Thứ 5, 25/04/2024 07:09:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:55, 24/03/2019 GMT+7

Nho sĩ thức thời

Chủ nhật, 24/03/2019 | 14:55:00 239 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, Trương Bá Huy, hiệu Phước Âm, chưa rõ năm sinh, người làng Phước Ấm, tổng Phú Mỹ Trung, huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.Năm 1906, Trương Bá Huy thi đỗ tú tài. Trong khoa thi năm này, 2 viên chánh và phó chủ khảo là Tạ Tương (chủ khảo) và Án sát Quảng Nam là Từ Thiệp (phó chủ khảo) chủ trương ăn hối lộ, ai nộp tiền thì cho đỗ còn ai dù học giỏi nhưng nhà nghèo thì cũng bị đánh hỏng.

Trước sự nhũng nhiễu của quan lại trường thi, Dương Thưởng lúc bấy giờ là con nhà nghèo nhưng rất siêng học, tính tình lại hết sức khảng khái, được các bạn đồng học trọng tình tặng cho cái tiếng “Nguyên phương Quý phương” đã cầm đầu nhóm sĩ tử trường thi đâm đơn kiện chánh, phó chủ khảo. Triều đình cho phúc khảo, kết quả Dương Thưởng được chấm đỗ tú tài còn một số cử nhân bị truất xuống tú tài. Ở huyện Thăng Bình trong khoa thi này có 4 người được phúc khảo và đỗ tú tài là Trương Bá Huy, Ngô Đạm, Nguyễn Phan Tuân...

Minh họa: S.H

Vụ kiện này được sách “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết: Năm ấy thi hương, sĩ tử có nhiều người làm đơn kêu với Cơ mật viện và Tòa sứ rằng quan trường thiên vị cẩu thả, lấy bỏ không tinh, có người đáng được lấy đỗ thì bị đánh rớt, có người bị đánh rớt thì được lấy đỗ, lại thêm chuyện họ hàng của quan trường dự thi. Về sau, triều đình đã giáng 8 cử nhân, truất 19 tú tài và lấy thêm 8 tú tài. Chủ khảo Tạ Tương, Phó chủ khảo Từ Thiệp đều bị đánh 80 trượng, theo phép công giáng 2 cấp lưu. Mặc dù thi đậu nhưng Trương Bá Huy không tham gia chính quyền thực dân, mà tham gia các phong trào cách mạng tại quê nhà.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, đời sống người dân nước ta hết sức cơ cực bởi sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã ra sức vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân dân. Chúng còn đưa ra nhiều loại thuế mới, chủ yếu đánh vào người nông dân. Trước sự chèn ép và bóc lột của chính quyền thực dân cũng như quan lại của chính phủ Nam triều đã làm cho nhân dân ngày càng phản ứng gay gắt. Và đây là nguyên nhân nổ ra cuộc biểu tình vĩ đại hay “chính biến kháng sưu”, được người dân Quảng Nam gọi là “cúp tóc xin xâu”. Tại Thăng Bình, ngày 26-3-1908, dưới sự chỉ huy của Hương Quần, Hương Cảnh và Trương Bá Huy, đông đảo quần chúng nhân dân đã kéo đến bao vây phủ đường Thăng Bình, nhưng lính gác trong phủ nổ súng làm một số người bị thương. Sau đó, phong trào bị dập tắt, lãnh đạo của phong trào là Hương Quần, Hương Cảnh và Trương Bá Huy đều bị bắt.

Ngày 11-5-1908, một phiên tòa do Hồ Đắc Trung - Tổng đốc Quảng Nam thành lập tại làng La Qua, phủ Điện Bàn để xử Trương Bá Huy và những người có liên quan đến phong trào cự sưu kháng thuế.  Ngày 15-8-1908, Trương Bá Huy cùng 8 người khác đều mang gông xiềng bị đưa lên một toa xe lửa bít bùng chở ra Đà Nẵng để xuống tàu thủy vào Sài Gòn rồi đi đày nơi Côn Đảo. Những năm tháng bị lưu đày nơi Côn Đảo, Trương Bá Huy và các bạn tù của mình đã trải qua biết bao khổ cực, đắng cay. Tháng 1-1914, Trương Bá Huy, Trần Cao Vân, Lê Ngung, Lê Bá Trinh, Nguyễn Hổ Khê,... được ân xá. Khi hay tin các cụ từ Côn Đảo trở về, chí sĩ Thái Phiên cùng với Phan Hiên vào Quảng Nam để gặp Trần Cao Vân nhằm bàn bạc tiến hành cuộc khởi nghĩa Duy Tân.

Nhưng do tên tay sai Trần Quang Trứ mật báo với Tòa Khâm sứ Pháp, dẫn tới cuộc khởi nghĩa thất bại. Vua Duy Tân bị cầm giữ ở đồn Mang Cá; Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị tống giam ở nhà lao Huế. Ở Quảng Nam, trước khi cuộc khởi nghĩa diễn ra thì đã bị lộ, lại thêm Tuần vũ Nguyễn Đĩnh phản lại đảng, tố giác âm mưu khởi nghĩa, đồng thời cung cấp danh sách những người trong đảng nên thực dân Pháp bắt không sót người nào. Trương Bá Huy cùng nhiều đồng chí khác bị bắt và đày ra Lao Bảo - một “địa ngục trần gian” khét tiếng lúc bấy giờ.  Năm 1918, nhân một vụ phản kháng bọn cai ngục đàn áp tàn bạo các tù nhân, Trương Bá Huy bị thảm sát cùng một lần với Lê Cơ, Dương Thưởng, Lê Trọng Đoàn... và các bạn tù khác.

Lời bàn:

Kể từ khi thực dân Pháp nổ súng chính thức xâm lược Việt Nam đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã từng bước thỏa hiệp và đi đến đầu hàng nhưng nhân dân ta thì không ngừng đấu tranh với Pháp. Nhưng rồi tất cả cuộc khởi nghĩa nông dân đều thất bại. Vì lãnh đạo của các cuộc khởi nghĩa này đều là nho sĩ yêu nước. Mà các nho sĩ coi nhân dân là đối tượng để hiện thực hóa tư tưởng duy tân, là lực lượng hậu thuẫn chứ chưa phải là chủ thể của công cuộc duy tân, giải phóng dân tộc. Và như vậy, cách mạng Việt Nam thời kỳ này vẫn trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, thực chất là khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Đã 103 năm qua, cho dẫu cuộc vận động khởi nghĩa chống Pháp cứu nước do vua Duy Tân và các lãnh đạo của Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức và chỉ đạo năm 1916 bất thành, nhưng sự kiện đó đã để lại di sản tinh thần to lớn về tình yêu quê hương, tinh thần tự chủ, tự cường đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Qua đó, chúng ta thấy được tinh thần vì nước tận hiến của vua Duy Tân và nhiều chí sĩ như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Trương Bá Huy, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu... Cuộc đời cùng với sự hy sinh anh dũng của các vị tiền nhân - những nho sĩ yêu nước và thức thời mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau noi theo.

N.D

  • Từ khóa
110164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu