Thứ 5, 25/04/2024 12:54:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:49, 08/05/2019 GMT+7

Nhân lực và năng suất lao động

Thứ 4, 08/05/2019 | 08:49:00 164 lượt xem

BP - Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân kỹ thuật cao vào sáng 5-5-2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà còn là vốn, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nhân lực bậc cao quyết định năng suất lao động, là động lực quan trọng, yếu tố then chốt”. Điều đó khẳng định, để có năng suất lao động ngày càng cao phải có nhân lực trình độ cao. Đây chính là vấn đề then chốt mang tính quyết định nhằm cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Qua cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân cho thấy, thông điệp của Chính phủ là ưu tiên, nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao. 

Theo thống kê của ngành chức năng, năng suất lao động của nước ta tuy đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng hiện vẫn đứng gần cuối bảng trong khu vực. Đây chính là lực cản đối với nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến năng suất lao động ở Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động bất hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành kỹ thuật, công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, các lĩnh vực tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế còn thiếu hụt.

Những năm qua, công nhân kỹ thuật ở hầu hết các lĩnh vực còn thiếu, trong khi số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không xin được việc làm ngày càng nhiều. Số người thất nghiệp có bằng đại học, cao đẳng hiện đã lên tới hàng trăm ngàn. Ngoài ra, còn nhiều tác động khác ảnh hưởng đến năng suất lao động ở nước ta như: 90% doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ; công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao, sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp còn hạn chế... Vì vậy, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò quan trọng về sự đóng góp của các công nhân, trong đó công nhân lao động kỹ thuật cao là tài sản, vốn quý của quốc gia. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công nhân lao động tay nghề cao sẽ chuyển ngành nhanh và không lo sợ bị robot thay thế, bị loại bỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nhân kỹ thuật cao, tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi đất nước hội nhập. Đặc biệt, công nhân kỹ thuật cao làm cho hiệu suất lao động cao, từ đó sẽ có thu nhập cao và đời sống của gia đình chắc chắn sẽ tốt hơn.

Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Năng suất lao động cao đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, chống tụt hậu so với các nước trong khu vực. Để nâng cao năng suất lao động thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

 Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu