Thứ 4, 17/04/2024 06:46:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:16, 24/12/2015 GMT+7

Ứng dụng đề tài khoa học và công nghệ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 5, 24/12/2015 | 09:16:00 1,539 lượt xem
BP - 5 năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN) được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh nhưng cũng có không ít đề tài đang giậm chân tại chỗ. Phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Trần Văn Vân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ về vấn đề này.

Sản phẩm của đề tài “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc cung cấp thông tin dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước” đã bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm. Trong ảnh: Áp dụng đề tài này, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã dự báo được nguy cơ cháy rừng vào cao điểm mùa khô để chủ động phương án phòng cháy chữa cháy

P.V: Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có bao nhiêu đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KHCN đăng ký và đã thực hiện xong, còn bao nhiêu đề tài chưa được nghiệm thu, nguyên nhân vì sao thưa ông?

Ông Trần Văn Vân: Giai đoạn 2011-2015, Hội đồng KHCN tỉnh đã xét duyệt và trình UBND tỉnh cho triển khai thực hiện 30 đề tài nghiên cứu ứng dụng KHCN cấp tỉnh, thuộc các lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Trong đó đã nghiệm thu 14 đề tài, 16 đề tài còn lại đang trong giai đoạn thực hiện.

Trong quá trình thực hiện đề tài, một số yếu tố làm ảnh hưởng đến tiến độ như thiếu chủ động về thời gian nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài, do tính chất đặc thù của đề tài (đề tài thuộc lĩnh vực y tế phải làm rất nhiều thủ tục qua các hội đồng thẩm định), mỗi quy trình thẩm định mất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn chịu ảnh hưởng bởi mùa vụ, số liệu cần được nghiên cứu sâu do vậy mất nhiều thời gian.

P.V: Đến thời điểm này có bao nhiêu đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả như thế nào? Ông đánh giá về lợi ích của những đề tài, dự án này trong phát triển KT-XH tại địa phương?

Ông Trần Văn Vân: Trong số 14 đề tài đã nghiệm thu, Sở Khoa học - Công nghệ đã bàn giao kết quả nghiên cứu của 12 đề tài cho 22 đơn vị ứng dụng, cụ thể như: Bàn giao sản phẩm của đề tài “Mục tiêu và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế mậu biên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020” cho UBND các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý Khu kinh tế; bàn giao sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước” cho Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng; bàn giao sản phẩm của đề tài “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc cung cấp thông tin dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước” cho Chi cục Kiểm lâm...

Đề tài sau khi nghiệm thu đã chuyển giao cho các đơn vị đều phát huy hiệu quả. Các đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ đã phát huy và ứng dụng vào công tác quản lý cho các sở, ngành. Cụ thể như ứng dụng quản lý phân vùng lập địa cho sản xuất lâm nghiệp, quản lý khoáng sản, dự báo nguy cơ cháy rừng... giúp truy suất số liệu, hình ảnh, cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác; là cơ sở khoa học đáng tin cậy, hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên trong tỉnh. Đề tài suy thoái môi trường đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng làm giảm thiểu suy thoái môi trường và đưa ra các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đề tài nghiên cứu ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được ứng dụng vào quản lý và khai thác khoáng sản, giúp nhà quản lý tài nguyên khoáng sản cấp phép hợp lý.

Nhìn chung các đề tài ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao về kinh tế, cải tạo môi trường, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH, bước đầu tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều đề tài, dự án hỗ trợ phát triển KT-XH nông thôn giúp người dân nâng cao nhận thức, tiếp cận ứng dụng vào sản xuất, thu được kết quả thiết thực; phổ biến trong đồng bào dân tộc về kỹ thuật tỉa cây che bóng, bón phân hợp lý, ghép cải tạo vườn cây có chất lượng kém, già cỗi để phục hồi vườn cà phê, nâng cao năng suất và chất lượng.

Đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp các luận cứ làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chiến lược và chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Cụ thể như đề tài “Nghiên cứu lập bản đồ di chỉ khảo cổ học tỉnh Bình Phước” nhằm khảo sát, chấm điểm các di tích đã biết và nhằm tìm kiếm thêm di tích mới để hình thành một bản đồ phân bố những di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng có điều kiện hoạch định công tác quy hoạch các khu vực khảo cổ học cần bảo tồn, bảo vệ, nghiên cứu trong chiến lược phát triển kinh tế như hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư mà không phá hủy di tích khảo cổ - văn hóa trên địa bàn. Hiện vật khảo cổ thu thập được trong quá trình điều tra, thăm dò là những sưu tập có giá trị khoa học cao, giúp người dân hiểu rõ hơn về lịch sử vùng đất Bình Phước. Đề tài “Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy giai đoạn 2015-2020” đã đóng góp cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X...

P.V: Hiện có bao nhiêu đề tài được nghiệm thu nhưng chưa đi vào thực tiễn, nguyên nhân vì sao thưa ông?

Ông Trần Văn Vân: Trong số 14 đề tài nghiệm thu, Sở Khoa học - Công nghệ đã bàn giao kết quả của 12 đề tài cho các đơn vị trong tỉnh ứng dụng, chỉ có 2 đề tài chưa bàn giao vì chưa thực hiện xong phần giao nộp tài sản. Sở sẽ tiến hành thủ tục bàn giao trong tháng 12-2015 để đưa vào ứng dụng.

Hiện Sở Khoa học - Công nghệ đang khảo sát, điều tra để đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả đề tài sau nghiệm thu. Tuy nhiên sở nhìn nhận một số hạn chế, khó khăn như: Kinh phí phục vụ ứng dụng đề tài sau nghiệm thu còn hạn chế; cơ chế tài chính cho KHCN chậm đổi mới và thiếu đồng bộ, thủ tục giải ngân và thanh quyết toán kinh phí còn phức tạp; một số đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khi ứng dụng chưa thấy hiệu quả ngay mà cần phải có thời gian vài năm để đánh giá, một số đề tài về nông nghiệp còn phụ thuộc vào mùa vụ; thiếu tính chủ động, sáng tạo và sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai ứng dụng đề tài vào thực tiễn; một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm ứng dụng đề tài vào thực tế, có ngành khi nhận bàn giao đề tài nhưng không triển khai. Việc kiểm tra, giám sát quá trình ứng dụng đề tài chưa được quan tâm.

Để khắc phục những vấn đề trên, thời gian tới Sở Khoa học - Công nghệ tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp sau: Ưu tiên tuyển chọn, xét chọn những đề tài có tính ứng dụng cao, phù hợp với địa phương, có người tiếp nhận kết quả nghiên cứu và có địa chỉ ứng dụng rõ ràng; phân bổ kinh phí hợp lý cho việc ứng dụng kết quả đề tài sau nghiệm thu; hướng dẫn bố trí kinh phí ứng dụng cho các đơn vị nhận chuyển giao ứng dụng đề tài vào thực tế; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng đề tài đã được chuyển giao.

P.V: Ông có đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng vốn KHCN của tỉnh trong giai đoạn vừa qua và với nguồn vốn như hiện nay có đảm bảo thuận lợi trong thực hiện ở lĩnh vực này không, thưa ông?

Ông Trần Văn Vân: Trong 5 năm qua, mỗi năm ngành KHCN của tỉnh được phân bổ khoảng 30 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp khoa học). So với tổng chi ngân sách của tỉnh, tỷ lệ này chưa đạt 0,5%. Trong số này khoảng 50% chi cho đầu tư phát triển, còn lại chi cho sự nghiệp KHCN. Trong số chi cho sự nghiệp KHCN, phải dành khoảng 70% chi cho hoạt động phục vụ quản lý nhà nước, chi lương và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp; chỉ còn khoảng 30% chi cho hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào sản xuất, đời sống.

5 năm qua với mức đầu tư cho KHCN của tỉnh còn rất hạn hẹp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm của ngành KHCN, hoạt động KHCN của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Việc chuyển giao, ứng dụng kết quả KHCN vào sản xuất, đời sống đã được chú trọng và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để việc ứng dụng KHCN được sâu rộng và hiệu quả hơn cần phải đầu tư thêm kinh phí cho những năm tới.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)

  • Từ khóa
14659

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu