Thứ 6, 29/03/2024 05:35:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:52, 24/08/2018 GMT+7

Tản văn

Nhớ một thời nhà tranh vách đất

Thứ 6, 24/08/2018 | 13:52:00 844 lượt xem

BP - Bạn vừa kết thúc chuyến du lịch cùng các đồng môn lớp phổ thông tại một vùng núi miền cực bắc Tổ quốc. Khác với những lần trước là khoe cưỡi voi, lội suối Tây Nguyên, tắm biển Vũng Tàu, lượn tàu cao tốc ở Vinpearl Nha Trang... lần này bạn khoe trên “phây” mấy tấm hình chụp những mái tranh đơn sơ của bà con dân tộc vùng Tây Bắc. Dưới mấy tấm hình ấy là câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Trải bao mưa nắng mà thành quê hương”. Vậy mà phía dưới dòng trạng thái ấy, có rất nhiều comment. Ai cũng bày tỏ sự nhung nhớ ngày xưa, cái thời ăn đói mặc rét và nhà tranh vách đất nhưng đầm ấm, yên bình. Nhìn những tấm hình của bạn và đọc những lời bình luận, chợt nhớ da diết cái thời gia đình tôi còn sống trong mái nhà tranh ở cái xóm nhỏ cuối làng.

Quê tôi ngày trước hiếm hoi lắm mới có được ngôi nhà ngói tường xây. Phần nhiều trong làng là mái tranh vách đất. Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Nhà chỉ là mái tranh che tạm nắng mưa. Những chiều đông buốt giá, tan học là tôi chạy thật nhanh về nhà với cái bụng sôi òng ọc. Về tới ngõ, nhìn thấy làn khói bay là là trên mái bếp ẩm ướt là tôi đã thấy ấm lòng rồi. Trong căn bếp nhỏ ấy, chắc chắn mẹ đang nấu cơm, hay ít nhất cũng có nồi khoai lang luộc. Ngày bão, gió giật phăng những tấm tranh đi, mái nhà chỉ còn lác đác vài tấm ở lại. Gia đình tôi co cụm lại dưới sự chở che của những tấm tranh còn sót lại. Bỗng thấy thương mái tranh quá đỗi! Bão tan, xóm giềng lại ới nhau xúm xít cùng gia đình tôi dựng mái tranh mới. Nhìn những người hàng xóm vót nan, chẻ lạt, xăng xái đánh tranh, dựng cột, lợp lại mái nhà cho gia đình mình, tôi cảm nhận sâu sắc sự đùm bọc của xóm giềng, của quê hương. Rồi mùa giông bão dằng dặc cũng qua đi, khi nắng hửng lên, mái tranh bốc lên mùi âm ẩm, ngai ngái rất đặc trưng. Ngày ấy, cả làng cả xã sống trong đói nghèo nhưng không ai thấy mình nghèo đói. Không chỉ những đứa trẻ mà cả người lớn cũng hồn nhiên chấp nhận cảnh nghèo. Dưới mái tranh nghèo mà yên bình ấy, thời gian cứ trầm mặc, lặng lẽ trôi không chút vội vã và con người sống với nhau thật hiền hòa, thân thiện.

Bây giờ những mái nhà tranh chỉ còn hiện diện trong tranh, ảnh. Cũng có vài bộ phim Việt dựng lại bối cảnh xưa nhưng ai đã từng sống trong những mái nhà tranh sẽ thấy nhà làm phim dựng cảnh rất vụng về và ẩu. Nhà tranh thì làm gì có cửa, nhà ai cẩn thận lắm cũng chỉ có tấm liếp chắn trước nhà, sáng dậy lấy cây gậy chống nó lên. Những người có chiều cao trên mét sáu chắc chắn phải cúi người mới vào được nhà. Làm gì có chuyện những con gái nhà lành cao trên mét bảy tựa cửa đứng đợi người yêu như một vài bộ phim mô phỏng!

Khi tôi vào đại học là đã vào thời “khoán một trăm” - nghĩa là giao khoán ruộng cho nông dân theo Nghị quyết số 100 của Ban Chấp hành Trung ương. Với sự tích lũy, chuẩn bị từ vài năm trước, hai năm sau ngày được giao khoán ruộng, thầy mẹ tôi bán đi hơn tấn lúa, bầy lợn và vay mượn thêm của họ hàng để “lên đời” căn nhà. Từ ngôi nhà tranh xập xệ, nền đất ẩm mốc, gia đình tôi hân hoan dọn vào ngôi nhà tường xây mái ngói đỏ tươi. Đó cũng là giao thời giữa những mái nhà tranh mốc thếch và nhà ngói tường xây. Và rồi tôi chợt nhận ra rằng, trong cái nhọc nhằn, bần hàn của thời thân tre, thân luồng làm cột, bùn nâu làm vách và rơm rạ làm mái, lại có những niềm vui bé nhỏ, sự ấm áp của thương yêu đọng lại.

Bây giờ về lại quê, những mái tranh xưa đã được thay bằng những ngôi nhà đổ tấm. Có cả những ngôi nhà mái Thái khang trang, hiện đại và tất cả đều cổng cao tường kín. Mừng vì quê đổi thay diện mạo, ngày càng giàu đẹp hơn nhưng lòng không khỏi bâng khuâng, nhớ lại thời nhà tranh vách đất!

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93700

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu