Thứ 5, 25/04/2024 07:50:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:08, 24/08/2017 GMT+7

Như thế nào là tự do tín ngưỡng, tôn giáo?

Thứ 5, 24/08/2017 | 09:08:00 5,003 lượt xem
BP - Lâu nay, lợi dụng những sự kiện nhỏ lẻ, nhiều kẻ vẫn “tung hỏa mù” cho rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo. Không khó để bắt gặp những dòng tiêu đề, video, clip, bài viết được cho là “phóng sự điều tra”... nóng hổi trên mạng xã hội để rêu rao rằng đồng bào tôn giáo ở Việt Nam bị mất nhân quyền. Là một công dân Việt Nam, có mấy vấn đề bản thân tôi cảm nhận như sau:

Trước hết, tôi xin khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo đều chung sống hòa bình, tồn tại đan xen, hòa đồng với nhau. Hiện nay, Nhà nước ta đã công nhận 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo và 1 pháp môn tu hành với khoảng gần 25 triệu tín đồ, chiếm 27% số dân, gần 53.000 chức sắc, 133.700 chức việc, 27.900 cơ sở thờ tự. Mỗi năm diễn ra hàng trăm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ở Việt Nam, mọi người đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam đan xen, hòa đồng, chung sống hòa bình với nhau, không có chuyện mâu thuẫn, xung đột tôn giáo. Nếu Việt Nam đàn áp, kỳ thị tôn giáo, không có tự do tôn giáo thì thử hỏi các lễ hội tôn giáo có tồn tại không? Có sự hòa hợp tôn giáo hay không? 

Thứ hai, tôi thấy Việt Nam luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tôn giáo, nhằm tạo điều kiện pháp lý cho các tôn giáo hoạt động. Ai cũng biết Tuyên ngôn độc lập năm 1945 viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Trích dẫn lại lời văn bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ, chúng ta đã khẳng định rằng: Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do của con người, trong đó có tự do tôn giáo. Cùng với đó, năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo. Năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 về tín ngưỡng, tôn giáo; năm 2016 chuyển thành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã chỉ rõ: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”. Như vậy, Việt Nam luôn tôn trọng tự do tôn giáo và tạo mọi điều kiện về mặt pháp lý tốt nhất để các tôn giáo hoạt động thuận lợi, đúng pháp luật.

Thứ ba, ở Việt Nam, nếu các tôn giáo có nhu cầu chính đáng về mặt bằng để xây dựng các cơ sở, nơi hoạt động tôn giáo, nước ta đều quan tâm xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý, trong thời gian nhanh nhất. Đơn cử như việc cấp đất xây dựng Học viện Phật giáo tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), nhà thờ Chi hội Tin lành B’Lạch, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nhà thờ Chi hội Tin lành Đông Phú, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, hay Học viện Phật giáo và Học viện Công giáo... là những nơi đào tạo các chức sắc tôn giáo hàng đầu Việt Nam hiện nay. Tất cả những cơ sở đó đều tự do hoạt động, tuyên truyền và tuyển sinh bất cứ công dân Việt Nam nào theo đúng pháp luật. Vậy thì Việt Nam có tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay không? 

Thứ tư, nếu theo dõi thông tin đầy đủ chúng ta đều thấy được rằng, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối thoại để tìm ra sự đồng thuận trong các vụ việc có liên quan đến tôn giáo. Thực tế thời gian qua, các hoạt động đội lốt tôn giáo để chống phá chính quyền đều đã diễn ra rất phức tạp, thậm chí xảy ra một số vụ việc chống người thi hành công vụ, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn trước sau như một, luôn tìm cách tuyên truyền, đối thoại, vận động, thuyết phục trên tinh thần tôn trọng, đoàn kết mà chưa một lần để đến mức xung đột, đàn áp như nhiều nước phương Tây đã bị lên án. Đơn cử như khi người dân vì quá bất bình với những hành động lợi dụng chính sách tự do tôn giáo để chống phá, chia rẽ đoàn kết lương giáo của linh mục Nguyễn Đình Thục nên đã kéo đến gây sức ép với Nguyễn Đình Thục, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời giải quyết thấu đáo, bảo đảm minh bạch, an toàn cho mọi người dân. Vậy thì nói Việt Nam đàn áp tôn giáo liệu có công tâm, khách quan và đúng sự thật?

Thứ năm, từ nhiều năm qua các cá nhân, tổ chức tôn giáo nước ngoài đánh giá rất cao hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Ngày 23-3-2016, đoàn Giáo hội Cơ đốc Phục lâm quốc tế do mục sư Saw Samuel, Hội trưởng Tổng giáo hội Cơ đốc Phục lâm Nam Á -  Thái Bình Dương đã đến thăm, cảm ơn Ban Tôn giáo Chính phủ và các cấp chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam trong các hoạt động mục vụ và xã hội. Ngày 26-7-2016, mục sư Ken Graham, Hội trưởng Hội thánh Tin lành châu Úc đến chào, thăm Ban Tôn giáo Chính phủ nhân dịp lần đầu thăm chính thức Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) để trao đổi về hoạt động. Ngày 15 và 16-9-2016, đoàn Viện Liên kết toàn cầu (IGE) do ông Jame Chen, Giám đốc điều hành của IGE làm trưởng đoàn và bà Tracey Macmillan, Phó trưởng Phòng Thông tin, Vụ Chính sách đa phương, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã tới thăm Ban Tôn giáo Chính phủ để tìm hiểu về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Qua trao đổi, các cá nhân và tổ chức tôn giáo trên đều đánh giá rất cao môi trường hoạt động tôn giáo và tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động. Điều đó đã khẳng định, Việt Nam rất quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật.  

Vậy thực chất hoạt động tôn giáo ở các nước phương Tây hiện nay như thế nào? Họ thường rao giảng về tự do tôn giáo nhưng sự thật có phải như vậy? Đơn cử: Từ tháng 12-2015, Pháp đã đóng cửa khoảng 20 thánh đường Hồi giáo và 120 khu vực cầu nguyện được cho là truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Trả lời cho động thái này, ngày 2-8-2016, Bộ trưởng Nội vụ Pháp nhấn mạnh: “Không có nơi nào ở Pháp dành cho những kẻ muốn kêu gọi, kích động lòng thù hận trong các phòng cầu nguyện hay trong nhà thờ Hồi giáo và cả những kẻ không tôn trọng các nguyên tắc nhất định...”. Khi nghe tuyên bố này, ngay cả tôi cũng thầm mừng cho một vài vị chức sắc tôn giáo cực đoan rằng: “Cũng may các vị không làm loạn bên Pháp”. Và một số nước châu Âu cấm mặc bikini (trang phục tắm biển), cấm phụ nữ và các em gái đeo mạng che mặt ở nơi công cộng và đeo khăn trùm đầu trong trường học - một trong những luật lệ của Hồi giáo, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Còn ở Mỹ, vụ tấn công nhà thờ Emanuel AME, bang Nam Carolina, ngày 17-6-2015 làm 4 mục sư (trong đó có Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Clementa Pinckney, 41 tuổi) thiệt mạng. Một vài sự kiện như trên thôi cũng đã đủ phơi bày bộ mặt lừa bịp, mỵ dân của họ về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôi xin khẳng định rằng, việc lên án Việt Nam đàn áp tôn giáo, không có tự do tôn giáo chỉ là chiêu trò chống phá bằng truyền thông của các thế lực thù địch. Thực tiễn việc tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã vạch trần thủ đoạn xuyên tạc, bịp bợm của các nước đế quốc và bọn phản động; là minh chứng rõ ràng nhất cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Thanh Quang

  • Từ khóa
2663

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu