Thứ 6, 29/03/2024 22:22:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 29/10/2011 GMT+7

Khởi sắc công nghiệp Bình Phước

Thứ 7, 29/10/2011 | 00:00:00 223 lượt xem

Những diễn biến về tình hình lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào biến động bất ổn trong những tháng đầu năm 2011 đã làm cho sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Là một tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nên Bình Phước cũng bị tác động không nhỏ. Tuy nhiên, nhờ thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, sự điều hành linh hoạt của chính quyền, sự chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị nên công nghiệp Bình Phước đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Nhà máy xi măng Bình Phước - ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn của tỉnh

Ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm, dù bị ảnh hưởng của lạm phát, nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Đặc biệt là sự tăng trưởng của các đơn vị, doanh nghiệp ở khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 10.256 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tăng mạnh nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước với 80,29% (đạt giá trị 1.349 tỷ đồng) so với cùng kỳ và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 27% (764 tỷ đồng). Còn hoạt động sản xuất ở khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tính theo lĩnh vực sản xuất thì ngành công nghiệp chế biến đạt gần 9.297 tỷ đồng. Các ngành sản xuất chủ lực đã lấy lại đà tăng trưởng như sản xuất tinh bột mì tăng 131,5%, đá xây dựng các loại tăng 12%, điện thương phẩm tăng 2%, xi măng tăng 206%, clinker tăng 133%... Như vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Phước trong 9 tháng đầu năm có thêm hai sản phẩm chủ lực là xi măng đạt 573 ngàn tấn và clinker khoảng 763 ngàn tấn đã góp phần đẩy nhanh mức tăng trưởng về công nghiệp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát và thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của tỉnh. Một số ngành sản xuất truyền thống của tỉnh như chế biến hạt điều, mặt bàn gỗ xuất khẩu, sợi dệt, linh kiện điện tử đều giảm mạnh.

Theo ông Lê Văn Uy, trong 9 tháng qua, ngành công thương tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đó là tổ chức thành công buổi gặp gỡ, đối thoại giữa các nhà sản xuất chế biến hạt điều với các ngân hàng thương mại về tiếp cận nguồn vốn; tập huấn về các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP...; xây dựng dự thảo tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư... Ngoài ra, ngành công thương đã tổ chức nhiều đợt hội chợ, hội thảo về kinh nghiệm sản xuất, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu vùng xa, xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; tổ chức quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư của Bình Phước ở Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Ba tháng cuối năm, Bình Phước sẽ vào mùa khô, là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tốc độ sản xuất, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Hơn nữa, đây cũng là thời kỳ cao điểm cho hoạt động sản xuất công nghiệp ở tỉnh ta nói chung và một số ngành chủ lực nói riêng. Với những tín hiệu khởi sắc trên, sản xuất công nghiệp ở Bình Phước đã khắc phục được những khó khăn do tác động của tình hình lạm phát, góp phần ổn định sản xuất và mở đường cho sự tăng tốc về phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tấn Phong

  • Từ khóa
36047

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu