Thứ 6, 29/03/2024 04:02:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:19, 19/08/2014 GMT+7

Nguyên nhân căn bản

Thứ 3, 19/08/2014 | 08:19:00 147 lượt xem

BP - Mấy ngày qua, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2015 ở khối doanh nghiệp lên 15,1% so năm 2014 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, mức đề xuất lương tối thiểu vùng 1 là 3,1 triệu đồng/người/tháng, vùng 2 là 2,7 triệu đồng, vùng 3 là 2,4 triệu đồng và vùng 4 là 2,2 triệu đồng. Nhưng theo đánh giá của ông Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, nếu phương án đề xuất này được chấp thuận thì cũng mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu. Đó là sự bất hợp lý của chính sách tiền lương ở nước ta hiện nay. Còn bất hợp lý hơn khi so sánh giữa mức lương tối thiểu ở khối doanh nghiệp với khối hành chính - sự nghiệp công - là đối tượng lao động trí tuệ, chất xám, nhưng hiện mức lương tối thiểu lại chỉ tương đương 60% mức lương tối thiểu của lao động phổ thông hoặc lao động tay nghề khu vực thị trường.

Thực tế là đa phần công chức khối hành chính công đều là những người đã qua đào tạo, nghĩa là đã phải đầu tư thời gian, tiền bạc cho việc học tập trước khi tìm việc làm. Địa điểm làm việc của công chức khu vực hành chính công đều ở các khu trung tâm, đồng nghĩa với mức chi tiêu cao. Câu hỏi đặt ra là với mức lương chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu, tại sao đa phần cán bộ, công chức khối hành chính công vẫn sống đàng hoàng và có nhiều người rất giàu? Ngay ở Bình Phước, nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước nhưng họ không chỉ nhà cao cửa rộng, sở hữu nhiều tài sản, bất động sản giá trị mà còn dư dả tiền bạc cho con du học và hàng năm gia đình đều đi du lịch nước ngoài. Vậy họ đã sống bằng gì, giàu lên bằng gì? Thật không khó để trả lời!

Còn nhớ năm 2012, Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tiến hành khảo sát xã hội học trên 2.000 cán bộ, công chức ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành với kết quả có 79% cán bộ, công chức có thu nhập khác ngoài lương. Và tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào”.

Kết quả khảo sát, đánh giá là những con số biết nói. Chúng ta thừa nhận trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay có những người yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức sa sút, song cũng có nhiều người tài, đức, chí thú với công việc. Điều cần khẳng định là dù thế nào thì con người ta vẫn phải sống. Để thành một công chức mẫn cán, ngoài việc được đào tạo bài bản, trước hết anh ta phải bảo đảm được mức sống trung bình trở lên. Thế nhưng hệ thống tiền lương ở khối hành chính công nước ta vẫn tồn tại từ rất nhiều năm như thế. Bởi thế, trong vô vàn lý do của hiện tượng cán bộ, công chức làm việc theo cung cách “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không thể không nói đến nguyên nhân căn bản là chính sách tiền lương. Chính mức lương chỉ đáp ứng quá nửa mức sống tối thiểu hiện nay là nguyên nhân chủ yếu của nạn tham nhũng, vòi vĩnh, vô cảm trước nỗi khổ của người dân. Chưa nói đến việc duy trì hệ thống lương như vậy sẽ không thể nào thu hút và giữ chân được những người tài giỏi trong khu vực công để phục vụ nhân dân tốt hơn.                 

T.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu