Thứ 6, 19/04/2024 17:12:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:22, 07/08/2018 GMT+7

Người trồng mì điêu đứng vì bệnh lạ

Thứ 3, 07/08/2018 | 06:22:00 513 lượt xem
BP - Mì là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, giá bán năm 2017 cao nên năm nay người dân đổ xô tìm vận may. Thế nhưng chưa biết có được mùa được giá hay không, hiện bệnh lạ trên cây mì đang khiến nông dân trở tay không kịp!

Nguy cơ thua lỗ

Thấy giá mì tăng cao so với những năm trước, hộ bà Thị Kim Thủy ở ấp 2, xã An Khương (Hớn Quản), chuyển đổi từ trồng bắp, củ đậu sang trồng mì với mong muốn có thu nhập khá hơn. Thế nhưng hơn 1 ha mì của gia đình bà hiện đối mặt với bệnh lạ: lá xoắn, có nhiều đốm vàng, cây phát triển chậm, ít củ... Điều đáng nói là bệnh này lây lan với tốc độ rất nhanh, có thể gây thiệt hại nặng khi mà hầu hết các vườn mì của những hộ trong khu vực đều gặp cảnh tương tự. Cây mì nhiễm bệnh, phát triển không bình thường đối với nông dân ở đây được xem là chuyện lạ chưa từng có.

Ông Nguyễn Văn Bích nhổ lên so sánh cây mì nhiễm bệnh (trái) với cây mì phát triển bình thường trồng cùng thời điểm (ảnh lớn). Hơn 1 ha mì của bà Thị Kim Thủy bị bệnh khảm lá, khiến lá nhăn nheo, xoắn lại từ gốc đến ngọn (ảnh nhỏ)

Những hộ trồng mì ở An Khương cho biết đây là bệnh khảm lá trên cây mì mà nông dân các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và khu vực biên giới Campuchia đã gặp phải. Ông Nguyễn Văn Bích ở thôn 4, xã Long Hà (Phú Riềng) tận dụng đất dự án quy hoạch Nhà máy xi măng Bình Phước bỏ hoang tại ấp 2 và ấp 8, xã An Khương trồng 160 ha mì. Ông Bích cho biết: Sau khi xuống giống được 1 tháng thì phát hiện bệnh với các đốm vàng xen lẫn phần xanh trên phiến lá. Khi nhiễm nặng đốm vàng lan rộng, đồng thời lá bị biến dạng, nhăn nheo và xoắn lại. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, tạo củ, làm giảm năng suất. Tác nhân gây bệnh khảm lá trên cây mì là bọ phấn trắng. Ban đầu chỉ một vài cây, sau lan rộng ra khắp vườn với tốc độ chóng mặt, nhà nông không kịp trở tay.

Cùng cảnh ngộ với ông Bích, nhiều hộ trồng mì cũng đang “ngồi trên đống lửa” chạy hỏi khắp nơi cách chữa bệnh cho cây mì hòng cứu vớt phần nào. Nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh khảm lá. Lý giải nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, nhà nông Trần Ngọc Ký, trú ấp 2, xã An Khương nói: “Nhiều năm trồng mì ở khu này chưa vườn nào bị bệnh như vậy. Chắc do năm ngoái người trồng mì trúng mùa, được giá (dao động từ 2.700-3.700 đồng/kg) nên năm nay dân đổ xô trồng khiến nguồn giống tại chỗ không đủ cung ứng, nhiều người phải mua hom giống từ các địa phương khác, chủ yếu từ Tây Ninh - nơi được phát hiện bệnh trước đó, nên mới bị bệnh lạ này”.

Việc người dân đua nhau trồng mì không chỉ khiến giống mì tại chỗ trở nên khan hiếm, các thương lái nhập từ nơi khác, không kiểm soát được dịch bệnh mà vô tình đẩy giá giống mì tăng cao. Mọi năm giá giống mì tốt chỉ dao động từ 20-30 ngàn đồng/bó, nhưng năm nay tăng lên từ 50-70 ngàn đồng/bó. Do đó chi phí đầu tư mùa vụ năm nay tăng cao, trong khi năng suất giảm do dịch bệnh khảm lá, cộng thêm chi phí phòng, trị bệnh nên nhiều khả năng nhà nông không có lãi.

Để chứng minh bệnh khảm lá ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây mì, ông Nguyễn Văn Bích đã nhổ 2 gốc mì được trồng cùng thời điểm, một gốc nhiễm bệnh và một gốc không nhiễm bệnh. Gốc nhiễm bệnh khảm lá củ nhỏ và ít hơn rất nhiều so với gốc không nhiễm bệnh. Do trồng với quy mô lớn nên ông luôn chủ động phòng, trị bệnh. Vì thế, vườn nhà ông bị bệnh nhẹ hơn so với các hộ khác. Thế nhưng, theo ước tính năng suất vườn nhà ông có thể giảm từ 35-40% so với vụ mùa 2017, từ khoảng 37 tấn/ha còn khoảng 23 tấn/ha.

Bệnh chưa có thuốc đặc trị

Nhìn rẫy mì hơn 1 ha èo uột, lá nhăn nheo, bà Thị Kim Thủy xót xa: “Trồng gần 4 tháng rồi mà cây chỉ cao ngang đầu gối. Người ta nói bệnh này do rầy trắng, mà nhà tôi cũng đã xịt trừ rầy rồi vẫn không đỡ. Năm nay lại lỗ vốn”.

Gần 20 năm sống bằng nghề trồng mì, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải loại bệnh này. Nhiều người nói tôi phải tiêu hủy cây nhiễm bệnh để tránh lây lan. Nhưng đầu tư gần 25 triệu đồng/ha, toàn bộ 160 ha đều bị nhiễm bệnh rải rác nên tôi chần chừ không tiêu hủy vì xót của.

Ông Nguyễn Văn Bích, thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bích cho biết hiện nay bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị, thế nhưng để giữ được năng suất cao như vậy là nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người dân vùng trồng mì bị bệnh khảm lá ở Tây Ninh. Ông chia sẻ: “Bọ phấn trắng là tác nhân gây ra bệnh. Loài bọ này kháng thuốc cao. Để phòng trị bệnh hiệu quả nên xịt thuốc trừ rầy có tính độc cao và thay đổi thuốc liên tục để xua đuổi nó, hạn chế lây lan bệnh. Đồng thời, nên phun nhắc lại cách từ 15-20 ngày, kết hợp với thuốc siêu khuẩn, phân bón lá để lá nhiễm bệnh sớm duỗi thẳng lại”.

Ghi nhận ban đầu cho thấy, chỉ tính riêng khu vực ấp 2, ấp 8, xã An Khương, huyện Hớn Quản và ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã có khoảng 500 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Nhiều hộ vẫn chưa tìm được cách phòng, trị hiệu quả bệnh này, khiến toàn bộ vườn mì bị xoắn lá từ gốc đến ngọn, còi cọc, chậm phát triển.

Bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị, đang khiến nhiều hộ dân trồng mì ở đây lo lắng, bất an. Điêu đứng vì dịch bệnh khảm lá hoành hành, nhiều nông dân vẫn đang lưỡng lự chưa biết ứng xử thế nào. Nên nhổ bỏ, tiêu hủy theo khuyến cáo hay tiếp tục phòng, trị bệnh theo kinh nghiệm truyền tai?

Tỷ Huỳnh

  • Từ khóa
42894

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu