Thứ 4, 24/04/2024 02:13:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:29, 31/10/2018 GMT+7

Nhà nông sản xuất - kinh doanh giỏi giàu lòng nhân ái

Thứ 4, 31/10/2018 | 14:29:00 2,654 lượt xem
BP - “Năm 1983 tròn tuổi 20, là công nhân của một doanh nghiệp giải thể, tôi phải rời quê hương để lập nghiệp. Nhờ nghề “tẩm quất” mà tôi có lộ phí để tìm được quê hương thứ hai và trụ vững bằng nghề nông” - Trưởng ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) Nguyễn Quốc Mạnh (1963) kể về quá trình lập nghiệp trên đất Bình Phước.

TRĂN TRỞ VỚI CÂY TIÊU

Hiện nay, Trưởng ấp Nguyễn Quốc Mạnh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Lộc Ninh (nhiệm kỳ 2018-2023), Chủ nhiệm Câu lạc bộ phát triển hồ tiêu bền vững ấp Thạnh Đông, liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam; thành viên Hợp tác xã phát triển hồ tiêu bền vững xã Lộc Tấn. Ông Mạnh là một trong 16 nông dân Lộc Ninh được dán nhãn thương hiệu “Hồ tiêu Lộc Ninh” vào năm 2014.

Kể về quá trình làm kinh tế trên ấp biên giới Thạnh Đông, ông Mạnh xúc động: Nhờ cây tiêu mà gia đình tôi có được cơ nghiệp như ngày nay với 5 ha cao su kinh doanh, 1,5 ha điều, 2.000 trụ tiêu và khoảng 1 ha cây ăn trái. Hiện thu nhập bình quân của gia đình tôi khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng tôi nuôi 3 con ăn học và tạo điều kiện lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Gia đình tôi tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa bàn, với mức thu nhập bình quân 44 triệu đồng/người/năm.

Trưởng ấp Nguyễn Quốc Mạnh 15 năm giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh

Năm 1983, “cắm chân” ở ấp Thạnh Đông với sức trẻ và chưa lập gia đình, ông Mạnh không ngại việc gì. Tích góp mấy năm làm thuê, ông mua được 0,7 ha đất trồng tiêu và cưới vợ. Hồ tiêu giúp gia đình ông khá giả nên dù ở thời hoàng kim hay giá chạm đáy, ông vẫn chung thủy với loại cây này. Ông luôn áp dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất theo hướng hữu cơ để hồ tiêu Việt Nam ngày càng đứng vững trên thị trường thế giới.

Hồ tiêu đã giúp gia đình ông Mạnh cũng như hàng ngàn người trồng tiêu giỏi của Việt Nam trở nên giàu có. Tuy nhiên, thực tế người trở thành tỷ phú nhờ hồ tiêu luôn ít hơn rất nhiều so với số người phá sản, nợ nần vì trồng tiêu. Ngoài tác động của thị trường thì bệnh “nan y” chết nhanh trên cây tiêu đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. 35 năm gắn bó với cây tiêu, ông Mạnh thuộc lòng các bài học khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu nhưng vẫn không tránh được căn bệnh này. Thời cao điểm gia đình ông có 5.000 trụ tiêu nhưng nay chỉ còn khoảng 2.000.

Trong buổi gặp mặt nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền năm 2018, ông Mạnh đề xuất mong muốn của người trồng tiêu là các nhà khoa học vào cuộc để sản xuất được giống tiêu sạch kháng bệnh chết nhanh, hoặc tìm đúng nguyên nhân bệnh để có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cùng lãnh đạo địa phương ở các vùng trồng tiêu trọng điểm tìm chỗ đứng bền vững cho hồ tiêu Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hiện nay, hồ tiêu Lộc Ninh đã được dán nhãn tập thể nhưng “giữ thương hiệu khó hơn xây dựng thương hiệu”. Vì vậy, ông Mạnh mong muốn người trồng tiêu Lộc Ninh nói riêng, cả tỉnh nói chung chung tay giữ gìn và phát huy thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh...

TÍCH CỰC LÀM TỪ THIỆN 

Ông Mạnh chia sẻ: Đến lập nghiệp trên ấp biên giới Thạnh Đông, tôi được người dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng an ninh rồi Trưởng ban mặt trận và năm 2009 là Trưởng ban điều hành ấp. Tôi luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ để không phụ tấm lòng người dân đã tin tưởng tín nhiệm mình. Làm từ thiện là để giúp người nghèo lúc khó khăn nhưng căn cơ là phải giúp họ thoát nghèo. Năm 2009, Thạnh Đông vẫn còn 18 hộ nghèo, đến nay đã có 9 hộ thoát nghèo bền vững.

Nói đến tấm lòng sẵn sàng làm từ thiện của nhà nông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Tấn Nguyễn Văn Giáp cho biết: Ngoài chia sẻ thường xuyên với những cảnh đời không may trong cuộc sống, gia đình anh Mạnh còn tích cực hỗ trợ xã tiền, quà trong các dịp lễ, tết. Từ năm 2010 đến nay, gia đình anh Mạnh tham gia hoạt động từ thiện khoảng 570 triệu đồng.

Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tấn Nguyễn Đức Thân đánh giá: Những năm trước đây, khi đến Thạnh Đông, tất cả tuyến đường đều chung cảnh mùa mưa lầy lội, nắng bụi đỏ mù mịt. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào bê tông hóa ở ấp Thạnh Đông là điển hình cho 14/15 ấp trong xã học tập và làm theo... Tất cả đều nhờ vào công vận động, tuyên truyền thuyết phục của Trưởng ấp Nguyễn Quốc Mạnh.

Ông Mạnh cho biết, cuối năm 2014, Lộc Ninh triển khai làm đường theo Đề án 03 (nay là 161), Thạnh Đông có 14 tuyến, tất cả đều là đường đất lưu thông khó khăn. Hiện nay, ấp đã hoàn thành 11 tuyến, phấn đấu cuối năm 2018 bê tông hóa 100% tuyến đường.

Nói rõ hơn về kinh nghiệm vận động làm đường giao thông, ông Mạnh cho biết: Để 100% người dân đồng ý đóng góp làm đường thật gian nan. Trước khi triển khai, Ban điều hành ấp Thạnh Đông đã đi học tập kinh nghiệm ở các xã Lộc Hưng, Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh. Để dân đồng thuận, gia đình tôi luôn đi đầu trong đóng góp, hỗ trợ thêm kinh phí. Theo đó, các hộ đồng thuận làm theo.

Chia tay Trưởng ấp Nguyễn Quốc Mạnh, chúng tôi càng thấu hiểu: Phải có tấm lòng nhiệt huyết thì dân mới nghe và làm theo. Ông Mạnh chính là tấm gương sáng trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phương Hà

  • Từ khóa
2177

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu