Thứ 5, 28/03/2024 15:23:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:50, 21/10/2018 GMT+7

Người xưa trị quan tham

Chủ nhật, 21/10/2018 | 13:50:00 323 lượt xem

BP - Trịnh Khả là người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Vì có công, ông được mang quốc tính nhà Lê, vì thế sử vẫn chép ông là Lê Khả. Năm 16 tuổi, viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, bèn dẫn về nuôi làm nô, ít lâu sau, y xem tướng bảo rằng: Đứa bé này hình rồng mắt hổ, khỏe nhất 3 quân, ngày sau tất cầm cờ mao tiết. Chợt lại bảo: Ngày sau đuổi chúng ta tất là mày, phải giết ngay đi. Trịnh Khả trốn được, sau đó có mặt trong Hội thề Lũng Nhai và trở thành một trong những vị tướng của Lam Sơn, lập được nhiều công lao.

Sinh thời, ông rất ghét bọn tham quan ô lại và bọn xu nịnh. Sách “Đại Việt thông sử” viết: Viên chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết. Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác, án làm xong sắp đem chém thì tả hữu xin tha, nhưng ông nói: Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện, sao tha được. Để kẻ bị tội tâm phục khẩu phục, ông cho tra xét lại và cuối cùng vẫn xử tội chết, điều đó khiến các quan vừa nể vừa sợ.

Minh họa: S.H

Phan Thiên Tước dâng sớ hạch tội một đại thần của triều đình nhà Lê là Tiền quân Tổng quản Lê Thụ, với 2 tội danh: Đang có quốc tang mà dám cưới thiếp và làm giàu trái phép bằng cách sai người nhà buôn bán vụng trộm với người nước ngoài, rồi xây dựng nhà cao cửa rộng. Vua Lê Thái Tông ngạc nhiên vì ông nghe nhiều tin đồn là không ít mệnh quan đua nhau sai quân lính dưới quyền mình xây dựng nhà cửa, lâu đài... mà không thấy Thiên Tước đả động đến. Thái Tông bèn hỏi: Sao khanh chỉ tâu có một mình Thụ? Thế còn các đại thần khác không ai làm như Thụ hay sao? Thiên Tước biện minh: Tâu bệ hạ, đô đốc, tư khấu, tư mã, đều là bậc đại thần cố mệnh cả, cho nên cần phải giữ mình ngay thẳng để còn dẫn dắt mấy trăm quan khác. Các vị ấy làm việc gì nhất thiết đều phải theo phép hay tâu cáo trước rồi mới được làm. Thần thấy Thụ đã làm những điều trái phép nên không thể không nói. Vả lại Thụ có mấy việc, nên tâu gồm một thể. Nay bệ hạ chỉ giáo như vậy, thần xin vâng mệnh đi khám xét nhà cửa của tất cả đại thần khác.

Sau một thời gian điều tra, Thiên Tước dâng sớ cả thảy 20 người đã làm nhà mới.

Vào đời vua Lê Nhân Tông, Lê Nhân Lập là con của Thiếu úy Lê Lan cùng với bọn người xấu trong kinh thành là Nguyễn Thọ Vực họp nhau đánh bạc, trộm cướp. Tệ hại hơn, Lập lợi dụng quyền lực của cha để nhũng nhiễu, nhận hối lộ của kẻ cần cầu cạnh cha mình. Trước những việc làm bậy, triều đình đã sai quân đến tận nhà Vực, dụ Lập và đồng bọn ra ngoài rồi thẳng tay chém đầu.

Vua Lê Thánh Tông là người kiên quyết chống tham nhũng nhưng tùy theo tội mà xử nặng nhẹ, song có khi tội nặng nhưng ông vẫn tha mạng sống để họ hối lỗi từ đó mà phụng sự triều đình tốt hơn. Thượng thư các bộ nếu có hành vi tham nhũng thì cứ chiếu theo luật mà định tội: Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm công cán công bằng, đáng phải luận bọn này vào tội tử hình. Có kẻ phạm tội bị buộc vào tội hình và có người đứng ra xin cho nộp tiền chuộc nhưng Lê Thánh Tông bảo bầy tôi trong triều rằng, xin cho người mắc tội được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi, thế là làm trái cả phép tắc của tổ tông.

Một lần, con trai của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt cưỡi ngựa phi thẳng vào chỗ đông người, đã gây ra tai nạn mà còn bỏ mặc họ. Khi biết là con của Lê Thiệt, Thánh Tông đã sai lính nọc ra đánh 50 roi và cách chức ông bố. Lê Thánh Tông cũng đã cấm vợ các quan lớn không được đi lại, chơi bời với nhau vì sợ họ cấu kết rồi đi cửa hậu; con cái các quan lớn cũng không được lợi dụng chức quyền của cha mình để làm các việc phi pháp.

Lời bàn:

Tệ tham nhũng là căn bệnh kinh niên từ bao đời của giới quan lại, hào lý ngày xưa và những người có chức, có quyền thời nay. Tệ nạn này ở thời nào và ở bất cứ quốc gia nào cũng có, với mức độ ít hoặc nhiều. Với tham nhũng, nói rõ hơn là bao gồm những hành vi tham lam, nhũng nhiễu và nói cách khác thì đó là việc gây khó dễ, quan liêu, hách dịch với mục đích để tham ô. Hành vi tham nhũng được biểu hiện dưới hai hình thức là ăn bớt, biển thủ của công và nhận hối lộ của người dân. Tham nhũng là cái ung nhọt của cơ thể, nó làm mất lẽ công bằng, băng hoại giá trị đạo đức truyền thống và đặc biệt là ngăn cản sự phát triển của đất nước.

Người xưa phân biệt 2 loại quan là quan thanh và quan tham. Quan thanh thì nghèo mà thanh thản, còn quan tham giàu có, sung túc nhưng lại rất dung tục. Vì thế, các vương triều luôn đề ra những biện pháp để ngăn ngừa và xử lý những trường hợp vi phạm. Trị quan tham theo luật lệ vua ban hành không chỉ giữ nghiêm phép nước, mà còn là lời cảnh báo cho các quan đã trót nhúng chàm nhưng chưa bị phát hiện, đồng thời để các quan biết giữ mình. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đã chứng minh rằng, giải pháp chống tham nhũng hiệu quả nhất đối với bất cứ xã hội nào, đó là ở đâu có vua sáng thì ắt có tôi hiền. Nói cách khác, nơi nào mà “thượng bất chính”, thì “hạ ắt sẽ tắc loạn”. Mong hậu thế đừng ai quên bài học chí lý này!

N.D

  • Từ khóa
110106

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu