Thứ 4, 24/04/2024 12:57:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:02, 06/03/2014 GMT+7

Người thắp lửa vùng biên

Thứ 5, 06/03/2014 | 14:02:00 2,360 lượt xem

27 tuổi tham gia cách mạng, rồi được phân công sang Campuchia vận động Việt kiều yêu nước về lập căn cứ giải phóng Lộc Ninh; một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ xã Sóp, Đảng bộ Việt kiều yêu nước tại Kratíe - Campuchia; 44 năm tuổi đảng -  đó là những nét cơ bản về một con người cách mạng - cụ Nguyễn Đức Thành (1933), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Thành (Bù Đốp).

Đường biên thấm máu xương

 Ở tuổi 81, bước chân của cụ vẫn thoăn thoắt khi dẫn chúng tôi đến thăm cọc dấu mốc 65/7(2) nằm bên dòng sông Măng. Đưa bàn tay sạm nắng vốc nước từ dòng sông Măng rửa mặt, đôi mắt cụ Thành rực sáng khi kể chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới.

“Biên giới giống như cái nhà của mình. Mình sống trên biên giới, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Mình không giữ nhà mình thì ai giữ”.
Cụ Nguyễn Đức Thành

Từ những năm 1960, rời An Giang cụ lên vùng biên giới Bình Phước hoạt động cách mạng, được cử sang Kratíe - Campuchia vận động Việt kiều yêu nước thành lập liên xã giải phóng. Theo chỉ thị của trên, cụ đã phối hợp đứng ra thành lập chi bộ xã Sóp, thuộc Đảng bộ Việt kiều Việt Nam - Campuchia. Năm 1971, cụ cùng đồng đội về nước lập căn cứ, xây dựng lực lượng để chuẩn bị giải phóng Lộc Ninh. Đến thời kỳ Khơme Đỏ phản động, cụ cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 713 (nay là Đồn biên phòng Cầu Trắng) vận động thanh niên, du kích xây dựng tổ an ninh nhân dân chiến đấu bảo vệ biên giới.

“Để bảo vệ đường biên giới an toàn, biết bao mồ hôi, nước mắt và máu xương của đồng đội đã đổ xuống nơi đây” - cụ Thành nghẹn ngào. Chỉ tay về Đồn biên phòng Cầu Trắng, cụ kể: Năm 1976, bọn diệt chủng Pôn Pốt đánh phá đồn ác liệt. Đội dân quân du kích và phụ nữ địa phương đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đồn, bảo vệ biên giới an toàn. Ngay từ những ngày đầu tình quân - dân đã gắn bó máu thịt, cùng nhau chiến đấu bảo vệ biên giới. “Có sức mạnh của toàn dân nền biên phòng mới được giữ vững” - cụ Thành tự hào.


Những huân, huy chương, kỷ niệm chương là tài sản quý giá luôn được cụ Thành trân trọng, nâng niu

“Vác tù và” nơi biên giới

Hòa bình lập lại, cụ cùng đồng đội ở lại xây dựng mảnh đất biên giới Bình Phước. “Dù biên giới thiếu thốn trăm bề, song chúng tôi nghĩ, có bám đất mới giữ được đất. Giữ được đất biên giới nghĩa là giữ được nhà mình” - cụ Thành phấn khởi. Lập gia đình, vợ chồng rau cháo nuôi nhau. “Lần lượt 5 người con ra đời. Chúng trưởng thành và làm việc Nhà nước hết rồi. Tui có 7 đứa cháu và lên cố rồi. Tất cả con cháu dù làm xa nhưng đều về sinh sống quanh đây” - cụ Thành hạnh phúc nói.

 Nếu chỉ nhắc đến chuyện đánh giặc, hay chuyện hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất, chăn nuôi heo, trồng cao su thì có lẽ uy tín của cụ trong dân không lớn đến vậy. Không một đồng phụ cấp, chẳng ai giao nhiệm vụ, nhưng cụ như cột mốc “sống” giữa biên cương. Ngày nào cụ không nhìn được dòng sông Măng, không nhìn thấy người Việt canh tác trên đất biên giới là cụ không yên tâm. Đến khi có cọc dấu, cụ lại xem nó như con của mình, chăm chút, gìn giữ cẩn thận. “Giờ già rồi, không thể ra thăm cái cọc dấu và dòng sông thường xuyên được, nhớ lắm” - cụ Thành cười.

Mỗi lần ra sông Măng cụ đều ngầm quan sát hễ có người lạ xâm nhập, buôn bán, vận chuyển hàng trái phép là cụ báo ngay bộ đội biên phòng. Cụ Thành lý giải: “Nhân dân có nghìn tay và nghìn mắt, quân đã bảo vệ dân thì dân cũng nên làm những việc có ích cho nước nhà”.

Biên giới yên, nhà mới ấm

Trong dân và cả chính quyền ai cũng yêu mến cụ. Ở khu dân cư, hễ nhà nào có chuyện, dù việc công hay tư, lớn hay nhỏ đều hỏi ý kiến và được cụ chỉ bảo tận tình, giải quyết êm ấm. Khi được hỏi về bí quyết, cụ Thành cười tươi: “Bí quyết nằm ở cái tâm. Mình sống chuẩn mực, đạo đức thì con cháu, nhân dân tin tưởng, noi theo”. Từ uy tín của mình, cụ lại tích cực vận động con cháu, xóm giềng cùng nhau bảo vệ và xây dựng đường biên giới ổn định, yên bình. Với cụ, biên giới có yên thì nhà nhà mới ấm. 

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ thuộc ấp Tân Hợi, xã Tân Thành, chúng tôi ngưỡng mộ bởi rất nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương,  bằng khen, giấy khen của cụ xếp gọn trong tủ kính và treo trên tường nhà. Tháng 12-2013, cụ là một trong 3 đại biểu đại diện cho tỉnh tham dự hội nghị người cao tuổi tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo do Hội Người cao tuổi và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Nói chuyện với nhân dân trong ấp, cụ khẳng định: “Biên giới muốn bình yên và phát triển cần có sự chung tay của tất cả chúng ta”.   

Cụ Thành đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, 2 huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Kỷ niệm chương của Ban Dân vận Trung ương, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Người cao tuổi, Kỷ niệm chương của Bộ Tư lệnh Biên phòng, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Cựu chiến binh; 7 bằng khen của UBND tỉnh và hàng chục bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng.

       Lâm Anh

  • Từ khóa
10884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu