Thứ 6, 29/03/2024 12:26:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:40, 10/12/2016 GMT+7

Nhiều băn khoăn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 10/12/2016 | 08:40:00 124 lượt xem
BP - Những ngày vừa qua, cử tri và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến những nội dung của kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Bình Phước (khóa IX). Ngày làm việc thứ 2 (6-12), các đại biểu đã chất vấn một số ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh. Trong đó, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm, lắng nghe và bàn thảo khá sôi nổi.

Điều mà người dân lo lắng là việc 12 xã được chọn về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng một số tiêu chí còn phải “nợ”; trong khi đó, một số tiêu chí khác chưa thật sự bền vững và tình trạng nợ đọng vốn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh, trả lời rằng, một số tiêu chí chưa thực sự bền vững chủ yếu là môi trường, an ninh trật tự. Đây là những tiêu chí “nhạy cảm”, không cần nhiều nguồn lực về vốn nhưng khi đạt cũng khó bền vững. Về vấn đề nợ đọng vốn, trong 12 xã thì có 8 xã nhưng khi phân tích chỉ có 2 xã là Lộc Hưng (Lộc Ninh) nợ 5,1 tỷ đồng, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) nợ 3,8 tỷ đồng. Mặc dù việc nợ đọng vốn là không lớn, nhưng cử tri vẫn băn khoăn, lo ngại. Điều quan trọng nữa là, mặc dù nhiều xã NTM hiện nay được đầu tư đường, điện, trường học, trạm y tế khá quy mô, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi nhưng đời sống người nông dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trong khi đó, nếu muốn có NTM đúng thực chất thì một trong những điều cần quan tâm là phải lấy mức sống của người dân để làm chuẩn. 

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã dành một ngày (4-11) thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Tuấn Anh đã phát biểu: “Cần phải điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến “phá sản”; đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho chương trình này cũng như mức độ tác động của nó đến tình trạng ngân sách chung”. Ông Nguyễn Tuấn Anh đã lấy ví dụ từ số liệu khảo sát ở tỉnh Bình Phước. Theo đó, tổng vốn đầu tư trung bình cho một xã NTM ở tỉnh là khoảng 175 tỷ đồng. Tỉnh Bình Phước có 92 xã, thì tổng vốn để triển khai công việc này sẽ là 16.090 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách tỉnh thu khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để xây dựng NTM phải tập trung tạo năng lực phát triển cốt lõi cho nông nghiệp, nông thôn trên hai tuyến lực lượng chủ thể và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tại mỗi địa phương. Ở đây, lực lượng chủ thể mới trong nông nghiệp chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên kết với nông dân, với sự hỗ trợ khuyến khích của nhà nước. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói: “Không có doanh nghiệp dẫn dắt, không phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn ngày càng dựa vào công nghệ để phát huy lợi thế đặc sản khác biệt, nông nghiệp sẽ không thể phát triển, nông thôn sẽ không thể khang trang, người nông dân sẽ không thể trở nên giàu có thì NTM sẽ không có ý nghĩa gì”. Và cử tri Bình Phước rất tán đồng ý kiến gợi mở này của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108536

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu