Thứ 7, 20/04/2024 12:09:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:22, 28/05/2016 GMT+7

Chọn nghề: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

Thứ 7, 28/05/2016 | 08:22:00 259 lượt xem
BP - Chọn nghề nào phù hợp với năng lực bản thân và đáp ứng tốt nhu cầu lao động của xã hội là những lo lắng rất chính đáng của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên do những nếp nghĩ cũ của nhiều bậc cha mẹ rằng: Con mình phải vào đại học để sau này có công việc nhàn thân và có thể tiến vào “chốn quan trường” đã ảnh hưởng đến tư tưởng học sinh. Và nhiều nhà giáo dục gọi đây là sự “ảo tưởng nghề nghiệp” của giới trẻ. Đã đến lúc cả xã hội cần nghiêm túc nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh.

Học sinh các trường THPT trên địa bàn 2 huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long tìm hiểu thông tin về hướng nghiệp  - Ảnh: T.ThủyHọc sinh các trường THPT trên địa bàn 2 huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long tìm hiểu thông tin về hướng nghiệp  - Ảnh: T.Thủy

Người lớn phải nghĩ khác đi

Nhiều bậc cha mẹ muốn/bắt con phải chọn nghề theo ý mình, chỉ quan tâm đến “đầu ra” làm gì, kiếm được bao nhiêu tiền. Đây là quan niệm sai lầm phổ biến phải thay đổi. Trước hết, cha mẹ phải hiểu năng lực con mình, nắm bắt xu hướng nghề nghiệp để khuyến khích trên cơ sở tôn trọng sự lựa chọn của con, không nghĩ thay, làm thay con. Cần dạy con tình yêu lao động, sáng tạo trong công việc, tích lũy, rèn luyện kỹ năng sống. Kiểu tư duy “bao bọc con cái” khiến các bạn trẻ không lớn lên được. Trong số những cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, không ít trường hợp các em chọn nghề theo sự “chỉ đạo” của cha mẹ. Không có nghề nào cao quý hay thấp hèn. Đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp mình làm mới thực sự là cao quý. Cha ông ta từng nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Đất nước đang gia nhập sâu rộng, chúng ta phải thay đổi để có nguồn lao động chất lượng và chuyên nghiệp. Và để làm được điều này phải bắt đầu từ nhận thức của cha mẹ.

Học sinh sẽ là người quyết định

Học sinh phải chủ động, xác định một cách chuyên nghiệp trước khi chọn nghề. Các em cần xây dựng mơ ước về nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường; phải nỗ lực thực hiện ước mơ, tham khảo thông tin nghề nghiệp, tránh tình trạng ảo tưởng năng lực bản thân. Câu hỏi được học sinh lớp 12 đặt ra nhiều nhất trong các kỳ tư vấn tuyển sinh là “Học đại học hay đi học nghề?”. Thiết nghĩ vào đại học hay học nghề là tùy vào một phần năng lực, sở thích cũng như hoàn cảnh gia đình các em. Điều quan trọng không phải học cao hay thấp mà bạn có học giỏi, làm giỏi nghề mình học hay không. Học nghề vững vàng, có thêm kiến thức ngoại ngữ, tin học ứng dụng cộng với các kỹ năng sống, chắc chắn bạn sẽ thành công. Nếu là một thợ may giỏi thì khách hàng sẽ tự tìm đến, dù tiệm của bạn có ở trong hẻm. Ảo tưởng “phải vào đại học” trong khi lực học kém, không biết học để làm gì thì bạn sẽ sớm thất bại. Xã hội cần tất cả nghề nghiệp, chủ yếu mỗi người cần thông thạo nghề và rèn luyện thêm tinh xảo thì sẽ dễ thành đạt. Con người có được một nghề nghiệp tinh xảo, giỏi giang thì người đó sẽ được sung sướng, “thân vinh”.

Chúng ta đang tập trung tư vấn hướng nghiệp theo kiểu “mùa vụ”, chủ yếu vào tháng 2 hằng năm và đối tượng là học sinh lớp 12. Vì vậy, cần phải có chiến lược dài hơi, linh hoạt thời gian và mở rộng đối tượng. Các cơ sở giáo dục THCS, THPT phải có hội đồng tư vấn tuyển sinh, tư vấn nhiều lần trong năm. Ngoài học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 thì nên mời phụ huynh cùng tham gia tư vấn để học sinh lựa chọn đúng trường, đúng nghề, phù hợp năng lực, sở trường các em.

Ths. Vũ Văn Tuấn

  • Từ khóa
81691

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu