Thứ 6, 26/04/2024 08:29:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:15, 21/08/2013 GMT+7

Nhận thức đúng để tự giác hành động

Thứ 4, 21/08/2013 | 08:15:00 2,233 lượt xem

Có nhận thức đúng mới có hành động tự giác cao. Từ nhận thức đúng về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ lựa chọn cho mình việc “làm theo” phù hợp, hiệu quả với cương vị, chức trách được giao” - Thiếu tướng Võ Văn Việt, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 chia sẻ kinh nghiệm về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của LLVT Quân khu 4.

Xây dựng mô hình thực chất

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân khu 4 đã có rất nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực. Mỗi mô hình, cách làm thể hiện sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt, sát điều kiện thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị. Thiếu tướng Võ Văn Việt, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4, giải thích:

- Để có những mô hình và cách làm hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 đã có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chính từ nhận thức đúng đắn ấy, từng cấp ủy, tổ chức đảng; mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng chủ  động, tự giác thực hiện việc làm theo gương Bác một cách sáng tạo, hiệu quả. Kết quả việc học tập và làm theo gương Bác đã góp phần quan trọng để từng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Cán bộ Đội Xây dựng cơ sở số 3, Ban CHQS Quan Sơn (Thanh Hóa) hướng dẫn đồng bào Mông ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy thu hoạch lúa.

Những điều mà Thiếu tướng Võ Văn Việt nhận định được chúng tôi cảm nhận rất rõ khi tìm hiểu một số mô hình, cách làm ở cơ sở. Tuy thời gian đã lùi xa, nhưng giây phút mà thương binh Nguyễn Văn Cầm (xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) phấn khởi đón nhận con bò trị giá 7 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An tặng vẫn còn nguyện vẹn trong tâm trí tôi. Dẫu đã bước vào độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng khi đón nhận món quà trên, giọng ông Cầm vẫn nghẹn lại: 

- Từ ngày vợ bị bệnh, tài sản trong gia đình thứ gì có giá trị tôi đều bán hết. Thế mà… vợ tôi cũng không qua khỏi. Vợ thì mất, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Khi mà tôi chưa biết làm gì để sống thì lại nhận được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An. Quả thật, tôi không biết nói gì hơn là: Xin được cảm ơn các chú bộ đội!

Trao đổi với chúng tôi về chủ trương giúp đỡ người nghèo, Đại tá Bùi Hoài Thanh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, cho biết: 

- Học tập tình yêu thương con người của Bác, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phát động phong trào “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”. Hằng ngày, bằng việc tiết kiệm chi tiêu cá nhân, mỗi người góp từ 500 đến 1000 đồng bỏ vào ống tiết kiệm, giúp đỡ người nghèo. Số tiền mua bò tặng gia đình thương binh Nguyễn Văn Cầm chính từ tiền tiết kiệm của cán bộ, nhân viên Phòng Chính trị sau gần 3 tháng triển khai.

Phong trào “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó” của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đến nay đã trở thành ý thức tự giác trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, phong trào không chỉ thu hút cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh tự giác, tích cực tham gia, mà còn có sức lan tỏa đến các thành viên ở mỗi gia đình quân nhân. Không chỉ vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực tham gia ủng hộ phong trào, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hạn chế tổ chức liên hoan, gặp mặt mỗi khi có người được thăng quân hàm, hay mới về nhận công tác; dành tiền đó bỏ vào ống tiết kiệm giúp đỡ người nghèo. 

Phong trào “Kể chuyện làm nhiều việc tốt” ở Lữ đoàn công binh 414 cũng tạo nên "sức sống" trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Đó là phong trào mọi người tự kể về mình hoặc kể về đồng đội những việc làm tốt trong ngày, trong tuần, ví như  đơn giản là việc tắt đèn, tắt quạt trước khi ra khỏi phòng hay đang trong giờ nghỉ, nghe thấy tiếng đập của cửa vì gió thì tự giác dậy cài chốt; hoặc nhặt được của rơi trả người đánh mất; cứu người bị nạn… Những câu chuyện trên thực sự có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. 

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 sản xuất miến dong từ củ dong riềng thu mua của bà con vùng dự án Kỳ Sơn (Nghệ An).

Ngoài ra, phải nói đến các phong trào “Năm mẫu mực” của Lữ đoàn thông tin 80; “Hũ gạo tiết kiệm” của Sư đoàn 324 và Sư đoàn 968; “Quỹ tình nghĩa đồng đội”, “Hạt giống vàng” của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa; “Ba nhất, ba không” của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình; “Ba cần, hai tận dụng” của Lữ đoàn 16... Các phong trào “Hai mẫu mực, ba xung kích” của tuổi trẻ Quân khu 4; “An toàn lao động, an toàn giao thông, không vi phạm kỷ luật”, “Khâu áo chiến sĩ”, “Phích nước bệnh nhân”... của tổ chức công đoàn... 

Thông điệp gửi về hậu phương

Mới đây, trong chuyến công tác đến với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn công binh 414, chúng tôi rất ấn tượng về sự nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thi công ở môi trường khắc nghiệt; nhưng đặc biệt hơn là phong trào “Tiết kiệm chi tiêu vì ngày mai lập nghiệp” của chiến sĩ đơn vị. Phong trào được bắt đầu từ đảng viên trẻ, Binh nhất Moong Văn Duyên (Trung đội 1, Đại đội 5). Duyên quê ở bản Phìa Ói, xã Luân Mai-địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Trước khi nhập ngũ, Duyên đã có vợ. Tuy điều kiện kinh tế gia đình khá khó khăn, nhưng do xác định tốt tư tưởng nên Duyên bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống mới, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Duyên tâm sự:

- Vào đơn vị, cuộc sống của tôi được cấp trên lo toan chu đáo, đầy đủ. Vì thế, tôi càng thương vợ một mình ở nhà vất vả. Thế rồi được sự động viên của cán bộ các cấp, tôi quyết định dành dụm số tiền phụ cấp hằng tháng của mình gửi về cho vợ.

Quyết tâm tiết kiệm để có tiền xây cho vợ ngôi nhà mới được Duyên cụ thể bằng việc hằng tháng đều đặn tiết kiệm phần lớn phụ cấp và nhờ cán bộ đại đội giữ hộ. Từ số tiền phụ cấp tiết kiệm, vừa qua, vợ chồng Duyên đã dựng được căn nhà mới, khang trang, chắc chắn. 

Nhờ đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất nên cán bộ, chiến sĩ  đảo Mê (Thanh Hóa) thường xuyên bảo đảm đủ rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Cũng giống như Moong Văn Duyên, Moong Văn Chói, Trần Văn Nàng và rất nhiều chiến sĩ trong đơn vị cũng đã thực hành tiết kiệm phụ cấp với những mơ ước và dự định khác nhau cho tương lai. Chị Vi Thị Hoa ở Châu Khê, Con Cuông, Nghệ An (mẹ của Binh nhì Trần Văn Nàng) hết sức ngạc nhiên khi nhận số tiền 4 triệu đồng mà Nàng gửi về. Chị Hoa cho biết: “Khi cầm số tiền trên tay, tôi không thể ngờ được con trai mình lại biết tiết kiệm để giúp đỡ bố mẹ. Trước đây, khi còn ở nhà Nàng là đứa ham chơi, hay đua đòi với bạn bè. Hằng tháng, tuy Nàng cũng đi rừng kiếm được 2-3 triệu đồng nhưng làm tới đâu cháu tiêu hết tới đó mà chẳng khi nào nghĩ đến gia đình, bố mẹ. Vậy mà... ”.

Phong trào tiết kiệm phụ cấp của chiến sĩ không chỉ có ở Lữ đoàn công binh 414, mà còn xuất hiện ở Sư đoàn 324. Nói về hiệu quả phong trào này, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó chính ủy Sư đoàn 324, cho biết: 

- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà cụ thể hóa bằng phong trào tiết kiệm tiền phụ cấp của chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 324 không những thể hiện trách nhiệm của mỗi người con đối với gia đình, mà còn hình thành nếp sống đẹp trong mỗi quân nhân. Vì thế, hầu hết chiến sĩ ra quân đợt tháng 8-2013 của sư đoàn đều có những món quà ý nghĩa tặng người thân được mua bằng tiền tiết kiệm phụ cấp, như ti vi, tủ lạnh, xe đạp, bếp ga, nồi cơm điện...

Theo Thiếu tướng Võ Văn Việt, phong trào chiến sĩ tiết kiệm tiền phụ cấp ở một số đơn vị đang được Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 chỉ đạo nhân rộng trong toàn quân khu để mỗi đợt ra quân, mỗi gia đình không chỉ thấy con em mình trưởng thành, mà còn có thêm những món quà ý nghĩa...

Hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, các cơ quan, đơn vị ở Quân khu 4 đã tiết kiệm được từ những hoạt động công tác, sinh hoạt hằng ngày được gần 5 tỷ đồng; quyên góp thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách, người nghèo hơn 23 tỷ đồng; cùng với nguồn vốn của cấp trên, các đơn vị đã xây dựng 103 nhà tình nghĩa (với số tiền 6 tỷ 180 triệu đồng).

(Theo QĐND)

  • Từ khóa
1741

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu