Thứ 7, 20/04/2024 12:16:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:29, 02/04/2016 GMT+7

Nhân dân khao khát những cán bộ làm hay hơn nói

Thứ 7, 02/04/2016 | 09:29:00 129 lượt xem

BP - Ngày 28-3-2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Nam nêu lên một thực tế nhân dân cả nước rất quan tâm và theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và nói: “Vì sao như vậy? Vì hơn lúc nào hết, nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “nâng cao””. Ông cho rằng nhân dân và cán bộ, đảng viên cần những cán bộ làm bí thư lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ ràng buộc về trách nhiệm, công khai, minh bạch, đồng thời bảo đảm cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ đến được với nhân dân.

Đất nước ta sau 30 năm đổi mới đã gặt hái rất nhiều thành công. Đi liền với thành công cũng nổi lên nhiều vấn đề liên quan tới vận mệnh của Đảng, Nhà nước, dân tộc, nếu không sớm được giải quyết. Đó là tham nhũng ngày càng nhiều, lãng phí ngày càng “khủng khiếp” và còn có một thực tế không thể phủ nhận là một bộ phận cán bộ suy thoái đạo đức. Một trong những biểu hiện rõ nhất của việc đạo đức cán bộ xuống cấp là sự giả dối trước nhân dân. Và một trong số đó là dùng ngôn ngữ trau chuốt để tạo nên ảo giác “dễ chịu” cho người nghe nhằm che giấu khiếm khuyết của mình. Đó là lý do những lời lẽ “văn hay chữ tốt”, những cán bộ chỉn chu cả hình thức và lời nói, đáng ra phải được cổ vũ, kính trọng, thì nay lại trở nên xa lạ, tẻ nhạt, chán ngắt với cả nhân dân và công chức, viên chức, đảng viên.

Vậy nhân dân, đại bộ phận công chức, viên chức, đảng viên cần người lãnh đạo như thế nào? Có nhiều yêu cầu đặt ra với người lãnh đạo. Và đối với lãnh đạo cấp địa phương, chắc chắn phải là người lăn vào cuộc sống. Phải là người nói bằng ngôn ngữ của cuộc sống, hành động xuất phát từ cuộc sống. Đó là những lời nói đi vào lòng dân, như: “Chúng ta làm vì dân, vì nước thì không có việc gì phải lo sợ” (phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra giao thông - vận tải năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng ngày 17-2-2012); “Ở các nước được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo láo, sai là trừng phạt liền. Còn ở mình lâu nay báo cáo láo quen rồi” (phát biểu của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng ngày 20-3-2013).

Trong không khí cởi mở và nêu cao dân chủ, trách nhiệm sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, tại Bình Phước, nhiều phát biểu của lãnh đạo khiến cho nhân dân, đảng viên, cán bộ, công chức vừa vui vừa phải xem lại mình, như: “Cán bộ nhìn đâu cũng thấy khó, xin mời đứng sang một bên để người khác làm” (Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu trong buổi làm việc với Đảng ủy, Ban giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư ngày 2-3-2016); “Không chống hạn được cho dân thì phải làm đơn xin từ chức” (Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng chỉ đạo các cơ quan của huyện, cũng là lời cam kết của mình với nhân dân).

Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ. Lời nói, chỉ đạo của lãnh đạo sẽ nhân lên sức mạnh của nhân dân nếu như nó cũng là “tiếng lòng” của chính nhân dân. Ngược lại, nếu chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, xa rời thực tiễn, không giúp ích được gì cho dân, cho nước thì không những nó không có tác dụng mà còn phản tác dụng.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu