Thứ 6, 29/03/2024 13:32:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:56, 12/11/2015 GMT+7

Lộc Ninh:

Nơi ghi dấu chiến công hào hùng của Sư đoàn Bộ binh 5

Thứ 5, 12/11/2015 | 13:56:00 1,521 lượt xem
BP - Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 50 năm Ngày thành lập (23-11-1965 - 23-11-2015), Sư đoàn Bộ binh 5 (Quân khu 7) tổ chức đợt về nguồn đầy ý nghĩa tại huyện Lộc Ninh. Tôi đã được nghe các cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 5 kể lại chiến công hào hùng trên đất Lộc Ninh năm xưa. Tuy đã ở tuổi 70-80, sức khỏe yếu nhưng những người lính năm xưa vẫn rất hào hứng khi được về thăm lại mảnh đất, con người Lộc Ninh - nơi họ từng cùng ăn, ở, chiến đấu để giải phóng đất nước. Những ký ức hào hùng của 43 năm trước giải phóng Lộc Ninh cứ ào về trong trí nhớ của người lính năm xưa.


Thiếu tướng Vũ Văn Thược (thứ 2 từ trái qua) và Thiếu tướng Đoàn Văn Khoan  (thứ 3) ôn lại ký ức năm xưa

Sư đoàn Bộ binh 5 là một trong hai sư đoàn chủ lực ra đời đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sư đoàn có 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 4 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập nên những thành tích xuất sắc, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sư đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Sư đoàn trưởng, người chỉ huy trực tiếp chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 giải phóng Chi khu Lộc Ninh nhớ lại: “Trận đánh giải phóng Chi khu Lộc Ninh là trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên của sư đoàn cũng như của miền Đông Nam bộ và cũng là trận đánh ghi dấu chiến công đậm nét nhất của sư đoàn trong thời kỳ kháng chiến”.

Đánh cụm cứ điểm Lộc Ninh là trận tiến công quân địch trong công sự vững chắc, mở đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Vì thế, đây là trận then chốt, có ý nghĩa lịch sử, chiến lược. Lực lượng địch bố trí ở Lộc Ninh gồm Sở chỉ huy chiến đoàn 9 ngụy, Chi khu Lộc Ninh, sân bay dã chiến, kho tiếp liệu. Quân số khoảng gần 2.000 tên, khi tác chiến có hỏa lực pháo binh, không quân và bộ binh chi viện. Quân địch được bố trí thành 3 cụm nối tiếp nhau theo hướng Đông Bắc - Tây Nam với hệ thống công sự kiên cố, lô cốt, hầm ngầm, chiến hào, giao thông hào và hệ thống hàng rào dây kẽm gai bố trí theo từng phân khu và bên ngoài. Xung quanh cứ điểm bố trí từ 3-5 hàng rào, xen kẽ giữa các lớp rào kẽm gai có mìn chống bộ binh, chống xe tăng để ngăn chặn sự tiến công của ta. Trước khi tiến công, các đơn vị được giao nhiệm vụ quán triệt họp quân chính các cấp thảo luận trên sa bàn rất cụ thể, dân chủ về quân sự. Bộ tư lệnh sư đoàn giao nhiệm vụ tiến công Lộc Ninh là Trung đoàn Bộ binh 2 (174) và Trung đoàn Bộ binh 3, được các đơn vị trực thuộc sư đoàn bảo đảm chi viện.

Đúng 24 giờ ngày 6-4-1972, lực lượng xe tăng của Đại đội 10, dưới sự yểm trợ của pháo binh, được lệnh xuất kích. Rạng sáng ngày 7-4-1972, sau khi pháo binh ta bắn cấp tập lần cuối cùng, lực lượng xe tăng từ các hướng tiến vào các khu vực triển khai của bộ binh. Theo hiệp đồng, lực lượng bộ binh của ta nhanh chóng nhảy lên cùng xe tăng tiến vào. Xe tăng vừa cơ động vừa dùng hỏa lực bắn tiêu diệt các mục tiêu lô cốt của địch trên hướng tiến công. Với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, xe tăng trên các hướng khác, Tiểu đoàn Bộ binh 5 phát triển chiến đấu liên tục, tiêu diệt và bắt sống phần lớn quân địch. Đến trưa ngày 7-4-1972, quân ta đã chiếm và làm chủ toàn bộ Chi khu Lộc Ninh, tiêu diệt và bắt sống trên 1.000 tên, thu nhiều vũ khí...

Trận Lộc Ninh là trận đánh hiệp đồng binh chủng lần đầu tiên có xe tăng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ, đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt phần lớn lực lượng của Sư đoàn 5 ngụy, góp phần làm tan rã ngụy quyền ở địa phương, mở rộng vùng giải phóng làm bàn đạp cho quân ta tiến công xuống phía Nam, thực hiện khẩu hiệu của chiến dịch Nguyễn Huệ “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ, diệt gọn như Điện Biên”.

Thiếu tướng Đoàn Văn Khoan, nguyên Chính ủy sư đoàn lúc bấy giờ xúc động: “Trận đánh giải phóng Chi khu Lộc Ninh là trận đánh để lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời lính của tôi. Bởi đây là trận đầu tiên chúng tôi phải đánh địch có lô cốt, hầm hào kiên cố. Để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi đã cho bộ đội đào hầm hào, công sự kiên cố và diễn tập trong vòng 3 tháng để bộ đội quen với cách đánh. Đây cũng là trận sư đoàn chúng tôi bắt được nhiều tù binh của địch nhất”.

Tham gia chuyến về nguồn, đại diện lớp cán bộ thế hệ trẻ của Sư đoàn Bộ binh 5, Thượng úy Đào Huy Tùng, Đại đội vệ binh sư đoàn chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được về nguồn, được nghe các chú kể lại những chiến công hiển hách mà cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã đạt được trong khời kỳ kháng chiến. Đặc biệt là tôi đã được sống, sinh hoạt gần gũi với người dân Lộc Ninh. Qua đó, giúp thế thệ trẻ chúng tôi hiểu sâu hơn về truyền thống của sư đoàn, không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để xứng danh là cán bộ của Sư đoàn Bộ binh 5 anh hùng, xứng đáng là người lính bộ đội Cụ Hồ”.

Để có được những chiến công ngày hôm qua và hòa bình cho hôm nay, hơn 40 ngàn liệt sĩ của Sư đoàn Bộ binh 5 cùng hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Lộc Ninh đã anh dũng ngã xuống cho quê hương. Chiến công của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn và nhân dân huyện Lộc Ninh đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc ta. 

Văn Hùng
Bài viết có tham khảo tài liệu “Ký ức người lính Sư đoàn 5”

  • Từ khóa
14356

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu