Thứ 6, 29/03/2024 04:05:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:53, 03/10/2018 GMT+7

Trao đổi

Nhà vệ sinh - bao giờ hết ám ảnh chốn học đường?

Thứ 4, 03/10/2018 | 15:53:00 392 lượt xem
BP - Vấn đề “nhà vệ sinh trường học” đã và đang trở thành thông tin thời sự. Từ Chính phủ, các nhà giáo dục, ngành hữu quan đến phụ huynh đều chung nỗi lo nhà vệ sinh ở rất nhiều trường học quá bẩn, hôi thối… Thậm chí nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh lại càng thêm bức xúc. Phụ huynh hằng ngày chứng kiến con em mình là “nạn nhân” của nhà vệ sinh xuống cấp càng đau đáu nỗi lo. Riêng tôi, sau khi xem xét nhà vệ sinh nơi con mình học đã giật mình thốt lên: “Thật kinh khủng…!”.

Chuyện chẳng đặng đừng

Chiều hôm qua, con tôi đi học về. Khác với mọi lần để quần áo bán trú vào một ngăn của cặp sách thì con mặc quần áo bán trú và tòng teng chiếc túi ni-lon đựng đồng phục. Tôi thắc mắc: “Sao vậy con?”. Đứa anh học cùng trường nhanh nhảu trả lời: “Em tè ra quần nên phải mặc quần áo bán trú đó mẹ!”. “Sao không vào nhà vệ sinh?”. “Nhà vệ sinh kinh khủng lắm, vừa tối vừa thối lại dơ bẩn, ai mà dám vào? Con vẫn phải nhịn về nhà nhưng em không chịu được...”. “Sao không ra gốc cây ở góc trường “đi” đỡ?”. “Mẹ nói gì vậy, cô mà bắt được thì có mà bị đuổi học!”... Nghe đến đây, tôi đành im lặng vì chẳng còn giải pháp nào khả thi hơn.

Bao giờ Bình Phước có nhà vệ sinh mà học sinh mong ước như thế này? (Trong ảnh, khu vệ sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: internet)

Hôm nay, tôi tranh thủ đến đón con sớm hơn để tạt qua khu vực nhà vệ sinh của trường. Dẫu đã chuẩn bị tâm lý từ những thông tin con nói trước đó, cố nín thở để vào xem nhưng cái mùi khó chịu của khu vệ sinh không được dọn dẹp thường xuyên, nồng nặc mùi phóng uế lẫn nước tiểu vẫn xộc thẳng vào mũi đến khó thở. Đã thế, toàn khu vực này lại cáu bẩn, tăm tối, học sinh sợ cũng dễ hiểu. “Nhiều em nhỏ đi vệ sinh ngay lối vào nên càng dơ dáy, hôi thối. Cháu từng vào một vài lần rồi sợ luôn. Giờ thà “nhịn” chứ không dám bước vào đó nữa...” - em Nguyễn Đăng Phong, học sinh lớp 5A một trường tại thị xã Đồng Xoài chia sẻ.

Báo chí từng đăng mẩu chuyện về thí sinh Nhật Bản xuất sắc giành ngôi vị hoa hậu hoàn vũ năm 2007 khi trả lời câu hỏi: “Bạn tự hào gì nhất về đất nước bạn?”. “Tôi tự hào nhất về hệ thống toilet công cộng của Nhật Bản, là hệ thống toilet sạch sẽ và tiện nghi nhất thế giới”. Giờ nhớ lại, tôi thấy buồn khi liên tưởng đến hệ thống nhà vệ sinh học đường ở Việt Nam. Nếu đưa ra câu hỏi: “Ám ảnh lớn nhất thời đi học của bạn là gì?”, tôi tin chắc phần lớn sẽ trả lời: “Nhà vệ sinh!” chứ không phải là học kém, bị cô giáo phạt hay bạn bắt nạt...

Phải là công trình quan trọng

Tiếng ta thán từ dư luận xã hội về nhà vệ sinh học đường... mất vệ sinh không phải gần đây mới có. Năm học này, cơ quan chức năng nhiều nơi đã thực sự vào cuộc. Đầu năm học 2018-2019, rất nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản chấn chỉnh nhà vệ sinh trường học. Điển hình là các thành phố lớn trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Ở Quảng Ninh, khu vệ sinh của Trường THPT Hoàng Quốc Việt (huyện Đông Triều) khiến học trò cả nước phải ghen tỵ và ví von như... khách sạn 5 sao. Nhưng đó vẫn còn là trường hợp cá biệt!

Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2-7-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu huy động tất cả nguồn lực kinh phí để chấm dứt tình trạng trường học không có nhà vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của học sinh... Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ, các tỉnh chịu trách nhiệm về nhà vệ sinh trường học, trong mùa hè này phải dứt điểm, ít nhất đảm bảo điều kiện tối thiểu cho thầy và trò, không để tình trạng nhà vệ sinh trường học hôi thối kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Trước đó, ngày 31-5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh công cộng tại một số cơ sở giáo dục ở Hà Nội cũng nêu rõ, câu chuyện nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng cần được quan tâm. Bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là biểu hiện của văn minh.

Tại Bình Phước, trong lần giám sát tình hình triển khai kết quả thực hiện công tác quy hoạch phát triển ngành GD-ĐT tại Sở GD-ĐT theo chương trình giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vào ngày 29-8 vừa qua, bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội cũng rất trăn trở về vấn đề này. Bà Trần Tuyết Minh đã thẳng thắn chỉ rõ với lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh: “Ở mầm non và tiểu học, nhà vệ sinh kiên cố chỉ 52%, bán kiên cố 41%; nhà vệ sinh mượn, tạm bợ, cho thuê... còn rất nhiều. Nhưng trong số nhà vệ sinh kiên cố rồi có sạch không? Có làm cho các cháu e ngại mỗi khi vào nhà vệ sinh không? Cũng vì không dám vào nhà vệ sinh mà nhiều cháu không dám uống nước. Tại sao cứ coi nhà vệ sinh là công trình phụ? Đó phải là công trình quan trọng trong các công trình...”.

Giải quyết triệt để vấn đề này không thể chỉ dựa vào những kết quả báo cáo trên giấy. Lãnh đạo ngành giáo dục cần sâu sát thực tế, nhận diện đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Nếu thiếu nhà vệ sinh hay thiếu người dọn vệ sinh hằng ngày mà ngân sách không đủ trang trải thì cần kêu gọi xã hội hóa, phụ huynh chung tay, hỗ trợ. Đảm bảo quyền lợi thiết thực của con em thì chẳng phụ huynh nào tiếc vài chục ngàn thu thêm hằng tháng cho việc thuê nhân viên dọn vệ sinh mỗi ngày. Cùng với đó, cần chấm dứt tình trạng “kết hợp” dọn vệ sinh với bảo vệ trường học hiện nay. Ngoài ra, lãnh đạo ngành giáo dục cũng tăng cường kiểm tra đột xuất, gắn trách nhiệm của ban giám hiệu với việc đảm bảo khu vệ sinh học đường sạch sẽ, an toàn thành tiêu chí đánh giá chất lượng thi đua cuối năm.

Cũng phải thừa nhận, học sinh bậc tiểu học chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nhất là các em khối lớp 1, 2. Vì thế, vào những giờ sinh hoạt ngoại khóa, thầy cô không cần né tránh mà hãy thay đổi nhận thức cho học trò qua hướng dẫn nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan trường lớp, vệ sinh công cộng. Chỉ khi trường lớp khang trang, sạch - đẹp, thầy cô thân thiện thì mới tạo động lực để các em háo hức muốn đến trường theo đúng tinh thần: Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui!

N.

  • Từ khóa
88243

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu