Thứ 3, 23/04/2024 16:02:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:51, 09/04/2014 GMT+7

Người thương binh giàu lòng nhân ái

Thứ 4, 09/04/2014 | 07:51:00 2,418 lượt xem

Người trong vùng thường gọi ông với cái tên thân mật “Ba Thám từ thiện”. Ông không chỉ là tấm gương sáng về lao động sản xuất mà còn được mọi người quý trọng vì tấm lòng từ thiện. Ông là Đỗ Thám (74 tuổi) ở ấp Quản Lợi A, xã Tân Lợi (Hớn Quản).

Tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến thăm trang trại của ông Đỗ Thám với gần 46 ha chuyên trồng cao su tại ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng. Trang trại của ông đã tạo việc làm cho 19 lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Hòa bình lập lại, người thương binh (hạng 4/4) Đỗ Thám rời quân ngũ, xây dựng cuộc sống mới. Từ năm 1976, ông về công tác tại Trung tâm Y tế Công ty cao su Bình Long hơn 14 năm thì nghỉ hưu. Với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông bắt tay vào làm kinh tế. Từng làm quản lý nên ông Thám có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, sắp xếp lao động hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, ông ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số ngay tại địa bàn để tạo sự gắn bó với đồng bào. Hiện trang trại của ông có 13 công nhân người dân tộc thiểu số.


Căn nhà đại đoàn kết do gia đình ông Đỗ Thám (phải) hỗ trợ hộ anh Điểu Thìn

Với những hoàn cảnh khó khăn, ông ủng hộ tiền xây nhà tình thương, hoặc giúp trang trải cuộc sống. Anh Hà Văn Đào, dân tộc Thái, từ tỉnh Hòa Bình vào làm bảo vệ trang trại, cho biết: Ở quê, gia đình nghèo, không nghề nghiệp, không ruộng đất nên vợ chồng tôi vào làm ở trang trại này được gần 9 năm nay với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Các chế độ lương, thưởng, thuốc khi đau ốm... được bảo đảm nên tôi gắn bó lâu dài với công việc.

Ông Đỗ Thám cho biết: Do vườn cây đứng trên địa bàn vùng sâu, xa nên tôi tạo việc làm cho người dân trong vùng. Khi thấy lợi ích trực tiếp thì người dân sẽ phối hợp giữ gìn vườn cây, sản phẩm cho mình. Tay nghề kỹ thuật là yếu tố quan trọng, nhưng tôi cũng cần những người làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình và thật sự gắn bó với công việc.

Tích cực làm việc thiện

“Học Bác thì dễ nhưng làm theo Bác mới khó, không phải ai cũng thấm nhuần ý nghĩa từ việc làm nhỏ nhất của Người. Nhìn vào hành động nhường cơm sẻ áo cho đồng bào, đồng chí của Người, mỗi chúng ta phải tự soi mình để sống có ý nghĩa hơn”, đó là lời tâm sự của ông Ba Thám. Theo ông, làm việc thiện không cần phải đến vùng sâu, xa mà trước hết mỗi người có điều kiện nên có trách nhiệm giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, hoàn cảnh nghèo khó ở nơi cư trú. Vì thế, học sinh nghèo học giỏi, vượt khó đến trường, người bệnh tật hay các hộ nghèo đông con thất học đều được ông tặng quà. Có hai cựu chiến binh gặp khó khăn về nhà ở, ông đã ủng hộ 15 triệu đồng/hộ để xây nhà nghĩa tình đồng đội. Đến nay, gia đình ông Thám đã hỗ trợ xây dựng 8 căn nhà trị giá gần 150 triệu đồng. Hai năm gần đây, gia đình ông đều tặng quà hộ nghèo dịp tết Nguyên đán, trung bình 80 phần quà với số tiền 24 triệu đồng/năm. Năm 2014, ông ủng hộ quỹ Vì người nghèo huyện Hớn Quản 50 triệu đồng.

Gia đình anh Điểu Thìn ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng (Hớn Quản) không đất sản xuất. Hằng ngày anh Điểu Thìn đi làm phụ hồ. Do gặp tai nạn lao động, anh bị gãy chân phải nhập viện nên cuộc sống gia đình chồng chất khó khăn. Ông Đỗ Thám đã hỗ trợ xây căn nhà tình thương cho gia đình anh, trị giá 67 triệu đồng cùng một số vật dụng sinh hoạt khác... Ông còn tạo điều kiện cho anh Điểu Thìn làm công nhân trong trang trại của mình.

 Ông Đỗ Thám bộc bạch: “Tham gia hoạt động từ thiện xã hội đều xuất phát từ cái tâm muốn giúp người nghèo khó, đồng thời để con cháu sống có nhân đức, trách nhiệm với cộng đồng xã hội”. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã trở thành truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người dân Việt Nam. Sự sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái như ông Đỗ Thám đã giúp không ít mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.  

  H.Châu - L.Khương

 

 

  • Từ khóa
1783

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu