Thứ 6, 19/04/2024 05:49:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:28, 27/08/2019 GMT+7

Ý kiến người dân

Người lao động bị thiệt kép

Thứ 3, 27/08/2019 | 08:28:00 120 lượt xem

BP - Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo, công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương. So với bộ luật hiện hành, dự thảo có nhiều điểm mới phù hợp tình hình thực tế của đất nước. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn những quy định “thoáng” hơn cho người sử dụng lao động nhưng lại “gây khó” cho người lao động. Chính điều bất cập này đã, đang đưa đến những ý kiến trái chiều và gây bức xúc cho người lao động.

Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 111 Bộ luật Lao động hiện hành có quy định về ngày nghỉ hằng năm như sau: Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần. Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ quy định này.

Bất cập thứ hai là tại Khoản 4, Điều 115 của dự thảo luật đã bổ sung quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Với quy định này có nghĩa ngày nghỉ hằng năm của người lao động do người sử dụng lao động, tức là chủ doanh nghiệp, quyết định chứ không phải nghỉ theo nhu cầu hay hoàn cảnh, điều kiện của người lao động. Nói cách khác, với quy định như nêu thì người sử dụng lao động được trao quyền ấn định ngày nghỉ cho người lao động, mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động. Đồng thời, tuy trong điều luật này có quy định người sử dụng lao động phải thông báo trước về việc ấn định ngày nghỉ cho người lao động nhưng lại không quy định thời hạn báo trước là mấy tháng hay bao nhiêu ngày trước thời hạn nghỉ.

Bất cập thứ ba, quy định tại Khoản 3, Điều 115 trong dự thảo là: Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. Như vậy, nếu trường hợp người lao động còn làm việc cho doanh nghiệp nhưng chưa nghỉ hết ngày nghỉ hằng năm của năm trước thì không được doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. Và quy định này đang gây bức xúc trong dư luận.

Bất cập thứ tư là tại Khoản 4, Điều 111 Bộ luật Lao động hiện hành có quy định: Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm. Quy định này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc ở nơi xa gia đình. Và thực tế cho thấy có không ít lao động trong các khu công nghiệp ở phía Nam có gia đình, người thân ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La..., mỗi lần về quê và nếu đi bằng ôtô thì thời gian đi và về đã mất 4 ngày. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ quy định này.

Vì thế, với những quy định bất cập nêu trên đã đưa người lao động vào thế bất lợi. Đặc biệt là những quy định về ngày nghỉ hằng năm trong dự thảo đã mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp nhưng lại mang đến thiệt kép cho người lao động. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có kiến nghị để ban soạn thảo khắc phục những bất cập.

Minh Tâm

  • Từ khóa
62721

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu