thanh lý hết vườn cây để trồng lại từ đầu.

Ông Dương Công Hằng, Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: Trước mắt, xã đã huy động toàn bộ nhân lực từ các khối đoàn thể, đoàn viên thanh niên để sửa chữa nhà, sau đó dựng trụ tiêu giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả. Đồng thời, đã có báo cáo gửi về Hớn Quản để huyện có phương án hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ nhân dân khoanh nợ, giảm lãi suất vay từ các ngân hàng để đầu tư sản xuất.

CÓ MẶT KỊP THỜI ĐỂ HỖ TRỢ NHÂN DÂN

Sáng 26-10, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hớn Quản, 140 người là lực lượng huy động từ Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện, Trung đoàn 736 (Bộ CHQS tỉnh) đóng quân trên địa bàn huyện, Công an huyện, đoàn viên thanh niên đã có mặt để hỗ trợ nhân dân xã An Khương khắc phục thiệt hại do thiên tai. Cùng với đó, xã An Khương cũng huy động được 40 người là dân quân tự vệ, các khối đoàn thể tới địa bàn các ấp 6, 2, 1, 8 dựng lại trụ tiêu, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Anh em, họ hàng đến hỗ trợ dựng lại trụ tiêu cho gia đình chị Nguyễn Thị HiếuAnh em, họ hàng đến hỗ trợ dựng lại trụ tiêu cho gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu

Ông Vũ Long Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho biết: Từ chiều 25-10, chúng tôi đã cho lực lượng về dọn dẹp đường sá, cắt đường điện bị hư hỏng để giảm thiệt hại đáng tiếc khác. Trong ngày 26-10, chúng tôi ưu tiên dựng lại nhà cửa để người dân có nơi trú mưa an toàn. Sau đó, tất cả lực lượng sẽ chia ra các ấp để cùng người dân sớm dựng lại trụ tiêu, cố gắng giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Ngoài ra, từ nguồn quỹ của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện, chúng tôi đã hỗ trợ nhà bị sụp đổ hoàn toàn 5 triệu đồng, nhà bị tốc mái hoàn toàn 2 triệu đồng và 1 triệu đồng cho các gia đình bị tốc mái.

Ngay trong chiều 25-10, sau khi cơn lốc đi qua, lãnh đạo UBND xã Lộc Thịnh đã triệu tập họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau đó, xã cử cán bộ về ấp nắm bắt tình hình cụ thể. Đồng thời, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên, công an, xã đội phối hợp với ban ấp, trong đó có lực lượng xung kích của các hội, đoàn thể theo yêu cầu của từng hộ dân để kịp thời khắc phục thiệt hại sau thiên tai, giải tỏa cây cối thông đường giao thông. Theo khảo sát của chính quyền xã Lộc Thịnh, có nhiều hộ nghèo, cận nghèo đang sống nhờ vào hàng trăm cây cao su kinh doanh, nay bị lốc xóa sổ sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vì phải đợi 5-6 năm nữa mới có được vườn cây cho mủ.

Theo số liệu thống kê ban đầu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh, lốc xoáy kèm mưa đá chiều 25-10 làm thiệt hại: Tốc mái 7 căn nhà, gồm Lộc Hưng 4 căn, Lộc Thịnh 3 căn. Gãy đổ 34,1 ha cao su kinh doanh, trong đó Lộc Thịnh 23 ha. Làm đổ 5 ha hồ tiêu - tương đương khoảng 10.000 trụ, gồm Lộc Thành 6.000 trụ, Lộc Khánh 2.400 trụ, còn lại ở các xã Lộc Hưng và Lộc Thịnh. Mưa lốc còn gây thiệt hại 150 cây ăn trái và lúa (chưa có số liệu cụ thể). Ước tổng thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng.

Qua kiểm tra ban đầu, cơn lốc chiều 25-10 đã làm tốc mái 10 căn nhà, 50 ha cao su và khoảng 50.000 trụ tiêu của nhân dân các ấp 1, 2, 6, 8, xã An Khương bị đổ, gãy, ước thiệt hại từ 5-10 tỷ đồng.

>> [Video] Người dân Hớn Quản, Lộc Ninh oằn mình sau cơn lốc

  • Từ khóa
93126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu