Thứ 3, 16/04/2024 16:51:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:24, 01/07/2018 GMT+7

Người xưa xử trộm

Chủ nhật, 01/07/2018 | 09:24:00 2,391 lượt xem

BP - Các triều đại phong kiến ở nước ta đều xem trộm cắp là trọng tội, chỉ sau tội phản quốc, giết người, hiếp dâm... nên bị phạt rất nặng, phạt xăm chữ lên người, chặt ngón tay, lưu đày, xử chém. Năm 1042, Lý Thái Tông cho soạn Bộ Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên, quy định: Kẻ nào ăn trộm trâu của công thì bị xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con. Kẻ nào ăn trộm lúa giống, đồ vật, nếu lấy được rồi thì phạt 100 trượng, chưa lấy được mà chống trả đánh người thành thương thì bị tội lưu (phạt đi đày).

Vào thời nhà Trần trị vì, chế tài hình sự nghiêm khắc hơn nhiều so với thời kỳ nhà Lý. Tiến sĩ Trần Quang Tiệp trong “Lịch sử Luật Hình sự Việt Nam” cho biết, ở giai đoạn lịch sử này, người ăn trộm với mức độ nhẹ thì bị chặt ngón tay, nặng có thể tới mức cho voi giày chết. Đến thời hậu Lê (sơ kỳ), Bộ luật Hồng Đức có nhiều điều luật đề cập đến việc răn đe hành vi trộm cắp tài sản. Trong Chương “Đạo tặc” của Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản được quy định sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người như các tội mưu làm phản, tội mưu đại nghịch, tội phản nước theo giặc, tội giết người, tội làm người bị thương, tội hiếp dâm. Như vậy, theo cách sắp xếp này tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản chỉ thấp hơn các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người. Nếu phạm nhân vi phạm ở mức độ phải chém đầu thì phương tiện giết người hoặc tử hình, nó có thể được thực hiện bằng đao, rìu, kiếm, dao, dây, hoặc bằng máy chém. Đến giờ hành hình, đao phủ sẽ dùng đao hoặc máy chém để thi hành án với tử tù.

Minh họa: S.H

Trong các tội trộm cắp tài sản thì hành vi trộm cắp tài sản của vua có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao nhất, người phạm các tội này bị xử chém. Đối với các tội trộm cắp tài sản khác, người phạm tội chỉ bị phạt khổ sai hoặc lưu đày. Nếu bị lưu đày, tùy thuộc mức độ nặng nhẹ của tội phạm, phạt đi đày chia làm 3 bậc: Đày đi cận châu (châu gần) ở Nghệ An, phủ Hà Hoa, Vinh; đày đi ngoại châu (châu ngoài) ở 2 xứ Bố Chính (tức Quảng Bình) và đày đi viễn châu (châu xa) ở các xứ như Tân Bình (thuộc Thuận Hóa). Các hình phạt phụ đối với tội lưu đày thường là phạt đánh bằng gậy, thích chữ vào mặt, đeo xiềng và bắt làm việc nặng.

Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long giao Tổng tài Nguyễn Văn Thành soạn thảo bộ luật có tên Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long). Bộ luật này có nhiều quy định về các tội xâm phạm sở hữu như ăn cắp đồ vua dùng trong đại tế thần, ăn cắp ấn tín, ăn cắp tài vật trong nội phủ, ăn trộm quân khí, ăn trộm lúa thóc ngoài đồng... Hoàng Việt luật lệ quy định: Phàm đã tiến hành trộm cắp nhưng không lấy được đồ thì bị phạt xuy 50 roi, miễn xăm chữ. Trong trường hợp lấy được đồ, không kể là chia tang vật hay không, thủ phạm và người liên quan bị xăm hai chữ “ăn trộm” ở tay, mỗi chữ to 5 phân, nét to 5 ly.

Quy định chung là vậy nhưng thực tế thì muôn màu muôn vẻ. Trong châu bản triều Nguyễn còn lưu một số văn bản về việc xử tội trộm cắp lúc bấy giờ. Theo đó, “phàm những kẻ sờ mó trộm cắp, bất luận là tội phạm lần đầu hay tái phạm, đều lập tức thích chữ gông lại, cho làm khổ sai, sau mãn hạn 3 năm thì giao cho dân bảo lãnh”. Kẻ trộm cắp tái phạm nhiều lần thì bị xử đánh gậy, đi đày và thích chữ ở cánh tay phải, nhưng cũng có kẻ bị xử tội chém đầu. Nếu đạo chích tái phạm tới 10 lần bị xử giảo giam hậu (giam chờ ngày treo cổ). Kẻ đã bị xử phạt đánh gậy, thích chữ vào mặt, sung làm lính ở phủ nhưng không biết hối cải, bỏ trốn hàng ngũ thì bị xử trảm ngay. Tuy nhiên, đạo chích trong lúc bỏ trốn mà chịu lao động, không tái phạm được xem xét giảm nhẹ tội.

Lời bàn:

Ngoài các đặc điểm chung của luật hình sự phong kiến là hình phạt được áp dụng không bình đẳng đối với người phạm tội có thân phận khác nhau, quan lại hoặc họ hàng thân thích của nhà vua được giảm hoặc miễn hình phạt,... thì các quy định về hình phạt và biện pháp tư pháp đối với người phạm tội trộm cắp tài sản còn có một số đặc điểm riêng. Đó là, hình phạt đối với người phạm tội trộm cắp tài sản của nhà vua luôn là tử hình. Bên cạnh các hình phạt chính trong ngũ hình, Bộ luật Hồng Đức có quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Người phạm tội trộm cắp tài sản phải bồi thường thiệt hại cho người chủ sở hữu với các mức cụ thể khác nhau. Người phạm tội là phụ nữ được giảm hình phạt một bậc. Người cáo giác hành vi chứa chấp người phạm tội trộm cắp tài sản trong các trang trại được thưởng là một phần mười số ruộng đất trang trại bị tịch thu...

Trộm cắp là tệ nạn xã hội và ở đâu, thời nào cũng có. Vấn đề đặt ra ở đây là làm gì để ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn này? Ai cũng biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của tội phạm trộm cắp đó là sự mất cảnh giác của người dân, sự chủ quan, lơ là của người quản lý, bảo vệ tài sản trong các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ gia đình như: Không khóa cổ, khóa càng xe máy, để phương tiện ở những nơi không có người trông giữ; cửa nhà, cửa tum khóa bằng các loại khóa không an toàn, thậm chí quên không khóa cửa nhà, cửa phòng làm việc; hoặc khóa cửa phòng, cửa nhà nhưng không khóa cửa sổ; các cơ quan, doanh nghiệp, trường học bảo vệ lỏng lẻo; hệ thống chiếu sáng, tường rào không đảm bảo, không thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản, nhất là vào ban đêm, ngoài giờ hành chính hay các dịp nghỉ lễ... Nếu tình trạng nêu trên được khắc phục thì chắc chắn nạn trộm cắp sẽ không xảy ra.

N.D

  • Từ khóa
110058

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu