Thứ 4, 24/04/2024 19:57:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:14, 09/05/2018 GMT+7

Nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân bị sâu hại cây điều

Thứ 4, 09/05/2018 | 15:14:00 112 lượt xem
BP - Điều là một trong 3 cây trồng chủ lực của nông dân huyện biên giới Lộc Ninh. Từ niên vụ 2016-2017 đến nay, do bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại đã làm mất mùa điều, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Hiện nay, vườn điều 7 ha từ 5-10 năm tuổi của gia đình ông Hoàng Văn Hiến ở tổ 8, ấp K54, xã Lộc Thiện chỉ thu được trên 2 tấn điều khô. Ông Hiến cho biết: Những năm trước, tôi thu trên 10 tấn, niên vụ 2016-2017 chỉ đạt 8 tấn. Niên vụ này, mặc dù tôi đã thuê nhân công phun thuốc 4 lần với tổng chi phí trên 10 triệu đồng, nhưng năng suất vẫn giảm mạnh, chỉ đạt 1/3. Đây là tình hình chung của nhiều nông dân trồng điều trên địa bàn huyện Lộc Ninh.

Niên vụ 2017-2018, vườn điều của gia đình ông Hoàng Văn Hiến ở tổ 8, ấp K54, xã Lộc Thiện năng suất giảm nhiều

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết: Toàn huyện có trên 2.600 ha đất trồng điều, nhưng có đến hơn 1.300 ha điều bị sâu bệnh hại. Niên vụ 2016-2017 điều cho năng suất thấp bởi ảnh hưởng thời tiết, thì niên vụ này có khả năng đạt 2 tấn/ha; riêng những vườn điều bị sâu bệnh hại năng suất giảm từ 50-60%. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND huyện tiến hành các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng điều và thực hiện giải pháp phát triển cây điều trên địa bàn huyện.

Từ ngày 17-3 đến 13-4, Tổ thẩm định và xét duyệt danh sách các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 của huyện đã kiểm tra thực tế một số vườn điều của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số tại 12/16 xã, thị trấn bị thiệt hại. Kết quả kiểm tra cho thấy, có trên 436 ha điều bị sâu bệnh hại với 794 hộ. Thiệt hại nặng nhất là xã Lộc Thành (132 ha) và ít nhất là xã Lộc Tấn (9,7 ha). “Kiểm tra thực tế, nhiều vườn điều của nông dân bị sâu bệnh như thán thư, bọ xít muỗi... Qua mấy tháng chăm sóc nhưng cây phục hồi, phát triển chậm, ảnh hưởng đến năng suất niên vụ 2017-2018” - bà Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Tổ trưởng Tổ thẩm định nói.

 “Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh đã họp bàn, thống nhất đề nghị phương án hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tới đây, phòng sẽ tổ chức 2 đợt chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến nông dân về cách phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, bảo vệ bông và trái non đúng quy trình. Đồng thời, tăng cường công tác thanh - kiểm tra các công ty, cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng để người dân yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh Trần Hùng cho biết. 

Duy Khôi

  • Từ khóa
42688

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu