Thứ 4, 24/04/2024 09:57:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 16:43, 21/01/2017 GMT+7

Người lập dị

Thứ 7, 21/01/2017 | 16:43:00 249 lượt xem

Trong cái cơ quan hơn bốn chục con người này, gã cứ “một mình một cõi”. Gã đối xử với mọi người như nhau, dù là ông giám đốc hay anh bảo vệ cũng thế - bình thường, nhàn nhạt, không thân không sơ. Chính vì thế mà gã chẳng có “cạ nào” trong công việc cơ quan lẫn đời sống hằng ngày. Dẫu chuyên môn thuộc loại giỏi nhưng hễ bình bầu cái gì liên quan đến quyền lợi thì gã luôn lẹt đẹt phiếu thấp nhất. Nhiều lúc thấy gã phải chịu cảnh bất công, tôi cũng thấy tồi tội. Nhưng rồi lại nghĩ, chỉ một ý kiến ủng hộ của tôi cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Bỗng dưng đi ủng hộ một kẻ lập dị như gã không chừng lại rước họa vào thân. Vả lại gã cũng chẳng tỏ ra buồn phiền gì về sự thiệt thòi đó nên tôi răn mình không lên tiếng nữa. Nhưng trong thâm tâm, tôi cứ thấy tội nghiệp cho gã.

Cho đến đợt cơ quan tổ chức chuyến du lịch xuyên Việt mười hai ngày, tôi mới phát hiện thêm nhiều điều dị biệt ở gã. Những bức hình gã chụp (và cả những tấm người ta chụp gã) trên những chặng đường đã qua chỉ rặt một màu xám, tối. Khám phá sông nước miền Tây, thay vì chụp cảnh chợ xuồng tấp nập, một nét văn hóa đặc sắc của người miền Tây, ống kính máy hình của gã lại mải miết dõi theo những nhánh lục bình cô đơn, thiu thỉu buồn vật vờ theo dòng nước. Trong lúc bạn bè, đồng nghiệp chọn những hang động lung linh sắc màu ở động Phong Nha để ghi lại những bức hình thật đẹp, gã lại cố công đi tìm những hình thù kỳ quặc để chụp. Người ta tươi tắn cười nụ với hoa, gã lại tựa mình vào những gốc khô, cành gãy. Và khi nhìn thấy một nhành cây loi thoi, vặn vẹo gắn chặt vào một vách đá xám ngắt đang cố nhoi lên, gã mừng như được của!

Ngắm những bức ảnh của gã, tôi chợt nhớ một người bạn thuở nhỏ. Anh là chủ một cơ sở xay xát lúa đầu tiên trong huyện và ăn nên làm ra nhờ nghề xay lúa. Cái cách anh chọn nghề để kiếm tiền và niềm đam mê của anh dường như chẳng ăn nhập gì với nhau, cho dù anh vẫn kiếm được khá nhiều tiền. Từ ngày có của ăn của để, anh dành cho mình một khoảng thời gian và tiền bạc để thỏa mãn thú vui sưu tập đồ cổ. Không giống những người sưu tập khác, thỏa mãn thú vui, nhưng cũng rất quan tâm đến giá trị của từng món đồ để còn có thể “lấy nó nuôi nó”, những món đồ anh sưu tập toàn thứ méo mó, hình thù kỳ dị và không bao giờ là mục đích hướng tới của con người dù ở thời đại nào. Đó là những chiếc bình hoa méo mó hoặc nứt, vỡ; là chiếc ấm tích mà vòi của nó cao gấp rưỡi chiều cao thân bình; là những chồng bát, đĩa dính tịt vào nhau, là những đồng tiền han rỉ hoặc mòn nhẵn đến mức không còn đọc được những ký tự trên đó. Nhìn những thứ anh mang về và hằng ngày nâng niu, ngắm nghía, vợ anh thường càu nhàu, “người làm sao, của chiêm bao làm vậy”. Mỗi lần nghe chị nói thế, anh chỉ cười độ lượng và tỏ vẻ thông cảm với vợ.

Tôi không cảm nhận được vẻ đẹp của những nhánh lục bình thiu thỉu buồn trên những dòng sông hay một nhành cây nhỏ, loi thoi trên vách đá lạnh lẽo. Tôi cũng không tìm thấy vẻ đẹp ở những chiếc lu, chiếc bình méo miệng, những chồng bát, đĩa dính tịt vào nhau. Thế nhưng khi thấy chủ nhân của chúng nâng niu, trân trọng, tôi nhìn lại những món đồ trưng trong nhà mình và bỗng thấy chúng tròn trĩnh, lành lặn, cân đối đến mức khó chịu.

Bởi cuộc sống luôn có những méo, tròn, lành, vỡ. Và đằng sau những món đồ méo mó, rạn vỡ kia, hẳn anh bạn tôi đã cảm nhận được số phận, bàn tay, khối óc của những con người làm ra chúng, để cảm thông, chia sẻ. Và nhìn những tấm hình rặt một màu xám, tối, tôi chợt nghĩ hẳn gã lập dị kia đã tìm thấy vẻ đẹp từ nỗi buồn, cô đơn, gian khó. Bởi cuộc sống, đâu phải lúc nào cũng chỉ là những tròn trịa, lung linh!

L.T

  • Từ khóa
107804

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu