Thứ 6, 19/04/2024 23:27:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:07, 15/11/2018 GMT+7

Người thầy nặng lòng với học sinh nghèo

Thứ 5, 15/11/2018 | 08:07:00 1,423 lượt xem
BP - Sinh ra trong gia đình khó khăn, có truyền thống hiếu học ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nên khi trở thành giáo viên, thầy luôn quan tâm, chăm lo học sinh nghèo hiếu học. Từ khi được đề bạt làm hiệu trưởng năm học 2008-2009, đến nay, ngoài vận động mỗi năm hàng trăm phần quà, suất học bổng, thầy còn kêu gọi xây dựng bếp cơm trưa phục vụ hàng chục học sinh nghèo có điều kiện vươn lên học tập tốt. Thầy là Phan Công Hiếu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng, xã Đăng Hà (Bù Đăng), nhiều năm liền là điển hình học và làm theo gương Bác.

Ngôi trường vùng sâu khó khăn

Thầy Phan Công Hiếu cho biết: Trường tiểu học Lý Tự Trọng có 186 học sinh/9 lớp, trong đó gần 80% học sinh dân tộc thiểu số. Điều kiện kinh tế - xã hội ở Đăng Hà chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, trên 90% người dân làm nông nghiệp. Trong khi nhiều năm liên tục mất mùa khiến cuộc sống người dân nơi đây càng thêm khó. Theo thống kê, trường có trên 50% học sinh là con em hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Nhiều em ở xa trường từ 5-7km, đường đi lầy lội. Những năm qua, trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nếu để các em về nhà ăn cơm trưa thì không kịp giờ vào lớp, không đảm bảo sức khỏe để học tập. “Trong điều kiện khó khăn như vậy, nếu không có biện pháp giúp đỡ các em thì thật khó để nâng cao chất lượng, duy trì sĩ số” - thầy Hiếu chia sẻ.

Những học sinh nghèo, khó khăn được ăn cơm trưa miễn phí tại trường

Với kinh nghiệm vận động xây dựng bếp cơm tình thương cho học sinh nghèo Trường tiểu học Đăng Hà từ năm học 2008-2009 đến 2016-2017 nên khi được điều động về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng từ năm học 2017-2018, thầy Hiếu kết nối những người có uy tín, cơ quan báo chí để vận động xây dựng tại trường bếp cơm trưa miễn phí cho các em. Từ đầu năm học 2018-2019, khi triển khai xây dựng bếp cơm, trường được Chi bộ Khối nội dung, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước ủng hộ 11 triệu đồng, trong đó 9 triệu đồng mua gạo, số còn lại đỡ đầu 1 học sinh đặc biệt khó khăn; Viettel Bình Phước hỗ trợ 3 triệu đồng cùng 200 chiếc cặp; Công ty cổ phần nước - môi trường Bình Dương tặng 300 bộ đồ thể dục, xây tặng nhà ăn 100m2 với kinh phí 150 triệu đồng; nhóm thiện nguyện TP. Hồ Chí Minh nhận hỗ trợ gạo thường xuyên. Ngoài ra, các vật dụng phục vụ bếp ăn như bếp gas, nồi cơm điện, gia phụ phẩm... đều được các tổ chức, cá nhân mua tặng.

Mong có thêm suất cơm trưa cho học sinh nghèo

Đến nay, bếp cơm trưa phục vụ miễn phí cho 31 học sinh nghèo, khó khăn của trường với mức bình quân 10.000 đồng/suất. 11 giờ trưa, sau khi kết thúc buổi học sáng, những em được ăn cơm trưa miễn phí tập trung về nhà bếp nhưng ngoài sân trường và các phòng học vẫn còn hàng chục học sinh ở lại không về. Tôi hỏi thầy Hiếu tại sao các em không về ăn cơm trưa mà ở lại? Thầy giải thích, 31 học sinh được ăn cơm trưa thuộc diện đặc biệt khó khăn như nhà ở xa không có phương tiện đi lại, không có người thân đưa rước hoặc mồ côi cha mẹ. Nhu cầu ăn cơm trưa của học sinh tại trường gần như 100%, trong khi nguồn hỗ trợ bếp ăn dù được các tổ chức, cá nhân quan tâm nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn thiếu rất nhiều. Vì thế, những học sinh không được suất cơm trưa mà ở lại trường là chuyện bình thường. Những em này đã được cha mẹ nắm cơm, đùm bánh sẵn hoặc có em đưa mì gói lên trường xin nước sôi pha. “Để giúp nhiều học sinh nghèo có thêm suất cơm trưa, thông qua Báo Bình Phước nhà trường mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh” - thầy Hiếu nói.

Để duy trì hoạt động bếp cơm trưa và hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, từ đầu năm học, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký 1 việc làm cụ thể, thiết thực tùy theo nhiệm vụ, khả năng của mình. Tổ văn phòng phối hợp phụ huynh đăng ký nấu ăn phục vụ bếp cơm trưa 1 lần/tuần/người; mỗi giáo viên đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ từ 1-2 học sinh nghèo. Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tùy vào khả năng, mối quan hệ để vận động, kêu gọi người thân, bạn bè cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ. Ngoài bếp cơm tình thương, từ năm học 2017-2018 đến nay, nhà trường vận động hỗ trợ gạo cho 16 học sinh khó khăn, mỗi em 10kg/tháng; dịp hè vừa qua, trường vận động xây dựng 1 nhà tình thương tặng học sinh nghèo khó khăn về nhà ở trị giá 65 triệu đồng; đầu năm học 2018-2019, vận động tặng 7 xe đạp cho học sinh ở xa trường và nhiều phần quà trị giá khác. Để xây dựng ngôi trường xanh, sạch, đẹp, trong năm học 2017-2018 và dịp hè vừa qua, trường đã vận động kinh phí, đồng thời huy động tập thể cán bộ, giáo viên làm cổng trường và đổ 100m đường bê tông từ cổng vào với tổng trị giá 110 triệu đồng...

Với những việc làm ý nghĩa, tâm huyết của các thầy cô, học sinh không những không bỏ học mà rất thích đến trường mỗi ngày; chất lượng giáo dục và các phong trào thi đua khác của trường được ngành chức năng đánh giá cao. Trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, là đơn vị điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Chi bộ trường đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Luôn nặng lòng với học sinh nghèo, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Phan Công Hiếu nhiều năm liền là điển hình trong học và làm theo Bác, được xã Đăng Hà và huyện Bù Đăng tuyên dương, khen thưởng.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
2185

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu