Thứ 7, 20/04/2024 15:55:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:00, 24/04/2018 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BÙ ĐỐP

Nhiều giải pháp chăm lo đời sống người có công

Thứ 3, 24/04/2018 | 15:00:00 221 lượt xem

BP - Để giúp gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, thời gian qua, huyện Bù Đốp đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và “Uống nước nhớ nguồn”. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công ngày càng được nâng cao. Bù Đốp còn khuyến khích các gia đình chính sách, thương - bệnh binh nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Toàn huyện Bù Đốp hiện có 2.051 người có công, trong đó 332 đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng và 1.719 đối tượng hưởng chế độ một lần. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn 10 gia đình người có công là hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, những năm qua Bù Đốp đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi mà Đảng và Nhà nước dành cho người có công và thân nhân của họ. Huyện đang chi trả trợ cấp hằng tháng cho 332 đối tượng người có công. Tổ chức cho người có công đi an dưỡng hoặc điều dưỡng tại nhà theo quy định (từ năm 2003 đến nay đã giải quyết cho 975 lượt người có công được an dưỡng). Cấp đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân (năm 2018 đã cấp 1.731 thẻ). Hằng năm, huyện giải quyết chế độ ưu đãi cho 471 trường hợp là con em người có công với số tiền trên 1 tỷ đồng. Song song đó, huyện còn làm tốt việc chi trả các chế độ mai táng, trợ cấp một lần, dụng cụ chỉnh hình và thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết...

Dù tuổi cao, nhưng không ỷ lại chế độ chính sách của Nhà nước, hằng ngày mẹ liệt sĩ Trần Thị Ía, ấp Tân An, xã Tân Tiến vẫn gói bánh tét kiếm thêm thu nhập

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn huyện Bù Đốp có 99 gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Huyện còn vận động nhà hảo tâm đóng góp xây dựng được 40 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công; 139 căn nhà tình nghĩa từ nguồn ngân sách và vận động trị giá 2,4 tỷ đồng. Đối với gia đình chính sách, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, huyện cũng vận động các tổ chức, đơn vị, cơ quan... nhận phụng dưỡng. Hiện trên địa bàn có 6 đối tượng được phụng dưỡng 500 ngàn đồng/tháng/người.

Mẹ liệt sĩ Trần Thị Ía năm nay 78 tuổi, đang sống với cháu ngoại ở ấp Tân An, xã Tân Tiến. Năm 2003, mẹ được Nhà nước hỗ trợ xây tặng căn nhà tình nghĩa trị giá 47 triệu đồng. Mẹ cho biết: “Tôi rất vui vì được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ. Ngoài số tiền trợ cấp hằng tháng, tôi còn được Công an huyện phụng dưỡng 500 ngàn đồng/tháng, giúp 2 bà cháu cải thiện sinh hoạt hằng ngày”.

KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Những năm qua, nhờ sự chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tạo thêm niềm tin cho các thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công. Từ đó, giúp họ nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; luôn gương mẫu, giáo dục con cháu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thương binh 4/4 Nguyễn Tiến Duật, ấp 3, xã Thanh Hòa phát triển kinh tế từ trồng trọt kết hợp chăn nuôi

Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Tiến Duật, trú ấp 3, xã Thanh Hòa (Bù Đốp), từ Bắc Ninh vào Bình Phước lập nghiệp năm 2000. Để ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, vợ chồng ông Duật thuê đất trồng hoa màu. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, vợ chồng ông đã có đất ở và 0,9 ha đất trồng điều. Ông Duật cho biết: “Do không chăm bón nên điều cằn cỗi, vì vậy, mỗi năm vợ chồng tôi chuyển đổi một ít diện tích sang trồng tiêu và kết hợp nuôi thêm gà, vịt, ngỗng, dê. Hiện gia đình tôi có 1.000 nọc tiêu đã cho thu hoạch, 30 con dê và hơn 100 con gà, ngỗng, vịt... mỗi năm thu khoảng 250 triệu đồng. Giờ đây, kinh tế gia đình khá hơn, các con trưởng thành và có việc làm ổn định, các cháu nội, ngoại chăm ngoan học giỏi nên vợ chồng tôi rất vui”.

Tương tự thương binh hạng 4/4 Giang Văn Long, ở ấp 8, xã Thanh Hòa đã vươn lên thoát nghèo từ năm 2004. Ngoài 6 sào đất trồng tiêu, vợ chồng ông Long còn nuôi thêm dê để tăng thu nhập. Số tiền thu được từ làm vườn và chăn nuôi đủ để gia đình ông chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và lo cho 2 con ăn học. Hiện người con gái đầu của ông là Giang Thị Hồng Hạnh (21 tuổi) tốt nghiệp Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 (TP. Hồ Chí Minh), đang công tác tại Công an huyện Bù Đốp; con trai Giang Văn Thìn (18 tuổi) đang học Trường THPT Thanh Hòa. Năm nào Thìn cũng đạt học sinh giỏi và giành nhiều giải thưởng tại kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Bà Dương Thị Xuân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đốp cho biết: “Các hoạt động chăm lo, giúp đỡ gia đình thương - bệnh binh, liệt sĩ và người có công là việc làm thường xuyên ở huyện Bù Đốp. Nhờ đó đời sống người có công trên địa bàn ngày một nâng cao. Gia đình người có công thuộc diện nghèo chỉ còn 10 hộ, giảm 4 hộ so với đầu năm 2017. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người có công như: Hỗ trợ vay vốn, nhà ở. Bên cạnh đó, phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các hộ khó khăn về nhà ở; thường xuyên phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc và tặng quà gia đình người có công nhân dịp lễ, tết.

Thùy Hương

  • Từ khóa
60509

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu