Thứ 4, 17/04/2024 01:56:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:03, 12/02/2017 GMT+7

Nguyễn Văn Ngọc - thanh niên dám nghĩ, dám làm

Chủ nhật, 12/02/2017 | 09:03:00 192 lượt xem
BP - Trong khi nhiều thanh niên chưa định hướng được nghề nghiệp hay đang thiếu việc làm thì anh Nguyễn Văn Ngọc (1986) ở thôn Phú An, xã Phú Trung (Phú Riềng) đã trở thành điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm. Từ thành công ban đầu, hộ anh Ngọc trở thành địa chỉ tin cậy cho các bạn trẻ ở Phú Trung học tập và noi theo để vươn lên phát triển kinh tế.

TỪ VƯỜN CÂY ĐA CANH

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Ngọc cùng gia đình chuyên tâm chăm sóc vườn cây. Năm 2009, anh tiên phong trồng ca cao ở xã Phú Trung. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc vườn cây nên hiệu quả kinh tế không cao.

Từ 13 con bò ban đầu, đến nay anh Ngọc đã có 22 con

Từ một lần tham quan mô hình trồng tiêu tại Lâm trường Mã Đà, huyện Đồng Phú, anh Ngọc trở về và mạnh dạn trồng xen tiêu dưới gốc điều. Để cây tiêu phát triển tốt, anh Ngọc thường xuyên đến Lâm trường Mã Đà học hỏi kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu và tham dự các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu. Tận dụng thân cây điều làm nọc sống, anh chọn những nhánh tiêu lươn làm giống và trồng thử nghiệm một số loại tiêu dưới gốc điều. Bởi, dây tiêu lươn có đặc điểm chịu khô tốt, khả năng kháng bệnh cao, thích hợp trồng xen dưới gốc điều. Đến nay, anh Ngọc đã trồng được hơn 400 trụ tiêu bằng gốc điều sống, trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 7-10kg tiêu/trụ. Giữa các hàng điều, anh tận dụng trồng xen cà phê. Đến nay, anh có 4 ha đất trồng xen canh điều - tiêu - cà phê. Hình thức trồng xen này rất có lợi khi bón phân, tưới nước cho cà phê và tiêu thì cây điều cũng hấp thụ chất dinh dưỡng nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, anh thu nhập hơn 300 triệu đồng từ vườn cây xen canh sau khi trừ chi phí đầu tư. Ngoài ra, anh còn tự ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, lá điều, lân, kali và men sinh học với tỷ lệ thích hợp để bón cây. Cách làm này đã giúp gia đình anh tiết kiệm được 50% chi phí phân bón cho.

ĐẾN TĂNG THU TỪ CHĂN NUÔI

Trong một lần tham gia chương trình “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” giới thiệu về kỹ thuật nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm do Huyện đoàn Phú Riềng tổ chức, anh Ngọc thấy đây là cách làm kinh tế phù hợp điều kiện của mình nên đã xây dựng chuồng trại nuôi bò. Với số tiền dành dụm và tích lũy từ vườn cây xen canh và vay mượn được gần 1 tỷ đồng, đầu năm 2016, anh xây chuồng, mua 13 con bò giống lai sind và bò cỏ về nuôi.

Anh Nguyễn Văn Ngọc là điển hình thanh niên làm giàu ở xã Phú Trung. Mô hình nuôi bò lai sind và vườn cây đa canh của anh không những mang lại thu nhập cao mà còn là mô hình để đoàn viên, thanh niên xã học hỏi kinh nghiệm trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Anh Ngọc cũng là cán bộ đoàn năng nổ nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ.

Anh Trần Quốc TuấnBí thư Xã đoàn Phú Trung

Anh Ngọc cho biết: “Tôi phải dành nhiều thời gian tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để chăm sóc đàn bò. Nhờ vậy, đàn bò của tôi phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt, đến nay tổng đàn 22 con”. Để có nguồn thức ăn cho bò, anh dành 0,9 ha đất để trồng cỏ. Anh chọn trồng giống VA06 - giống cỏ được lai tạo giữa hai cỏ lông đuôi sói châu Mỹ và giống cỏ voi cho năng suất cao nhất trong các giống cỏ hiện nay. Ngoài ra anh còn tận dụng chất thải của bò để trồng cỏ. Gia đình anh được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình trồng cỏ chế độ tưới nước tự động và chế biến thức ăn gia súc. Thành công từ nuôi bò, anh chuẩn bị mở rộng chuồng trại và đào ao nuôi cá phát triển kinh tế theo hướng vườn - ao - chuồng.

Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn là Phó bí thư Xã đoàn Phú Trung gương mẫu, năng động trong mọi hoạt động, phong trào thi đua do đoàn cấp trên và địa bàn phát động. Anh luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người và là địa chỉ tin cậy của thanh niên ở địa bàn trong chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, anh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ nông nghiệp với 22 thành viên thường xuyên sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt cùng phát triển kinh tế.

Thùy Hương

  • Từ khóa
41101

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu