Thứ 6, 26/04/2024 02:19:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:22, 08/05/2018 GMT+7

Nhận thức và hành động trong công tác nhân đạo

Thứ 3, 08/05/2018 | 10:22:00 246 lượt xem

BP - Hôm nay (8-5), kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Đây cũng là tuần cao điểm của Tháng nhân đạo 2018 với chủ đề “Nhân đạo - Từ nhận thức tới hành động”, nhằm đề cao nhận thức, ý thức và hành động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương mọi lúc, ở mọi nơi. 2018 là năm đầu tiên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thí điểm phát động Tháng nhân đạo tại một số địa phương, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn quốc. Tỉnh Bình Phước cũng đã hưởng ứng và triển khai “Tháng nhân đạo 2018” tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản vào ngày 28-4 với nhiều hoạt động thiết thực.

Nội dung chính của Tháng nhân đạo năm 2018 gồm: Vận động và phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai xây dựng công trình nhân đạo, tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn; vận động hiến máu nhân đạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sơ, cấp cứu, phòng ngừa và ứng phó thảm họa, phát triển các đội hình hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ làm nòng cốt. Tháng nhân đạo 2018 với đợt cao điểm từ ngày 8-5 đến 19-5 (Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam). Việc tổ chức Tháng nhân đạo là để mỗi người bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác Hồ, đồng thời thông qua các hoạt động trong Tháng nhân đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp nhân đạo trong các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Tháng nhân đạo còn nhằm tạo phong trào thi đua làm việc thiện sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân; thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cộng đồng đoàn kết, nhân ái; vận động nguồn lực tại địa phương trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi con người về hoạt động nhân đạo, từ thiện. 

Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước là địa phương thực hiện tốt công tác nhân đạo, từ thiện. Ngày 13-9-2017, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về công tác nhân đạo, từ thiện với nội dung toàn tỉnh tiếp tục chung tay giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo. Tỉnh ủy yêu cầu lồng ghép cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm ngàn lượt người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam... được hỗ trợ, trong đó có 14.872 người được trợ giúp thường xuyên. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trong dòng chảy các hoạt động vì con người, công tác nhân đạo, từ thiện ngày càng được trân trọng với ý nghĩa đề cao tính nhân văn cao cả, tinh thần nhân ái sẻ chia. Hiện vẫn còn không ít hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh do hậu quả chiến tranh, di chứng chất độc da cam, thiên tai hoặc bị bạo hành, ngược đãi... đang là mối quan tâm và sự hướng tới bằng hành động nhân đạo, từ thiện của toàn xã hội. Hiểu và làm đúng ý nghĩa nhân đạo, từ thiện “từ nhận thức tới hành động” là góp phần thiết thực xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu