Thứ 7, 27/04/2024 09:23:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:20, 11/04/2015 GMT+7

Nhiều cách làm hay trong xây dựng NTM ở Đắk Nhau

Thứ 7, 11/04/2015 | 06:20:00 277 lượt xem
BP - Là xã khó khăn của huyện Bù Đăng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, đồng bào dân tộc thiểu số đông và dân cư sống không tập trung nên xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đắk Nhau gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, Đắk Nhau không phải là xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, nhưng thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hoàn thành 8 trong tổng số 19 tiêu chí của chương trình.

THẮP SÁNG ĐƯỜNG NÔNG THÔN

Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau Nguyễn Tiến Trọng cho biết: Một trong những yếu tố góp phần giữ vững an ninh trật tự là việc các thôn tự nguyện góp tiền xây dựng hệ thống đèn đường thắp sáng ban đêm. Nhờ đó, an toàn giao thông được đảm bảo, nạn trộm cắp hạn chế nhiều. Hiện xã có 6/8 thôn đã lắp xong đèn đường, còn 2 thôn Đắk Liên và Đắk La sẽ vận động làm trong năm nay.

Đường điện thôn Bù Ghe góp phần bảo vệ an ninh thôn xóm (ảnh lớn). Ông Dũng trực ngày đêm để đánh kẻng báo động an ninh trong thôn (ảnh nhỏ trên). Anh Kiểm đã tự nguyện hàn, uốn trụ đèn cho thôn (ảnh nhỏ dưới)

Đến thôn Bù Ghe vào thời điểm này, hệ thống đèn đường dựng lên, trên mỗi thân cột đều được treo cờ Tổ quốc. Ông Vũ Thanh Nam, Bí thư chi bộ thôn nói: “Trước đây, trong thôn hay xảy ra trộm cắp, thanh thiếu niên tụ tập gây mất trật tự, đi xe môtô lạng lách, đánh võng nhiều trong đêm. Lúc đó, thôn Đắk Xuyên đã thành công trong việc vận động người dân xây dựng đường điện chiếu sáng và đã mang lại lợi ích thiết thực nên chúng tôi làm theo. Thôn hiện có 302 hộ, trong đó hơn 30% hộ dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã vận dụng linh hoạt trong việc đóng góp xây dựng, hộ người Kinh có điều kiện thì góp tiền, còn hộ đồng bào góp công sức”.

Sau khi người dân trong thôn họp bàn thống nhất cách làm và bình xét tổ thi công, tổ giám sát, chỉ trong 1 tuần của tháng 6-2014, thôn đã hoàn thành 57 trụ điện trên đoạn đường dài 2km với kinh phí 61 triệu đồng. Điển hình là anh Nguyễn Văn Kiểm, chủ cửa hàng kỹ nghệ sắt trong thôn vừa tự nguyện hàn, uốn trụ đèn, vừa cho dùng nhờ đường điện.

TIẾNG KẺNG AN NINH

Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh thôn xóm ở Đắk Nhau đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng mất an ninh, đặc biệt nạn trộm chó, gây rối trật tự công cộng, tạm trú không khai báo... làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Học ở thôn Đắk Liên được xây nhà đại đoàn kết từ Quỹ vì người nghèo của xã và các nhà hảo tâm hỗ trợ

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban mặt trận thôn Đắk Lung cho biết: Ngoài việc người dân trong thôn góp 81 triệu đồng làm đường điện với 81 trụ đèn trên đoạn đường dài 2,4km, thôn còn duy trì “Tiếng kẻng an ninh” từ tháng 8-2014 đến nay. Đây là mô hình điểm, tạo hiệu ứng tốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Thôn có 3 tổ an ninh tự quản, các thành viên thay phiên nhau đi tuần ban đêm, chịu trách nhiệm đánh kẻng. Hàng đêm vào lúc 22 giờ, chúng tôi sẽ đánh kẻng, cảnh báo người dân hạn chế đi ra đường. Người lạ đi qua, chúng tôi sẽ theo dõi và cảnh báo nếu có nghi vấn. Khi nghe tiếng kẻng, mọi người trong thôn sẽ đổ ra đường cùng vây bắt đối tượng. Nhờ đó chúng tôi đã bắt được 2 vụ trộm giao công an xã xử lý. Cũng nhờ tiếng kẻng nên việc quản lý người dân ra vào thôn được chặt chẽ hơn, đảm bảo đúng quy định về khai báo tạm trú, tạm vắng.

Anh Điểu Liên nói: Từ khi có tiếng kẻng an ninh, chúng tôi thấy an tâm, cảnh giác với kẻ lạ tốt hơn. Nhờ vậy người dân có tinh thần tập thể trong việc giữ gìn an ninh nông thôn, tránh tình trạng trộm cắp vặt trên địa bàn, nhất là vào những vụ điều, người dân tập trung thu hoạch nên vô tình tạo kẽ hở cho kẻ gian đột nhập.

TỰ NGUYỆN GÓP TIỀN LÀM NHÀ VĂN HÓA

Trước đây, người dân thôn Bù Ghe phải sinh hoạt cộng đồng tạm bợ hoặc mượn nhà dân. Với tinh thần tự nguyện hiến đất, góp sức góp tiền, năm 2014, người dân trong thôn đã xây dựng xong nhà văn hóa trị giá 160 triệu đồng. Toàn bộ quỹ đất 1.400m2 do 10 hộ xung quanh tình nguyện hiến, tặng. Đây là kết quả của tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng khu dân cư văn hóa.

“Kinh tế còn thiếu thốn nên tôi đóng góp công lao động trong suốt một tuần thi công. Giờ đây, chúng tôi hiểu ra, nếu đồng lòng và hợp sức nhau là làm được, không nên ỷ lại vào Nhà nước”.

Anh Điểu Hồng, thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau

Thôn Bù Ghe có 295 hộ, trong đó 25% đồng bào Mơnông, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn hơn 10%, đời sống còn nhiều khó khăn. Để có kinh phí xây dựng, cán bộ, đảng viên trong thôn đã gương mẫu đi đầu, đóng góp mỗi hộ 500 ngàn đồng. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp 300 ngàn đồng, các hộ khác đóng 500 ngàn đồng. Thôn còn vận động các hộ có kinh tế khá, hộ kinh doanh ủng hộ quạt điện, vật liệu xây dựng. Mỗi gia đình ủng hộ một ghế ngồi họp, các thiết bị âm thanh, loa máy đều được người dân cho mượn. Từ ngày có nhà văn hóa, người dân trong thôn vui mừng vì có nơi sinh hoạt chung và góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào các dịp lễ, tết.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Trọng cho biết: Là xã khó khăn, có điểm xuất phát thấp nhưng đến nay xã đã đạt 8 tiêu chí NTM gồm: cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường... Cái khó của xã trong xây dựng NTM còn rất nhiều, tập trung chủ yếu là đường giao thông nông thôn, hộ nghèo và thu nhập. Thời gian tới, xã sẽ tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, gắn với phát triển ngành chế biến nhằm tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Từ đó tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân trong xã, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người từ 25-30 triệu đồng/năm. Xã còn định hướng cho người dân phát triển nông nghiệp bền vững bằng nhiều hình thức cụ thể, như tập huấn trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn ghép, cải tạo vườn cà phê, điều già cỗi; xen cà phê dưới tán điều, chăm sóc cao su, trồng nấm, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Hải Châu

  • Từ khóa
53794

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu