Thứ 5, 18/04/2024 07:41:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:27, 07/09/2019 GMT+7

Nhộn nhịp chợ vùng biên

Thứ 7, 07/09/2019 | 14:27:00 1,418 lượt xem
BP - Chợ biên giới Thiện Hưng (Bù Đốp) không chỉ diễn ra các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa người dân 2 nước thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp địa phương tự sản xuất, trung bình mỗi ngày chợ tiếp nhận và xuất đi hàng chục tấn hàng hóa, đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chợ biên giới Thiện Hưng cách trung tâm huyện Bù Đốp 3km và Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu 15km. Chợ hình thành từ trước năm 1975. Để xứng tầm trung tâm kinh doanh hàng hóa nhộn nhịp bậc nhất huyện biên giới Bù Đốp, ngày 31-1-2018, sau gần 4 năm nâng cấp, mở rộng trên nền chợ cũ với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng, chợ Thiện Hưng hoạt động trở lại với dáng dấp mới, bảo đảm tiêu chuẩn chợ nông thôn mới.

Nhộn nhịp chợ vùng biên

Một ngày cuối tháng 8-2019, chúng tôi tới chợ Thiện Hưng. Mới hơn 3 giờ sáng nhưng cảnh kẻ bán - người mua đã nhộn nhịp. Những thùng hàng với đủ loại sản phẩm từ bông, trái cây, cá đến các nhu yếu phẩm được bốc dỡ, vận chuyển đến từng lô sạp. Trời càng về sáng, người mua, người bán đổ về chợ càng đông. Bà Nguyễn Thị Thanh, một hộ kinh doanh tại đây cho biết: “Tuy chợ không rộng lớn như các chợ ở thành phố hay thị xã nhưng sự nhộn nhịp không thua kém. Do đặc thù Thiện Hưng là xã vùng sâu, xa, biên giới, người dân trong xã đa số canh tác các loại cây công nghiệp lâu năm hoặc làm công nhân tại các nông trường cao su nên 90% hàng hóa sinh hoạt hằng ngày đều phải ra chợ mua”.

6 giờ sáng, những chuyến xe hàng rong của tiểu thương nhập hàng từ chợ Thiện Hưng chuẩn bị xuất bến đi bỏ mối và bán lưu động

 Không chỉ lái buôn địa phương, những chiếc xe tải biển số Campuchia cùng sự trao đổi bằng tiếng nước bạn làm chúng tôi thêm tò mò. Vừa trao đổi hàng hóa vừa tiếp chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương tại chợ cho biết: Sự kết nối giữa chợ với nước bạn Campuchia thông qua Cửa khẩu Hoàng Diệu (Bù Đốp) bằng con đường độc đạo chưa đầy 15km. Việc thông thương tại chợ đã có từ rất lâu, do đó tiểu thương 2 bên đa phần biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia nên việc mua bán rất thuận lợi. Hàng hóa của nước bạn đưa sang chủ yếu là cá trê, xoài, nước giải khát... Ngược lại, tiểu thương của bạn nhập các mặt hàng tạp hóa từ dầu ăn, bột ngọt đến bánh kẹo... Nhờ trao đổi thêm hàng hóa với bạn hàng nước bạn mà đa số tiểu thương ở chợ khá lên từng ngày.

Và những “tạp hóa di động”

Đồng hành với lái buôn Campuchia là những chiếc xe máy khá đặc biệt. Thoạt nhìn không ai nhận ra đó là xe máy bởi hàng hóa được chất đầy, ngăn nắp, đủ các loại, chỉ lộ 2 bánh xe đã được gia cố những sợi thép to bằng chiếc đũa. Mồ hôi ướt đẫm, đang vội chất hàng lên xe máy để kịp giao cho bạn hàng bên kia biên giới, chị Lê Thị Hồng - một thương lái lâu năm, cho biết: “Đa số lái buôn ở đây đều không có hoặc ít vườn rẫy. Họ gắn bó với nghề bán hàng rong trên địa bàn huyện hoặc bỏ mối hàng cho các chợ ở Campuchia. Để bán hàng trên đất Campuchia không dễ, lái buôn phải biết tiếng Khơme, thông thuộc địa bàn và có bạn hàng tại các chợ mối”.

Anh Nguyễn Văn Sáng ở gần đó tiếp chuyện: “Làm nghề này rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm và đôi khi chở hàng trên đường rất nguy hiểm. Để có lời sau mỗi chuyến đi, những người bán hàng rong phải chất hàng lên xe máy cao hơn người. Những hôm trời nổi giông, gió mạnh, mưa tạt thẳng vào mặt, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chưa kể nhiều hôm trời sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế, khả năng gặp rủi ro rất cao. Khi xe cán vào đinh phải bốc hàng xuống, lấy đồ nghề rồi “tự xử”. Đổi lại, từ mỗi chuyến hàng chúng tôi kiếm được khoảng 300-500 ngàn đồng/ngày”.

Ông Trần Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết: “Chợ Thiện Hưng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên; làm thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng đất biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt còn góp phần xây dựng vững mạnh vùng điểm “Thế trận xã biên giới gắn với xây dựng nông thôn mới” của huyện Bù Đốp”.

Bình Phước có 3 huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh với chiều dài đường biên 260,433km, tiếp giáp 3 tỉnh thuộc nước bạn Campuchia là Mondulkiri, Kratie và Tbong Khmum. Hiện Bình Phước có 2 chợ biên giới sầm uất là chợ thị trấn Lộc Ninh (Lộc Ninh) và chợ Thiện Hưng. Theo số liệu của Sở Công Thương, năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 317,423 triệu USD, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2017. Điều đáng ghi nhận là năm nay tuyến đường từ Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh) đến Cửa khẩu Hoàng Diệu dài hơn 60km đang trong quá trình mở rộng từ 30 lên 60m sẽ được thông tuyến. Qua đó, các loại xe tải, container chở hàng lưu thông dễ dàng, tạo thuận lợi cho việc mua bán của người dân 2 bên biên giới.                         

Đức Trung

  • Từ khóa
44780

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu