Thứ 6, 29/03/2024 22:54:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:35, 19/09/2018 GMT+7

Người dân Xà Nạp 30 năm chờ điện lưới quốc gia

Thứ 4, 19/09/2018 | 06:35:00 293 lượt xem
BP - Hơn 30 năm sống tại sóc Xà Nạp, ấp Hưng Phát, xã Tân Hưng (Hớn Quản) khoảng 48 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn chưa có điện. Ban ngày nhờ tự nhiên; màn đêm buông xuống, người dân lại rục rịch thắp đèn dầu, đèn cầy, bình ắc-quy hoặc tấm năng lượng mặt trời để có ánh sáng sinh hoạt. Nhiều lần cử tri kiến nghị đại biểu Quốc hội, HĐND và các đoàn cũng nhiều lần về đo đạc, khảo sát nhưng đến nay Xà Nạp vẫn chưa có điện.

Cuộc sống thiếu ánh sáng

Xà Nạp là một trong 3 sóc của ấp Hưng Phát, cách trung tâm xã khoảng 7km. Sóc có 48 hộ thì chỉ 3 hộ có thu nhập tương đối ổn định và lắp tấm năng lượng mặt trời để có điện sử dụng. Chị Hồ Thị Hoàng sống tại sóc Xà Nạp hơn 20 năm có mở một quầy tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu người dân trong sóc. Nếu đi qua nhà chị, phải là người quen thì mới biết đây là tiệm tạp hóa, bởi không có điện, nhà lại thấp nên các loại hàng hóa tối om trong nhà. Ai cần mua gì thì nói, chị Hoàng theo thói quen sẽ đi đến nơi đặt hàng để lấy cho khách.

Không có điện, nhà văn hóa sóc Xà Nạp, ấp Hưng Phát, xã Tân Hưng (Hớn Quản) gần như trở thành kho chứa đồ

Chị Hoàng cho biết: “Lâu nay, buổi tối người dân chỉ có ánh sáng từ đèn dầu hoặc bình ắc-quy thôi. Gom góp mãi đến năm 2015, tôi có 15 triệu đồng mua 2 tấm năng lượng mặt trời. Dùng tiết kiệm chỉ đủ thắp điện, quạt vào ban đêm, còn nồi cơm với tủ lạnh không thể sử dụng được. Cắm vào là cháy cầu chì ngay!”.

Là người có uy tín trong sóc, ông Điểu Thoi cho biết: “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần vấn đề điện đến các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trời nắng đường bụi, trời mưa lầy lội người dân vẫn chịu được nhưng không có điện là khổ nhất. Người dân mong có điện để thắp sáng trong nhà và phục vụ sản xuất để thay đổi cuộc sống”.

NGHÈO CÕNG THÊM KHÓ

Người dân sóc Xà Nạp đang rất “khát” điện để cải thiện cuộc sống. Người dân có đất sản xuất nhưng nước không thể tưới, có trường nhưng không đưa vào hoạt động được. Từ 1.000m2 đất do ông Điểu Thoi hiến tặng, năm 2015, huyện đầu tư xây nhà văn hóa, các đoàn từ thiện hỗ trợ xây dựng phòng học cho học sinh trong ấp. Thế nhưng, do không có điện nên nhà văn hóa và phòng học “nằm im”. Nhà văn hóa ấp thỉnh thoảng còn tổ chức họp hành nhưng lớp học tối và nóng do hệ thống điện, quạt của lớp không hoạt động. “Hằng ngày, phụ huynh phải chở con ra Trường mầm non Tân Hưng, cách sóc khoảng 7km để đi học” - ông Điểu Thoi cho biết.

Trường lớp được đầu tư khang trang nhưng không có điện nên bị bỏ hoang 3 năm nay

Một trong những lý do khiến đường điện không thể đến sóc Xà Nạp là do vướng mặt bằng đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Cụ thể, xung quanh khu vực này đang vướng khoảng 200 cây cao su của Nông trường Lợi Hưng (Công ty TNHH MTV cao su Bình Long). Ông Hoàng Văn Quảng, cán bộ giao thông - thủy lợi xã Tân Hưng cho biết: “Trước đây, việc đầu tư đường dây vào sóc Xà Nạp do vướng nhiều cây cao su của Nông trường Lợi Hưng nên chưa thực hiện được. Mỗi lần công ty thanh lý và chuẩn bị trồng mới, chúng tôi đều đề nghị trồng lùi vào theo đúng quy định an toàn hành lang lưới điện. Hiện số cao su trồng mới đảm bảo quy định, còn khoảng 300m cao su già là vướng mặt bằng. Số cao su già này đang được UBND huyện làm việc với công ty để xin thanh lý. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành mặt bằng để Điện lực huyện đủ cơ sở đầu tư lưới điện vào sóc Xà Nạp”.

Từ năm 2015, Điện lực Hớn Quản đã khảo sát, lập dự toán đầu tư tại Xà Nạp. Cụ thể sẽ thi công 2,8km trung thế, 1,3km hạ thế và 2 trạm biến áp 1x50kVA với chi phí đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng của các nông trường cao su nên chưa đầu tư được.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Điện lực Hớn Quản cho biết.

Ông Quảng cho biết thêm, hiện nay có 1 trang trại chuẩn bị đầu tư vào sóc Xà Nạp và hứa sẽ hỗ trợ người dân 1 trạm điện. Do Xà Nạp chưa có điện nên doanh nghiệp đang đi đường dây từ các trang trại trên xã Minh Lập (Chơn Thành)  sang. Tuy nhiên, do đường dây đi qua cao su của người dân, chi phí đền bù khá cao nên doanh nghiệp chưa thương lượng được. Việc này lãnh đạo 2 huyện Hớn Quản và Chơn Thành cũng như doanh nghiệp đã làm việc với nhau nhằm mục đích mong người dân tạo điều kiện cho doanh nghiệp được kéo điện. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.

Hiện nay, xã Tân Hưng có 94% số dân sử dụng điện lưới quốc gia. Để 6% còn lại có điện sử dụng là điều không dễ dàng với chính quyền và nhân dân trong xã. Người dân luôn mong điện lưới quốc gia về để có điều kiện thay đổi cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thanh Nga

  • Từ khóa
94441

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu