Thứ 6, 29/03/2024 06:12:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 17:02, 20/08/2014 GMT+7

Người đứng đầu cơ quan phải tiếp công dân ít nhất 1 lần/tháng

Thứ 4, 20/08/2014 | 17:02:00 1,615 lượt xem
BPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, có hiệu lực từ ngày 15-8. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân.

Theo nghị định này, người đứng đầu cơ quan phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan. Việc quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nghị định cũng đã quy định việc bố trí trụ sở tiếp công dân thống nhất trên phạm vi cả nước; quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc bố trí phòng làm việc, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ việc tiếp công dân. Những cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân mà không cử người tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở thì phải bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm khang trang, thuận tiện; đồng thời bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Nghị định số 64/2014/NĐ-CP cũng quy định cụ thể, chi tiết về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân. Trong đó, phân định rõ phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng như trách nhiệm của đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân.

Các quy định nêu trên đã xác định rõ ràng tránh nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, góp phần bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân được thực hiện nề nếp, nghiêm túc, tránh sự chồng chéo hoặc né tránh giữa các cơ quan, đơn vị tiếp công dân tại trụ sở. Quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nâng cao trách nhiệm của mình, nhất là trong xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, kiến nghị về một nội dung.

Nghị định số 64/2014/NĐ-CP cũng đã quy định rõ chế độ bồi dưỡng đối với người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn. Đó là các quy định về phạm vi áp dụng chế độ; đối tượng được hưởng; nguyên tắc áp dụng mức chi bồi dưỡng; điều kiện bảo đảm đối với công tác tiếp công dân; chế độ bồi dưỡng, trang phục.

Như vậy, sự ra đời của Nghị định số 64/2014/NĐ-CP đã cụ thể hóa nhiều quy định của Luật Tiếp công dân về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong hoạt động tiếp công dân, vừa bảo đảm các điều kiện cho công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân ngay từ cơ sở, nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

PV

 

  • Từ khóa
22098

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu