Thứ 6, 29/03/2024 00:20:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:11, 12/09/2017 GMT+7

Người không gặp thời

Thứ 3, 12/09/2017 | 08:11:00 390 lượt xem

BP - Nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng thông minh, chăm chỉ nên Phạm Phú Thứ đỗ tiến sĩ khi mới 22 tuổi. 20 năm sau, ông là một trong những sứ thần đầu tiên của Việt Nam tới châu Âu. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Phạm Phú Thứ có tên thật là Phạm Hào, sau khi đỗ tiến sĩ được vua Thiệu Trị đổi là Phạm Phú Thứ. Ông làm quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn dưới hai đời vua Thiệu Trị, Tự Đức và là người có quan điểm canh tân Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XIX.

Cũng theo sách trên, Phạm Phú Thứ xuất thân trong gia đình nho giáo tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (cũ), tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Mẹ mất sớm, nhà lại nghèo nhưng Phạm Phú Thứ nổi tiếng thông minh, chăm chỉ trong vùng. Năm 1842, khi mới 21 tuổi, ông đỗ giải Nguyên. Năm sau, ông đỗ tiến sĩ cập đệ và được bổ nhiệm làm việc trong triều đình. Liên tiếp sau đó, ông được thăng các chức Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang). Khi cha mất, ông xin cáo quan về quê. Tới đời vua Tự Đức, Phạm Phú Thứ được vời về làm Kinh diên Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi làm giảng sách cho vua. Khi thấy nhà vua lơ là việc triều chính, ông dâng sớ can gián và bị cách chức, đày vào nhà lao ở Thừa Phủ (Huế). Sau này, ông bị đày đi làm thừa nông dịch (lính trạm chuyên chạy về việc canh nông) ở trạm Thừa Nông (Huế).

Minh họa: S.H

Phạm Phú Thứ có nhiều đóng góp trong quá trình khai hoang, ổn định nội trị và đặc biệt là bang giao với phương Tây. Năm 1851, ông đưa tiễn quan nhà Thanh là Ngô Hội Liên (bị bão dạt vào Cửa Thuận) về Quảng Châu. Lần đầu ra khỏi nước, ông được mở rộng tầm mắt, đặc biệt thấy Ma Cao, trung tâm buôn bán quốc tế, phồn thịnh với thuyền máy nhiều tầng, súng đạn, hàng hóa, thực phẩm chất đống... Các tiểu thương người Hoa làm việc có quy củ, người bán rau cũng có cân, có sổ ghi chép.

Năm 1852, ông được khôi phục chức hàm Biên tu. Năm 1854, nhà vua cử ông làm Tri phủ Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, ông tổ chức và vận động dân chúng lập được hơn 50 kho nghĩa thương để phòng khi chẩn tế cho dân. Với việc làm đó, ông được cử giữ chức Viên ngoại lang ở bộ Lễ. Năm 1855, ông được điều sang công tác quân sự để giải quyết cuộc bạo động của người Thượng ở Đá Vách (thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi dẹp yên, ông được thăng chức Án sát sứ ở 2 tỉnh là Thanh Hóa và Hà Nội. Năm 1856, khi làm Án sát Thanh Hóa, ông hướng dẫn chế tạo một chiếc tàu thủy vận tải kiểu mới và một chiếc tàu bọc đồng, được nhà vua khen thưởng 4 lần. Năm 1857, ông dâng sớ xin thuê thuyền buôn tư nhân nhỏ và dễ xoay xở hơn tàu nhà nước nặng nề, cồng kềnh để vận chuyển và tuần phòng bờ biển.

Năm 1858, ông được chuyển về làm việc ở Nội các tại Huế. Năm 1859, ông xin về quê để dưỡng bệnh và cải táng mộ cha. Khi trở lại triều, ông dâng sớ xin đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, đồng thời xây dựng công sự bố phòng và luyện tập quân sự ở tỉnh nhà (Quảng Nam). Năm 1860, từ Nội các, ông được thăng chức Thị lang bộ Lại, rồi thăng làm Thự Tham tri của bộ này. Vào tháng 5-1863, ông được vua Tự Đức sung làm Khâm sai, hội với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để đàm phán với Pháp và Tây Ban Nha về Hòa ước Nhâm Tuất. Lần đi sứ này, ông không hoàn thành nhiệm vụ và bị giáng một cấp. Khi về nước, ngoài bản tường trình cốt để thuyết phục vua Tự Đức mau “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”, Phạm Phú Thứ còn dâng lên vua 2 tác phẩm do ông làm trong chuyến đi, là “Tây hành nhật ký” “Tây phù thi thảo”.

Tuy chuyến đi chỉ gần 9 tháng nhưng “Tây hành nhật ký” mang lại cái nhìn khá đầy đủ về cả địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, phong tục những vùng đất ông đã đi qua, như cảng Aden, Le Caire, cảng Alexandrie, Toulon, Marseille... Đúng với nghĩa nhật ký, tập văn ghi chép những việc xảy ra hằng ngày, từ thời điểm sứ bộ xuống tàu rời Huế ngày 21-6-1863, đến ngày tàu đưa sứ bộ trở lại Việt Nam về đến cửa Thuận An ngày 28-3-1864. Và chỉ 3 ngày sau, tập sách được trình lên vua Tự Đức, dòng cuối ghi: “Thần Phạm Phú Thứ phụng thảo”.

Lời bàn:

Phạm Phú Thứ là một danh sĩ, danh thần của triều đình nhà Nguyễn. Ông cùng với Nguyễn Trường Tộ là những người có quan điểm canh tân đất nước trong những năm cuối thế kỷ XIX. Năm 1865, ông đề ra 2 chủ trương nhằm bảo vệ biên giới phía tây Tổ quốc là đặt chức tuyên phủ sứ từ miền thượng du Bình Định cho đến Điện Biên Phủ, bên trong làm nhiệm vụ quân sự nhưng bên ngoài lo nhiệm vụ nông - thương nghiệp và lập chế độ thổ tù vùng thượng du để các dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ đất nước. Triều đình khen hay nhưng cuối cùng những sáng kiến này cũng không làm được. Không chỉ riêng về sáng kiến này, mà hầu hết những đề nghị của ông đều bị vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ bác bỏ.

Lịch sử đã chứng minh, tư tưởng duy tân từ Phạm Phú Thứ được nối dài đến phong trào Duy Tân của chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và rồi từ xứ Quảng lan tỏa khắp cả nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Một tài năng lớn, là người có nhiều đóng góp cho văn hóa dân tộc, lại là người dũng cảm can vua, khuyên vua đổi mới chính sách cai trị theo xu thế phát triển của thời đại nhưng tiếc thay, Phạm Phú Thứ đã thất bại trước phe thủ cựu và chủ hòa của triều đình lúc bấy giờ chỉ muốn sống cầu an và hưởng lợi. Tuy nhiên, tư tưởng canh tân đất nước của ông đã và đang được hậu thế phát huy trong công cuộc đổi mới và hội nhập thế giới hiện nay.

N.D

  • Từ khóa
109957

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu