Thứ 5, 25/04/2024 13:35:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:32, 11/12/2018 GMT+7

Người khởi xướng

Thứ 3, 11/12/2018 | 16:32:00 333 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ 5 của hoàng triều Lê. Ông tên thật là Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông. Cuối năm 1442, hoàng đế Thái Tông mất, thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi (tức Lê Nhân Tông), phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương. Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông và cướp ngôi. Nghi Dân chỉ ở ngôi được 6 tháng, các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm làm binh biến, bức tử Nghi Dân, đưa Tư Thành lên làm vua.

Trong 38 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội, đưa Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và vận hành theo Tân Nho giáo. Thánh Tông còn cải tổ quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, mà cụ thể cuộc xâm chiếm Chiêm Thành năm 1471, Lào và Bồn Man năm 1478. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ bản đồ lãnh thổ Đại Việt, bộ Hồng Đức bản đồ hoàn thành vào cuối năm 1469 và được bổ sung nhiều lần về sau, đã bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt, Bộ luật Hồng Đức là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của Lê Thánh Tông và của cả thời đại ông. Sự ra đời của Bộ luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của xã hội Việt Nam thế kỷ XV. Lê Thánh Tông - người khởi xướng Bộ luật Hồng Đức, là người thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đã ban hành. Lê Thánh Tông thường bảo với các quan rằng: Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo. Ông đã thu lại quyền chỉ huy của Tổng quân đô đốc Lê Thiệt vì con Lê Thiệt giữa ban ngày phóng ngựa trên đường phố và dung túng gia nô đánh người.

Về phương diện văn hóa, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ở Việt Nam thời phong kiến, chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò của trí thức lại được đề cao như đời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn.

Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, sử gia Ngô Sĩ Liên đã đánh giá rằng: Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ... là những giá trị văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê Thánh Tông. Nói tới công lao của ông đối với nền văn hóa dân tộc, không thể không kể đến một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm. Đó là việc ông hủy án, minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm lại thơ văn Nguyễn Trãi. Chính Lê Thánh Tông đã khẳng định: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (có nghĩa: Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê).

Đứng đầu hội văn học Tao Đàn, Lê Thánh Tông cũng dẫn đầu phong trào sáng tác. Thơ Lê Thánh Tông để lại khá nhiều và có giá trị cao về nội dung tư tưởng. Qua thơ, chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn nhân cách, tâm hồn ông, một tâm hồn gắn bó mật thiết với non sông, đất nước, với nhân dân, với những truyền thống anh hùng của dân tộc, của tổ tông, mà còn thấy được khí phách cả một thời đang vươn lên, đầy hào tráng.

Lê Thánh Tông làm vua năm 19 tuổi. 1 năm sau, khi trách lỗi cựu thần Ngô Sĩ Liên, Nghiêm Nhân Thọ, vị hoàng đế 20 tuổi bảo họ: Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang của Trung Quốc thời xưa, thế là ngươi theo đường chết, mang lòng không vua. Đó là tiếng nói của một ý chí tự cường dân tộc, động lực mãnh liệt đưa Lê Thánh Tông đạt tới vinh quang trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước vào thế kỷ XV.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Thánh Tông là một minh quân, có nhiều công lao to lớn đối với đất nước. Thứ nhất, ông có công lớn trong việc mở rộng lãnh thổ dân tộc. Thứ hai, chính ông đã đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng cường trong khu vực. Thứ ba, ông không chỉ đề cao ý thức độc lập, chủ quyền, bảo vệ biên cương, xây dựng vũ khí quân sự tân tiến, mà Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển kinh tế như: sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, kêu gọi người dân phiêu tán về quê, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng cho mọi người. Về văn hóa, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, Bộ luật Hồng Đức được coi là bộ luật nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò đặc biệt nhất trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam. Mặc dù mang bản chất giai cấp phong kiến nhưng Bộ luật Hồng Đức lại chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ với những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân, của tầng lớp dưới, của nô tỳ, người cô quả, khuyết tật... Nhiều quy định của bộ luật tập trung bảo vệ người dân chống lại sự ức hiếp, sách nhiễu của cường hào, quan lại. Có thể nói, Bộ luật Hồng Đức là văn bản pháp lý bậc nhất, là đỉnh cao nhất của thành tựu pháp luật Việt Nam so với các triều đại trước đó và cả về sau. Điều đọng lại sau giai thoại đã nêu là hậu thế ngày nay phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để xứng với bậc tiền nhân.

ND

  • Từ khóa
110125

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu