Thứ 7, 20/04/2024 01:14:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 21:13, 28/02/2015 GMT+7

Nhà thơ đi thực tế bằng con đường đi sứ

Thứ 7, 28/02/2015 | 21:13:00 324 lượt xem
BPO - Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được vua Gia Long cử làm Chánh sứ của đoàn sứ "tuế cống" nhà Thanh. Sứ đoàn khởi hành từ kinh đô Phú Xuân, đi xe (ngựa kéo), đi thuyền, đi bộ cũng mất thời gian mấy tuần mới đến được Thăng Long, nhưng dọc quãng đường đó, Nguyễn Du không sáng tác bài thơ nào, chắc là vì những cảnh nên thơ đã được viết trong hai tập thơ trước.

Nhưng khi đến Thăng Long, hai mươi năm mới trở lại, cảm thương vì chuyện đổi thay của cảnh, của người mà ông viết một lúc bốn bài thơ đầy nước mắt, trong đó có bài “Long Thành cầm giả ca”, một “Tỳ bà hành” của Việt Nam. Ngược lên biên giới, viết tiếp năm bài nữa, về Quỷ Môn Quan, về Lạng Sơn, về Trấn Nam Quan. Như vậy, trong 132 bài thơ trong tập “Bắc hành tạp lục”, chỉ có 9 bài viết về Việt Nam, còn 123 bài còn lại viết về con người và đất nước Trung Hoa. 

Đó là về mặt số lượng, điều quan trọng hơn là nội dung. Là Chánh sứ được triều đình cử đi “tuế cống thượng quốc”, nhưng trong “Bắc hành tạp lục”, Nguyễn Du không hề đả động một chút nào về công việc ấy, như báu vật đem đi cống nộp là những gì, sứ đoàn phải lo giữ gìn ra sao suốt chặng đường vạn ngàn dặm, sự giao tiếp với quan lại nhà Thanh khi cống nộp ra sao… không hề xuất hiện trong một bài, thậm chí trong một câu thơ của tập thơ đi sứ này! Chẳng lẽ tất cả những điều đó không có gì làm cho ông Chánh sứ quan tâm? Tôi không nghĩ như thế! Phải chăng Đại thi hào không ghi lại một chút mảy may các thứ đó vì nếu nói đúng sự thật, đúng tâm tư suy nghĩ của mình thì không đúng với chức năng, nhiệm vụ của Chánh sứ được nhà vua giao cho, còn nói để lấy lòng “thượng quốc” và nhà vua mà không đúng lòng mình thì ông không muốn. 

Phải chăng, Nguyễn Du chẳng hào hứng gì khi được được đảm trách cương vị Chánh sứ dẫn đầu một đoàn đi “tuế cống” (cống nạp hàng năm) mà ông coi đây dịp “Bắc hành” hiếm có để biết thực chất “thượng quốc” như thế nào, cái xứ sở mà bao địa danh cùng danh nhân ông đã thuộc lòng từ “thiên kinh vạn quyển”, nay mới có dịp tới.

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Du đặt chân lên đất nước Trung Hoa. Cách đó mười năm, cuối năm 1803, khi mới ra làm quan chưa lâu, Nguyễn Du cũng được làm thành viên của đoàn lên Nam Quan để nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh, nhưng khi đó ông chỉ đứng bên đất nước mình. Trong tiềm thức của Nguyễn Du, chính xác hơn là ý nghĩ trước khi đi sứ, Trung Hoa là đất nước bằng phẳng, phì nhiêu, đường sá đi lại thuận lợi, mọi người đều được sống no đủ, hạnh phúc… Ngay khi vừa mới qua trấn Nam Quan ông cũng nghĩ như vậy, coi chuyện đi lên Bắc Kinh là thuận lợi và đơn giản: “Đường sá bằng phẳng, không phải hỏi thăm ai. Qua sông Minh Giang, đi thẳng lên phía bắc là Trường An” (Vương đạo đẳng bình hưu vấn tấn/ Minh Giang Bắc thướng thị Trường An (Nam Quan đạo trung). Nhưng rồi thực tế không phải như vậy, thậm chí còn ngược lại. Chúng ta biết rằng phương tiện giao thông chính của sứ đoàn là xe ngựa và thuyền. Đường bộ thì “ở chân núi, bùn đọng ngập bụng ngựa, quái vật nấp hai bên bờ suối lâu ngày thành tinh” (Sơn lộc tích nê thâm một mã/Khê tuyền phục quái lão thành tinh) nên ông buồn và thất vọng. Còn đi thuyền thì sao? “Suốt ba ngày đêm đi thuyền lòng cứ thấp thỏm, lo sợ nhiều bề. Nguy hiểm thay, chìm sâu sẽ không biết đâu là đáy. Ai cũng bảo Trung Quốc đường bằng phẳng, nào ngờ Trung Quốc như thế này, sâu thẳm, quanh co như lòng người” (Đi thuyền trên sông Ninh Minh). Đó chỉ mới một sông Ninh Minh thôi, sứ đoàn còn phải qua bao nhiêu con sông khác, khi ngồi trong thuyền “nỗi lo sông nước bạc đầu thiếu niên” (Chu trung niên thiếu giai bạch đầu - Bất tiến hành)!

Cả đường bộ, đường thủy của “thượng quốc” đi lại đều khó khăn, hiểm trở là điều đầu tiên làm Nguyễn Du kinh ngạc. Điều kinh ngạc thứ hai của ông là đời sống nghèo khổ của người dân Trung Hoa. Đó là chuyện ông già mù ở thành Thái Bình đi hát rong: “Ông già xùi bọt mép, tay rã rời, cất lại cây đàn, nói đã hát xong. Ông gắng hết tâm sức hát gần hết một trống canh mà chỉ được năm, sáu đồng tiền…Ta trông thấy mà thương. Người ta thà chết còn hơn sống nghèo. Thường nghe nói Trung Hoa ai cũng no ấm, không ngờ Trung Hoa cũng có người như thế này” (Thái Bình mại ca giả). Rồi người đàn bà dắt đàn con đi ăn xin trong bài “Sở kiến hành”: “Có người đàn bà cùng ba đứa con ngồi với nhau bên vệ đường. Đứa bé nhất ẵm trong lòng, đứa lớn nhất thì xách giỏ tre. Trong giỏ tre đựng gì? Một nắm rau lẫn tấm cám. Trưa rồi vẫn chưa có gì ăn. Áo quần thì rách rưới. Gặp ai không dám nhìn, nước mắt đầm đìa thâm áo...”. Ngạc nhiên thứ ba của nhà thơ là xã hội Trung Hoa không yên bình, loạn lạc nổi lên khắp nơi làm nghẽn tắc đường, có khi sứ đoàn phải dừng lại hoặc đi tránh theo đường vòng. 

Nguyên nhân của những cuộc bạo loạn là vì nạn đói: “Nghe nói dân ở đây năm nào cũng khổ vì hạn hán, mất mùa. Mùa xuân có cày cấy nhưng mùa thu không được gặt. Hồ Nam, Hồ Bắc đã lâu không có hạt mưa nào, ruộng bỏ hoang… Mắt nhìn thấy người chết đói giữa đường, có mấy hạt táo lăn ra cạnh người…”. Nguyễn Du là người làm thơ nhưng rất coi trọng chi tiết, quan sát hết sức tỉ mỉ. Nắm rau lẫn tấm cám trong cái giỏ ăn xin của bốn mẹ con trong bài “Sở kiến hành”, và những hạt táo từ trong túi lăn ra nằm cạnh xác người chết đói trong “Trở binh hành” găm vào lòng người đọc và đã làm bao người nhỏ lệ trong hai trăm năm qua.

Một đề tài hết sức quan trọng trong “Bắc hành tạp lục” là viết về những danh nhân, những nhân vật và địa danh lịch sử. Nguyễn Du cũng như hầu hết trí thức nước ta thời phong kiến thông thuộc lịch sử Trung Hoa, mến mộ tài năng của nhiều thi nhân, thuộc lòng tiếng tăm của các danh tướng… nhưng mấy ai đã được đặt chân lên quê hương họ, những nơi họ từng lập chiến tích, hoặc được chứng kiến lăng mộ, đền miếu của họ. Nguyễn Du có được cái may mắn đi qua nhiều nơi mà tên đất, tên người đã thức dậy những tri thức từ sách vở, để ông bày tỏ lòng khâm phục, tiếc thương và có khi là trách móc, phê phán một nhân vật nào đó trong lịch sử Trung Hoa. Trong “Bắc hành tạp lục”, Nguyễn Du đã trực tiếp làm thơ hoặc đề cập đến khoảng 50 nhân vật, từ các nhà thơ kiệt xuất như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch… các ông vua, danh tướng như Sở Bá Vương, Tào Tháo, Hàn Tín, Mã Viện… đến các thuyết khách như Tô Tần, Kinh Kha… Phần lớn  di tích nằm bên đường sứ đoàn đi ngang qua, nhưng có đền miếu không ở gần, buộc nhà thơ phải “vọng kiến”. 

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có hai nhà thơ Nguyễn Du kính nể, đồng cảm và yêu thương nhất là Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Kính nể vì tài thơ bậc thầy, đồng cảm vì “có trái tim lớn, đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh”; yêu thương vì các nhà thơ đó đói khổ, bệnh tật và bị chịu đựng bao nỗi bất hạnh. Trong “Bắc hành tạp lục”, Nguyễn Du đã dành năm bài thơ nói về Khuất Nguyên, trong đó có hai bài viết trực diện để tỏ lòng thương cảm của mình khi qua Tương Đàm:

Hai ngàn năm bặt người hiền
Hương lan như vẫn thơm trên đất này
Ba năm buồn nỗi lưu đày
“Ly tao” ngàn thuở bậc thầy văn chương”. (*)


Nguyễn Du thương xót Khuất Nguyên bị lưu đày rồi quyên sinh ở sông Mịch La, nhưng là một người sáng tác, Nguyễn Du lại thấy rằng trong cái mất có cái được, nếu như Khuất Nguyên được nhà vua tin dùng, không bị lưu đày thì làm gì có tuyệt tác “Ly tao”!

Để bênh vực cho lòng trung của Khuất Nguyên, Nguyễn Du còn viết bài “ Bác Giả Nghị”: “Lòng Khuất Nguyên, nước Tương Giang/Trong veo thấy đáy suốt ngàn vạn năm”. Còn chống lại chuyện Tống Ngọc viết bài từ gọi hồn Khuất Nguyên, Nguyễn Du viết “Phản chiêu hồn”, khuyên hồn đừng về vì không có nơi nương tựa: “Đời sau ai cũng Thượng quan/Nơi nơi chốn chốn sông toàn Mịch La/Rồng không nuốt, hổ cũng tha…” ngụ ý phê phán xã hội đương thời.

Có một câu thơ của Đỗ Phủ: “Nho quan đa ngộ thân” (Mũ nho thường khổ thân), mỗi lần Nguyễn Du đọc là một lần khóc thương nhà thơ trên ngàn năm trước. Phục tài thơ, đồng cảm với nỗi lòng và xót thương Đỗ Phủ nghèo đói, bệnh tật, Nguyễn Du đã khóc bao lần trước thi phẩm của Đỗ Phủ khi còn ở nước mình, thì trong chuyến đi sứ này, khi được qua Lỗi Dương, Nguyễn Du lần tìm nhưng “trong những khóm tùng bách, không biết mộ ông ở nơi nào”. “Ông với tôi sống trong hai thời đại xa nhau mà vẫn thương nhau, nhớ ông mà rơi nước mắt”. Nguyễn Du thương Đỗ Phủ còn vì một lẽ nữa thể hiện trong bài “Lỗi Dượng Đỗ Thiếu Lăng mộ”:

Cộng tiễn thi danh sư bách thế
Độc bi dị vực ký cô phần
(Thơ ông thiên hạ tôn thầy
Chỉ buồn nấm mộ lắt lay quê người)


Có một danh tướng Trung Hoa được Nguyễn Du dành hai bài thơ nhắc đến trong tập này, không phải vì vị tướng này kiệt xuất, mà có lẽ vì một lý do khác: tướng này đã đem quân sang đánh nước ta hồi đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Vị tướng đó là Mã Viện. Nguyễn Du chế giễu vị tướng này đã lên lão sáu mươi mà còn khoe mình quắc thước, mặc áo giáp leo lên yên ngựa, không biết mình đã mang bao hệ lụy cho người thân và gia đình:

Mua vua được một nụ cười
Biết đâu thân thích bao người buồn đau
Trụ đồng lừa nổi ai đâu
Vợ con mang lụy xe châu một thời

(Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành)

Ngoài tướng Mã Viện ra, có một ông vua đời nhà Minh là  Minh Thành Tổ (tức Yên Vương Đệ), từng cho quân xâm lược nước ta, khi đi sứ ngang qua tỉnh Hà Bắc, nhân gặp ngôi mộ kỳ lân, Nguyễn Du viết bài “Kỳ lân mộ” để lên án tội ác của ông vua này:

Yên Vương Đệ, kẻ bất nhân tiếm quyền
Cướp ngôi của cháu ngoi lên
Giận thì mười họ giết liền, ai ngăn?
Vạc dầu, đánh trượng trung thần
Năm năm hơn triệu dân lành tan thây…


Phần kết bài thơ này, cũng như hai bài thơ viết về Mã Viện, Nguyễn Du đều đặt một câu nghi vấn có liên quan đến nước ta, khi thì với địa danh Dâm Đàm cụ thể, khi thì gọi chung là phương Nam. Đây là  hai ví dụ  rõ nét về tinh thần dân tộc của Nguyễn Du trong “Bắc hành tạp lục”.

Nguyễn Du tự nhận mình là “đa bệnh, đa sầu”, thơ ông thiên về gam buồn. Trong nước đã vậy, trên đường đi sứ càng có nhiều lý do để buồn. Đó là thất vọng về nước Trung Hoa không phải như ông từng hình dung: đường sá, sông ngòi hiểm trở, gian nan, thời tiết mưa gió lũ lụt, phải chứng kiến những cuộc đời bất hạnh trong một xã hội loạn lạc. Những đền đài, lăng mộ của danh nhân đã bị sức mạnh thời gian chôn vùi làm ông bùi ngùi thương cảm. Có một nỗi buồn nữa hầu như quán xuyến từ đầu đến cuối thi phẩm này là nỗi buồn nhớ quê hương. 

Nguyễn Du là người hay nhớ quê, nhớ nhà. Hồi mới ra làm quan dưới triều Gia Long, đã mấy lần xin về, mà nhớ nhà là lý do không nhỏ. Thời ở Tiên Điền, mỗi lần ra đi là ông có ý nghĩ “Tài quá Long Vĩ thủy/Tiện thị dị hương nhân” (Vừa qua sông Long Vĩ/Đã thành người tha hương) thì đi sứ xa quê hàng vạn dặm, cảm giác tha hương của Nguyễn Du tăng lên đến mức nào? Mới đến Lạng Sơn ông đã cảm nhận: “Hồng Lĩnh thân bằng nhật tiệm giao” (Người thân ở Hồng Lĩnh mỗi ngày một xa). Vừa qua khỏi trấn Nam Quan mấy ngày: “Suốt đường chẳng gặp ai quen/Lòng như đã chết ở trên nước người”. Ông buồn và sợ phải nghe tiếng vượn kêu chiều muộn khi đi thuyền trên sông Minh Giang, nơi mà: “Nhớ em khi ngắm quan sơn/ Đá giăng lởm chởm nhắc con cháu nhà”. Còn khi đi thuyền qua sông Thiên Bình thì: “Nhà thuyền chỉ trỏ quê gần /Làm buồn đứt ruột sứ thần phương xa”… Khi đi qua Nhiếp Khẩu của tỉnh Hồ Bắc, ông thở dài: “Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng/ Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong” (Hơn năm nay, ý muốn trở về Hồng Lĩnh đã thành mộng ảo. Đầu bạc rồi mà còn phải đi giữa gió thu nghìn dặm)… Thật khó thống kê hết được những câu thơ nói về nỗi buồn nhớ quê hương của Nguyễn Du trong chuyến đi sứ này. Nhớ quê, muốn được về quê nhanh, khi đến hồ Động Đình ông nhẩm tính: “Kế trình tại tam nguyệt/Do cập tường vi hoa” (Tính đi đường, ba tháng nữa sẽ về tới nơi, còn kịp thấy hoa tường vi nở)… Và ông đã về nước sau 14 tháng trời với cương vị Chánh sứ nhưng có lẽ chính xác hơn, là một chuyến đi thực tế và làm thơ ở “thượng quốc”!

Về hình thức nghệ thuật, như nhiều nhà thơ chữ Hán khác, phần lớn thơ chữ Hán của Nguyễn Du dùng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật và thơ tứ tuyệt. Nhưng so với “Thanh Hiên thi tập” và  “Nam Trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” có nhiều bài thơ trường thiên (dài trên 8 câu) hơn. Trong “Thanh Hiên thi tập” chỉ có ba bài trường thiên là “Ký mộng”, “Hành lạc từ” và “Lam Giang”. “Nam Trung tạp ngâm” không có bài trường thiên nào, còn “Bắc hành tạp lục” có đến 18 bài trường thiên, trong đó có ba bài dài nhất là “Trở binh hành” (63 câu), “Long Thành cầm giả ca” (50 câu không kể lời Tiểu dẫn) và “Sở kiến hành” (42 câu). Phải chăng trong nhiều trường hợp do nội dung cần ôm chứa không thể gói gọn trong thể thơ thất ngôn bát cú quen thuộc, buộc đại thi hào phải sử dụng thơ trường thiên?

“Bắc hành tạp lục” được viết trong khoảng thời gian tương đối ngắn:14 tháng với 132 bài, tính ra trung bình mỗi tháng Nguyễn Du sáng tác gần chục bài thơ. Với “tốc độ” sáng tác này, không chỉ nhanh hơn rất nhiều so với “Thanh Hiên thi tập” và “Nam Trung tạp ngâm” của chính tác giả, mà cũng nhanh sơn so với các nhà thơ khác sáng tác trên đường đi sứ trước và sau ông. Vì sao lại có hiện tượng này? Theo tôi, do những nguyên nhân sau đây:

- Hồn thơ thường trực trong lòng nhà thơ, chỉ cần môt cái “cớ” nhỏ là bài thơ nảy sinh. Nguyễn Du thông thuộc “thiên kinh vạn quyển” của Trung Hoa, tên đất, tên người của ‘thượng quốc” đã nhập vào tiềm thức. Trên đường đi sứ, khi gặp lại một di tích là chuyện cũ hàng ngàn năm được gợi lên, hồn thơ được lay gọi. Trong thực tế nhiều nơi chẳng còn di tích nữa, chỉ một địa danh có liên quan đến sự kiện hoặc danh nhân gặp trên đường đi sứ, chuyện cũ cũng đã hiện lên rồi. Ví như khi qua Thương Ngô, nhớ chuyện mộ vua Thuấn táng trong núi Cửu Nghi, mặc dù mây che không thấy cả núi Cửu Nghi nhưng nhà thơ vẫn có thơ về vua Thuấn và hai bà Hoàng hậu…

- Nói chung sự kinh ngạc và bất ngờ thường tạo thi hứng cho nhà thơ. Mà chuyến đi sứ này nhà thơ gặp nhiều điều kinh ngạc, bất ngờ nằm ngoài dự đoán của mình về một nước Trung Hoa.

- Là người ủy mị, đa sầu, hay nhớ nhà… mà chuyến đi sứ phải xa nhà hàng vạn dặm trong 14 tháng trời, thì lòng nhớ quê, nhớ nhà tăng lên vô tận, tạo nguồn cảm hứng cho sáng tác.

Cũng có thể còn có những nguyên nhân khác, nhưng theo tôi, đó là 3 nguyên nhân chính làm cho tác giả sáng tác được nhiều thơ trên đường đi sứ.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, các thế hệ bạn đọc đều thừa nhận “Bắc hành tạp lục” là một tập thơ đặc sắc, đầy chất nhân văn . Thế nhưng tác giả không gọi là “thi phẩm” mà gọi là “tạp lục” (ghi chép tản mạn) là cách nói khiêm tốn, cũng giống như ông từng gọi Truyện Kiều là “Lời quê chắp nhặt dông dài”! Thì ra giá trị tác phẩm là tự thân nó, chứ không phụ thuộc cách gọi khiêm nhường hoặc quảng cáo rùm beng của tác giả!    

(*): Những câu thơ dịch trong bài này đều rút từ quyển: “Nguyễn Du - Thơ chữ Hán toàn tập, Vương Trọng dịch thơ”, do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Tĩnh xuất bản năm 2008.

Vương Trọng - Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
91090

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu