Thứ 5, 18/04/2024 14:40:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:46, 05/09/2015 GMT+7

Nhất nhì để làm gì?

Thứ 7, 05/09/2015 | 08:46:00 125 lượt xem
BP - Sau gần 30 năm đổi mới, nước ta từ một quốc gia thiếu đói thường xuyên đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới. Thế nhưng, nhìn ra các nước trong khu vực thì việc xuất khẩu gạo của nước ta không khỏi chạnh lòng, vì chỉ chạy đua số lượng mà chưa quan tâm tới chất lượng.

Theo Bộ Công thương, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo ra các thị trường như Trung Quốc 2,1 triệu tấn, Philipines 1,4 triệu tấn, châu Phi 800 ngàn tấn, Malaysia 450 ngàn tấn, Indonesia 350 ngàn tấn, Cuba 300 ngàn tấn và các thị trường khác khoảng 1,1 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo, dự kiến cả năm sẽ xuất 6,5 triệu tấn... Đó là những con số khổng lồ đối với một quốc gia đã từng thiếu đói nhưng nhìn lại thì số lượng xuất khẩu này không nói lên điều gì. Bởi nếu so sánh với Campuchia, nước mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo có 5 năm, sau ta đến 15 năm nhưng họ có những cách làm mà chúng ta phải học tập. Trước hết nói về thị trường, Việt Nam đã có thâm niên hơn 20 năm xuất khẩu gạo nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở 10 thị trường nhỏ hẹp, luôn có sự biến động. Trong khi đó, dù Campuchia có số lượng gạo xuất khẩu rất ít so với chúng ta nhưng họ đã có mặt ở thị trường của 53 quốc gia. Đặc biệt, gạo Campuchia được thị trường khó tính như Mỹ, các nước châu Âu chấp nhận. Về mức độ tăng trưởng, xuất khẩu gạo của Campuchia đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm. Thứ 2 là chất lượng, Campuchia đã xuất khẩu gạo thơm (chất lượng cao) gần 45% trong tổng số lượng gạo xuất khẩu. Còn chúng ta xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng nên giá cả cũng thấp hơn bạn. Ngoài ra, Campuchia đã xây dựng được nhiều thương hiệu riêng như gạo thơm Phka Malis, còn chúng ta hiện vẫn chưa có thương hiệu gạo riêng khi ra thị trường thế giới.

Một số nhà nghiên cứu về nông nghiệp cho rằng, sở dĩ Campuchia làm được điều mà 20 năm nay Việt Nam đang loay hoay tháo gỡ là do họ biết ưu tiên chọn những giống lúa tốt, chỉ trồng một vụ và chủ yếu trồng vào mùa mưa, trồng từng vùng nguyên liệu riêng nên gạo của Campuchia có chất lượng đồng nhất. Đặc biệt, họ luôn tranh thủ mọi cơ hội để quảng bá gạo của mình và đã lập ra Hiệp hội Gạo nhằm loại bỏ những cạnh tranh tốn kém không đáng có giữa các cơ quan quản lý và tạo tiếng nói thống nhất để tiếp thị, vận động cho gạo Campuchia. Trái lại, Việt Nam vẫn thụ động, vẫn trung thành với hình thức bán hàng qua trung gian, chưa tiếp cận nhà phân phối trực tiếp.

Do vậy, Việt Nam tuy là nước xuất khẩu gạo nhiều trong số các quốc gia hàng đầu thế giới nhưng chỉ về mặt số lượng, còn chất lượng và cách làm cần phải học tập nước bạn nhiều hơn.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu