Thứ 7, 20/04/2024 07:36:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:22, 17/04/2014 GMT+7

Nhiều băn khoăn khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012

Thứ 5, 17/04/2014 | 15:22:00 1,761 lượt xem

Sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 và về việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh casino. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thảo luận tại phiên họp 

Theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, Chính phủ trình quyết toán thu, chi NSNN năm 2012 với tổng số thu cân đối NSNN là 1.058.140 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 1.170.924 tỷ đồng; Bội chi NSNN 154.126 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 41.342 tỷ đồng).

Thẩm tra báo cáo quyết toán, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) đánh giá, về thu ngân sách năm 2012, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng chỉ đạo công tác thu ngân sách. Tuy nhiên, Thường trực UBTCNS nhận thấy nổi lên một số vấn đề. Đó là do chưa tính đủ số tiền hoàn thuế nên thực chất thu NSNN năm 2012 không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc; Công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn.

Về chi ngân sách nhà nước, UBTCNS đánh giá, trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp (tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng) thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), trong đó có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%. Bên cạnh đó, một số địa phương chi hỗ trợ không đúng chế độ quy định, một số địa phương hụt thu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Chi thường xuyên năm 2012 vượt dự toán nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực NSNN, như: chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình đạt 96,4% dự toán, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7% dự toán, chi sự nghiệp kinh tế đạt 97,1% dự toán, chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88% dự toán. “Đây là các khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán và đã được Quốc hội thường xuyên đề cập trong các kỳ họp. Thường trực UBTCNS đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục hạn chế này” - Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển thẳng thắn.

Về bội chi ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, các tỷ lệ dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia so với GDP được bảo đảm an toàn trong phạm vi giới hạn cho phép. Song cũng có ý kiến cho rằng, số bội chi NSNN như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình bội chi như: chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định lộ trình cụ thể để xử lý những khoản nợ và khoản ứng nhằm bảo đảm tính chủ động trong điều hành NSNN, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...

Không chỉ cơ quan thẩm tra, kết quả kiểm toán do Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày cũng chỉ ra  các vi phạm trong thu chi ngân sách năm 2012. Tuy vậy, cả cơ quan thẩm tra và cả Kiểm toán Nhà nước vẫn thống nhất với các con số quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 được Chính phủ trình.

Những vấn đề tồn tại nổi bật được nêu trong báo cáo thẩm tra và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được các đại biểu đánh giá là “câu chuyện đã cũ bởi năm nào cũng xảy ra”. Thậm chí, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì “nhìn vào báo cáo không thể thấy yên tâm khi tồn tại năm sau vẫn như năm trước nhưng trầm trọng hơn. Nhiều khoản thu đạt rất thấp mà chưa nêu được lý do chính đáng, rồi nợ thuế, thất thu thuế cũng rất đáng lo ngại”.

Ông cũng đề xuất UBTVQH phải báo cáo trước Quốc hội giải pháp để giảm dần những tồn tại, hạn chế trong các năm qua. “Quyết toán ngân sách năm 2013 thì không kịp nữa, nhưng phải quyết tâm khi quyết toán ngân sách năm 2014 sẽ không còn xảy ra hoặc xảy ra rất thấp trong tầm kiểm soát các vấn đề đã nêu” - ông Giàu đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng bày tỏ lo lắng khi chia sẻ “từ Quốc hội khóa X đến nay, những vấn này tôi đã được nghe mãi rồi”. Ông càng băn khoăn khi kiểm toán đã nêu ra hàng loạt sai phạm nhưng biểu quyết lại nhất trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng nhận định, báo cáo của kiểm toán sâu sắc, báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng sâu sắc, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nhưng mỗi lần quyết toán ngân sách nhà nước đều tranh luận qua lại nhưng cuối cùng cũng biểu quyết hết.

Cơ bản đồng tình với báo cáo của UBTCNS và Kiểm toán Nhà nước, song Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị: Làm rõ các lí do chi không đạt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo... là do dự toán không sát hay tổ chức thực hiện không đảm bảo?

Cũng trong sáng 17-4, các đại biểu cho ý kiến về về việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh casino.

Nguồn ĐCSVN

  • Từ khóa
5841

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu