Thứ 6, 19/04/2024 15:48:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:25, 18/07/2017 GMT+7

Nhà nông với việc bám sát kế hoạch của nhà nước

Thứ 3, 18/07/2017 | 09:25:00 92 lượt xem

BP - Theo Thông báo số 303/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 20%, lợi nhuận của toàn tập đoàn trên vốn điều lệ bình quân 17%/năm. Duy trì đến năm 2020, tổng diện tích cao su khoảng 400 ngàn ha, gồm trong nước khoảng 285 ngàn ha và nước ngoài 115 ngàn ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 đạt 414 ngàn tấn, đẩy mạnh thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60 ngàn tấn hiện nay lên 105 ngàn tấn vào năm 2020; sản lượng tiêu thụ 520 ngàn tấn vào năm 2020.

Bình Phước là thủ phủ cao su của cả nước, với diện tích khoảng 236.740 ha, trong đó 74.238 ha kiến thiết cơ bản, 154.466 ha kinh doanh, 6.534 ha già cỗi chuẩn bị thanh lý, năng suất dự kiến 1,914 tấn/ha. Định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 250 ngàn ha cao su. Mục tiêu cũng như kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vừa được công bố như một tin rất vui, một liều doping tinh thần đối với hàng ngàn hộ trồng tiểu điền và trông chờ thu nhập chính từ cây cao su.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá mủ liên tục giảm sâu khiến nông dân có xu hướng chặt hạ cao su để trồng loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc này dẫn tới nông dân trồng cao su một lần nữa rơi vào vòng xoáy của điệp khúc “trồng - chặt”. Từ cuối năm 2016, giá mủ cao su trên đà lao dốc đã chững lại rồi bắt đầu ấm lên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại - giữa mùa mưa, mùa xuống giống cây trồng, giá cao su chững lại không tăng nữa, thậm chí có xu hướng giảm và cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm 2011 - khi bắt đầu giảm giá. Vì thế, không ít nhà nông đã không kiên nhẫn chờ đợi mà tiếp tục cưa hạ vườn cao su để trồng điều, cây ăn trái, cà phê...

Những năm qua, một số diện tích cây trồng cùng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Phước liên tục biến động do thị trường bấp bênh. Nhiều nhà nông bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng đã “mạnh ai nấy trồng” theo cảm tính của mình. Điều đó dẫn tới mất cân bằng, vượt quy hoạch của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của tỉnh. Không chỉ như vậy, khi vượt quy hoạch, những mặt hàng này đều dẫn tới tình trạng cung vượt cầu và hệ quả là giá nông sản giảm.

Từ kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được duyệt cho thấy, nông dân Bình Phước nói chung và nông dân trồng cao su nói riêng cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cưa vườn trồng cây khác hay tiếp tục bám trụ cùng cây cao su, ngành cao su. Thực tế cho thấy nhiều nhà nông đã rất thành công khi tin cậy và bám sát vào các quy hoạch, định hướng của nhà nước. Bởi đơn giản, người nông dân dù có thông thái đến đâu cũng khó có thể đánh giá thị trường trong nước, quốc tế cũng như có tính toán, dự báo chính xác hơn Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay chính quyền của một tỉnh. Lắng nghe khuyến cáo và bám sát kế hoạch của nhà nước có thể không tạo ra những cú “áp phe” trúng đậm. Nhưng đó là một giải pháp an toàn nhất, bảo đảm tỷ lệ thành công cao nhất cho nhà nông. 

Trần Phương

  • Từ khóa
108680

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu