Thứ 7, 20/04/2024 12:05:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:08, 15/08/2018 GMT+7

Nguy hiểm khi xây nhà trên nền đất đắp

Thứ 4, 15/08/2018 | 06:08:00 2,366 lượt xem
BP - Hiện nay dọc quốc lộ 14, qua địa bàn các huyện Đồng Phú, Bù Đăng có nhiều nền đất đã, đang được đắp mới. Có nơi độ sâu lên đến trên 10m. Tuy nền đắp còn yếu, đang quá trình lu nén nhưng nhiều hộ dân vẫn chủ quan xây nhà ở, các công trình khác. Đã có trường hợp phải “bỏ của chạy lấy người” như ở ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) vì công trình đột ngột nứt, lún.

Ngày 1-8, chúng tôi có mặt tại ấp 2, xã Đồng Tâm - nơi xảy ra vụ việc sụt lún nền đất. Công trình gồm hệ thống móng, nền xi măng rộng khoảng 120m2 và 2 bức tường (phía sau, bên phải) đã dừng xây dựng, nền nhà nứt vỡ thành từng mảng dày do nền đất sụt sâu khoảng 80cm. Các tường chắn thuộc phần móng bên trái, được xây bằng gạch và cố định bởi cột bê tông có đoạn bị đổ nát, đoạn bị phần đất nền trong móng nén xuống bật bung khỏi hệ thống giằng (bê tông - sắt) phía trên. Chỉ còn lại 2 bức tường trên nền trụ vững, nhờ độ dày đất đắp ít nên độ nén sụt không quá cao, tuy nhiên, chỉ vài trận mưa tới có nguy cơ “chung số phận”.

Công trình xây dựng tại ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) bị bỏ dở do thi công trên nền đất đắp yếu

Quan sát cho thấy, nguyên nhân gây sụt lún là do công trình được xây trên nền đất đắp yếu. Toàn bộ lớp đất nền là đất mượn, đắp bồi để xây nhà. Chiều cao đất đắp trên 10m, rộng khoảng 10m, dài 25-30m. Tưởng tượng 3.000m3 đất nén, sụt xuống thì sức “công phá” lên mọi công trình bên trên sẽ như thế nào! Ông Nguyễn Trọng Năm, Trưởng ấp 2, chia sẻ: Đa phần các nền đất này chưa có sổ đỏ, chỉ xây các quán nước tạm bợ. Công trình bị sụt lún trong ấp khi xây dựng không báo với ấp. Chúng tôi đã tuyên truyền tới một số hộ có nền đắp mới, giúp nâng cao hiểu biết, không còn ý định xây dựng công trình, tránh gây thiệt hại.

Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Bùi Đức Hạnh cho biết: Do nhu cầu xây nhà ở và dựng quán của người dân ngày càng nhiều nên xuất hiện các nền đắp mới. Tại địa bàn xã có các nền đất đắp mới, tuy nhiên ít hộ xây dựng nhà ở. Đối với nền đất đắp làm quán bị sụt lún tại ấp 2 của 1 hộ dân không thông báo với chính quyền, khi nền bị nén, sụt, sập đổ công trình, xã và các ngành chức năng đã đến kiểm tra và thông báo dừng xây dựng. Đây cũng là bài học cho những ai chủ quan, bỏ qua cảnh báo, cố tình xây dựng công trình trên nền đất đắp mới, còn yếu.

Hai bên quốc lộ 14 qua 2 huyện Bù Đăng, Đồng Phú có địa hình không bằng phẳng, đa phần là triền đồi với độ sâu hàng chục mét. Để phục vụ nhu cầu cuộc sống, các triền đồi sát quốc lộ được nhiều người đắp nền để xây nhà ở và các công trình kiên cố. Chỉ số ít chọn không đổ nền mà làm cột bê tông (theo kiểu nhà sàn) giúp công trình không bị đe dọa bởi sự nén, sụt của nền mới đắp. Cũng có một số công trình xây móng ngay nền đất cũ (áp dụng với nền đất không quá xuôi và sâu), sau đó xây tầng. Vì không đổ lớp đất mượn trong nền nên không bị sụt, nén. Tuy nhiên, theo người dân, ít người chọn làm theo 2 cách này, một phần do đất đổ nền có sẵn.

Đa số đất đổ nền ở 2 huyện Đồng Phú, Bù Đăng và trong tỉnh nói chung lấy sẵn trong tự nhiên. Với tâm lý đất đỏ bazan là loại đất tốt, sạch, đẹp và phù hợp với đắp nền, giá rẻ nên người dân thường lựa chọn. Nhưng một số đặc tính của loại đất này là có độ rỗng, tính nén lún lớn, dung trọng khô bé, thấm nước cao, dễ bị nén, sụt. Khi đổ nền cần trải qua thời gian sụt lún, sau đó mới xây dựng các công trình trên đất. Nếu xây dựng, cần đảm bảo móng chống lún. Việc công trình ở ấp 2, xã Đồng Tâm bị sụt lún nghiêm trọng, chủ công trình biết nền đất đắp yếu nên đã xây tường chắn bên dưới để giữ đất, xây giằng mặt trên. Tuy nhiên, sức liên kết của tường chắn bằng gạch không đủ vững trước sức nén của hàng ngàn khối đất nền vừa đắp đã phá vỡ kết cấu móng, kéo theo sụt đổ nền và công trình. May mắn, công trình chỉ mới bắt đầu xây, không gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Trung Nhân

  • Từ khóa
60962

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu