Thứ 4, 24/04/2024 05:39:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:05, 01/06/2018 GMT+7

Người phụ nữ đa tài

Thứ 6, 01/06/2018 | 15:05:00 1,465 lượt xem
BP - “21 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ, được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc S’tiêng, đồng thời làm dân vận khéo, bà Thị Mương (1966) là phụ nữ đa tài” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh An (Hớn Quản) Trần Thị Thiện Thu tự hào giới thiệu với chúng tôi về Chi hội trưởng phụ nữ ấp Bù Dinh.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”

Ở xã Thanh An từ già đến trẻ ai cũng biết gia đình Thị Mương và chồng là ông Điểu Nhinh. tham gia nhiều hoạt động xã hội: Chi hội trưởng phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Trưởng ấp (3 năm), người có uy tín trong cộng đồng. thuộc gia cảnh từng hộ ở ấp Bù Dinh. Căn nhà giản dị của Thị Mương treo trang trọng nhiều bằng khen, giấy khen; những kỷ vật trong cuộc đời làm công tác xã hội của bà.  

Ở tuổi 52, bà Thị Mương duyên dáng, đằm thắm trong trang phục truyền thống do bà dệt

Kể về cái duyên đến với công tác xã hội, nhớ lại: “Năm 1997 khi tỉnh Bình Phước mới tái lập, cán bộ xã, đặc biệt là Chi hội phụ nữ ấp vận động mời tôi làm Chi hội trưởng phụ nữ. Suy nghĩ ban đầu của tôi là muốn tham gia công tác xã hội để có điều kiện học hỏi nâng cao nhận thức, từ đó xây dựng gia đình và giúp đỡ bà con mình dần thoát nghèo nàn, lạc hậu”. 

Ấp Bù Dinh 15-20 năm trước có gần 90% hộ đói, nghèo và không có đường đi. Cán bộ xã, ấp đến nhà dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và vận động vào tổ chức hội phải luồn lách qua các vườn điều. “Vận động đồng bào sinh ít con chủ yếu thông qua kể chuyện cho bà con nghe, phân tích cho họ hiểu sinh đẻ kế hoạch có lợi ích như thế nào. Cứ vậy, ngày ngày tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thay đổi nhận thức của họ. Mùa mưa đi vận động bà con có lúc đi xa quá khi về con suối Bù Dinh nước dâng cao, tôi phải gọi chồng ra cõng qua suối. Làm công tác vận động phong trào tuy vất vả nhưng khi bà con hiểu và thực hiện hiệu quả tôi vui lắm... Tôi có điều kiện tham gia mọi hoạt động xã hội đều nhờ chồng động viên và làm hết công việc nương rẫy” - Thị Mương nói. 

Vận động bà con dân tộc S’tiêng, thường xuyên minh chứng việc thật, người thật để đồng bào noi theo. Gia đình chỉ sinh 2 con để có điều kiện làm kinh tế và nuôi dạy con tốt cũng là thực tế bà con nhìn thấy. Do hạn chế về văn hóa nên trước đây kế hoạch hóa gia đình chủ yếu là đình sản. Riêng ấp Bù Dinh đã có 50 chị triệt sản, đa phần các chị nay kinh tế gia đình khá giả và đều nhớ đến sự “giúp sức” của Thị Mương. 

Sinh con ít, chị em S’tiêng mạnh dạn tham gia tổ chức hội phụ nữ để được sinh hoạt, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình và làm kinh tế. Gia đình nào khó khăn đều được chi hội giúp đỡ, cả trong hòa giải mâu thuẫn vợ chồng. Đến nay, Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh có trên 140 hội viên, chiếm 65% tổng số phụ nữ từ 15 tuổi trở lên ở địa bàn ấp. Ngoài tập hợp chị em tham gia tổ chức hội, bà Thị Mương tiếp tục vận động hội viên xây dựng các chương trình hoạt động có ý nghĩa thiết thực do hội phụ nữ xã, huyện phát động như hũ gạo tình thương, nuôi heo đất giúp nhau trong cuộc sống.

Nhà Thị Mương có máy xay lúa. nói với chị em mỗi khi đến xay lúa và nấu cơm hằng ngày để lại một nắm gạo hỗ trợ người nghèo. Mỗi hũ gạo như vậy sẽ “khui” sau 2 tháng, được 50-60kg hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh còn xây dựng được nguồn vốn xoay vòng để hỗ trợ chị em tạo dựng kinh tế. “Góp gió thành bão”, trên cơ sở bình xét, lựa chọn những hộ đặc biệt khó khăn, Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh sẽ cho vay 50 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế.

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐA TÀI

Ở tuổi 52, bà Thị Mương vẫn dẻo dai, uyển chuyển với vũ điệu văn hóa văn nghệ truyền thống và sắc sảo trong nghề dệt thổ cẩm. Trang phục truyền thống do dệt đều phục vụ đội văn nghệ Bù Dinh với khoảng 30 người biểu diễn trong các dịp lễ, tết hay ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số huyện, tỉnh...

Năm 2017, bà Thị Mương vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin - tiến bước”. Ngày 3-6-2018, bà vinh dự cùng đoàn đại biểu của tỉnh sẽ tham dự hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác và được mời giao lưu tọa đàm tại thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018).

“Tôi thấy người dân đang dần ít múa, hát các bài truyền thống của dân tộc, nhất là lớp thanh niên. Vì đam mê múa hát và mong muốn duy trì nét đẹp văn hóa của đồng bào S’tiêng nên tôi tập hợp những người lớn tuổi, có đam mê rồi mua bộ cồng chiêng về tập. Còn các điệu múa thì ai nhớ hướng dẫn cho người quên. Kiên trì vận động và tổ chức sinh hoạt nên bây giờ đội văn nghệ của ấp Bù Dinh ngoài cồng, chiêng, còn múa được những điệu khó, đòi hỏi sự rèn luyện lâu dài như: múa mời rượu, múa quắp cành hoa, cò bắt thức ăn...” - bà Thị Mương chia sẻ.

21 năm làm cán bộ phong trào, Chi hội trưởng phụ nữ Thị Mương đã dần xây dựng được hình ảnh người phụ nữ S’tiêng năng động, sáng tạo, nhiệt huyết. Gia đình bà là điển hình làm kinh tế giỏi với 10 ha đất gồm 3 ha trồng lúa, còn lại là cao su, tiêu, điều kết hợp chăn nuôi trâu, dê. Kinh tế gia đình khá giả đã hỗ trợ đảng viên Thị Mương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình người S’tiêng ở ấp Bù Dinh. Bà Thị Mương là điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác.

P.- T.Nga

  • Từ khóa
2126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu