Thứ 4, 24/04/2024 14:20:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:24, 28/06/2016 GMT+7

Những bản báo cáo tròn vo

Thứ 3, 28/06/2016 | 10:24:00 124 lượt xem
BP - Vừa qua, trong đợt kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại một doanh nghiệp, sau khi nghe báo cáo “tròn vo” và rất “vĩ mô” của một đơn vị cấp cơ sở, ông phó đoàn kiểm tra đứng dậy nói: Đề nghị các đồng chí nói thật, nói thẳng vào vấn đề. Kế hoạch kiểm tra của đoàn đã nêu rõ bốn nội dung.

Các đồng chí cứ soi vào từng nội dung xem đơn vị mình có làm không, nếu có thì làm đến đâu. Nếu chưa làm hoặc có làm nhưng chưa đúng theo yêu cầu thì cứ nói thẳng để đoàn biết mà góp ý.

Rồi ông kể ngay một chuyện: Có lần đi kiểm tra một số nội dung về công tác xây dựng đảng ở một đơn vị, khi kiểm tra hồ sơ, sổ sách thấy thiếu rất nhiều. Một số quy định, hướng dẫn của cấp trên chưa được triển khai nhưng vị thủ trưởng đơn vị không thừa nhận, cứ nói vòng vo là có làm rồi nhưng văn bản để quên ở nhà, sẽ gửi đoàn kiểm tra sau. Ông phó đoàn cũng không phải vừa, liền nói tôi sẽ cho xe chở đồng chí về lấy. Vị thủ trưởng đơn vị lúng túng nói nhà xa, những gần mười cây số... Không sao, tôi sẽ chờ đồng chí mang văn bản về rồi làm việc, muộn mấy cũng chờ. Đến nước ấy thì vị thủ trưởng đơn vị đành phải thú thật là bận nhiều việc quá, chưa kịp làm.

Trường hợp bị “truy” đến cùng như ông phó đoàn đã kể là không nhiều, nhưng có một thực tế là mỗi lần đoàn cấp trên về cơ sở kiểm tra vấn đề gì đó thì rất khó tiếp cận với tình hình thực tế. Lý do là các đơn vị được kiểm tra khi xây dựng báo cáo thường giấu đi những hạn chế, nhược điểm của đơn vị - kể cả những nhược điểm do khách quan mang lại. Tất cả đều có chung một quan điểm là “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Bản thân người viết từng tham gia nhiều lần đi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, ông phó trưởng ban chuyên trách cũng “rào đón” ngay từ đầu: Mục đích của việc giám sát không phải tìm ra khuyết điểm để phê bình mà để giúp địa phương, ngành tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách. Mong các đồng chí cứ nói thật những vấn đề còn khó khăn để thành viên trong đoàn phân tích và tham mưu với các ngành, thường trực HĐND tỉnh biện pháp tháo gỡ. Thế nhưng rất ít khi đoàn giám sát nghe được những lời nói thật về khó khăn của ngành, địa phương mà phần nhiều vẫn là báo cáo thành tích! Nhiều khi số liệu báo cáo được “vẽ” ra rất đẹp nhưng khi được hỏi cơ sở nào để đạt những con số đó thì các ngành, địa phương không trả lời được.

Vào các dịp sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, tổng kết giai đoạn, chiến dịch, tổng kết nhiệm kỳ, không phải là tất cả nhưng ở rất nhiều cơ quan, bộ phận văn phòng lại miệt mài ngồi “vẽ” báo cáo với những con số “bí ẩn, tròn vo”. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích. Một thời gian, cả nước hô hào “nói không với bệnh thành tích” trong ngành giáo dục. Thế nhưng đến cuối năm, thầy cô lại bò ra để “cấy” điểm cho học sinh, để tỷ lệ lên lớp, xét tốt nghiệp, tỷ lệ khá, giỏi bảo đảm các chỉ tiêu như trường đã cam kết với phòng, phòng cam kết với sở và sở cam kết với bộ. Mà chẳng riêng gì ngành giáo dục, căn bệnh thành tích dẫn tới báo cáo láo đã di căn ra toàn xã hội. Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khi được tô hồng khiến nhiều quyết sách không chuẩn xác, thậm chí là sai lầm.

Thế nhưng hiện chưa có chế tài xử lý những người báo cáo không đúng sự thật!

Thảo Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu